Miền Trung những ngày ngập trong mưa lũ

Thứ năm, 08/10/2020, 20:41 PM

Các tỉnh, thành ở miền Trung đang trải qua những ngày ngập chìm trong mưa lũ, mưa lớn kéo dài.

Nước vào trong nhà dân ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Nước vào trong nhà dân ở Thừa Thiên Huế. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Thông tin trên báo Người Lao Động, từ ngày 6 đến chiều 8-10, khu vực Trung Bộ có mưa rất to, tổng lượng mưa phổ biến từ 400-600 mm. Đặc biệt, tại một số nơi ở Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tổng lượng mưa từ 700-900 mm, một số trạm có lượng mưa lớn như: Lâm Thủy (Quảng Bình) 634 mm; Đại Sơn (Quảng Nam) 560 mm; Hướng Linh (Quảng Trị) 980 mm; Linh Thượng (Quảng Trị) 754 mm; A Lưới (Thừa Thiên Huế) 818 mm.

Hiện nay, các địa phương như Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã tổ chức di dời, sơ tán tổng cộng 3.250 hộ/10.994 người tại các khu vực bị ngập sâu, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất. Tổng cộng, có 37 xã bị ngập.

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, ngoài tình hình ngập lụt như trên, mưa lũ ở miền Trung, Tây Nguyên đã làm 4 người ở Đắk Lắk, Gia Lai, Quảng Trị, Quảng Ngãi chết; 7 người mất tích (Quảng Trị: 5, Thừa Thiên Huế: 1, Gia Lai: 1).

Theo báo Biên Phòng, tại tỉnh Quảng Trị có 20 xã, phường bị ngập lụt, chia cắt cục bộ (7 xã của huyện Hướng Hóa, 4 xã của huyện Đakrông, 3 xã của huyện Cam Lộ và 6 phường tại TP Đông Hà).

Thông tin từ Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Trị, trên 2 tuyến biên giới đang có khoảng 40 điểm bị chia cắt cục bộ. Áp thấp nhiệt đới và mưa lũ đã làm 7 nhà dân bị tốc mái, 2 tàu bị chìm, 2 tàu mắc cạn, 2 tàu trôi dạt. Mưa lũ cuốn trôi 2 đập tràn. 183ha hoa màu bị hư hại, hơn 33ha hồ tôm, cá bị ngập và nhiều gia súc, gia cầm bị cuốn trôi. Mưa lũ cũng làm sập 18m tường rào của Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, 25m tường rào Đồn Biên phòng Thanh, 50m tường rào của tổ quân y BĐBP Quảng Trị. Sạt lở đất đá khiến nhà làm việc của Trạm Kiểm soát cửa khẩu phụ Cóc, Đồn Biên phòng Ba Nang bị sập.

Người dân vùng trũng ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chèo ghe đi lại. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Người dân vùng trũng ở huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) chèo ghe đi lại. Ảnh: Tuấn Hiệp.

Đến trưa 8-10, các đơn vị BĐBP đã phối hợp với chính quyền địa phương di dời được 1.631 hộ, 7.732 khẩu đến vị trí an toàn, cứu nạn thành công 1 người dân bị lũ cuốn trôi trên sông Sê Pôn.

Khu vực biên giới huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: Báo Biên Phòng.

Khu vực biên giới huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ngập sâu trong nước lũ. Ảnh: Báo Biên Phòng.

Còn tại Thừa Thiên Huế, có 1.100 nhà bị ngập, trong đó, huyện Phong Điền có 1.000 nhà thuộc các xã Phong Hòa, Phong Bình, Phong Thu; TP Huế: 100 nhà tại phường An Tây. Mức nước ngập từ 0.3 m đến 0.8m. Có 1 nhà bị sập là nhà của bà Trương Thị Xuân (ở Hiền Lương, Phong Hiền, Phong Điền). Ngoài ra, co 4 người bị thương, 1 người mất tích.

Về tình hình giao thông, trên Quốc lộ 49A bị sạt taluy dương, tắc đường Km76+380 (dự kiến chiều tối thông xe). Đường Hồ Chí Minh sạt lở nhỏ ở vài vị trí, khối lượng không lớn…

Theo báo Kinh tế Đô thị, mưa lớn kéo dài khiến nhiều vùng ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam ngập trong nước lụt. Người dân phải di chuyển bằng thuyền.

Tại thôn Quan Nam 2 (xã Hòa Liên), nước ngập gần nửa mét tại nhiều tuyến đường khiến người dân không thể di chuyển bằng xe máy. Bị nước lụt ngập nặng nhất là thôn Trung Sơn, nhiều điểm nước sâu hơn 1,5 mét, khiến khoảng 100 hộ dân tại đây bị chia cắt. 

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) chìm trong nước. Ảnh: Anh Ba.

Phố cổ Hội An (Quảng Nam) chìm trong nước. Ảnh: Anh Ba.

Tại Quảng Nam, Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh đã thông báo tin lũ trên hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn, Tam Kỳ và cảnh báo tình trạng lũ quét, sạt lở đất, ngập úng trên địa bàn các huyện vùng núi. Tại TP Tam Kỳ, mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường ngập đến gần nửa mét. Khu vực ngã tư đường Điện Biên Phủ - Phan Châu Trinh ở TP Tam Kỳ ngập sâu.

Lực lượng chức năng đang tổ chức các chốt chặn ở các điểm nguy hiểm cảnh báo người dân không qua lại. Ảnh: báo GĐXH.

Lực lượng chức năng đang tổ chức các chốt chặn ở các điểm nguy hiểm cảnh báo người dân không qua lại. Ảnh: báo GĐXH.

Báo Gia đình xã hội đưa tin, do mưa lớn kéo dài, trên địa bàn Hương Khê (Hà Tĩnh), mưa lớn diễn ra trên diện rộng, gây ngập cục bộ, chia cắt giao thông ở một số địa phương. Mưa xối xả suốt từ tối 7 đến chiều 8/10, nước tại các con sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La trên địa bàn Hà Tĩnh lên nhanh. Nhà máy thủy điện Hố Hô ở Hương Khê phải xả lũ trong đêm.

Tại các xã Lộc Yên, Hương Trạch, Hương Giang, Điền Mỹ, Hương Xuân, Hương Liên…của huyện Hương Khê đã bị ngập cục bộ, nước chảy xiết, giao thông hiện đang bị chia cắt.

Nhằm chủ động ứng phó với diễn biến của vùng áp thấp nhiệt đới, UBND huyện Hương Khê đã có công điện yêu cầu các địa phương, đơn vị chuẩn bị và triển khai phương án đề phòng mưa lớn xảy ra lũ quét trên các sông, suối, ngập úng và sạt lở đất ở vùng núi.

Người dân ở Đà Nẵng phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: báo KTĐT.

Người dân ở Đà Nẵng phải di chuyển bằng thuyền. Ảnh: báo KTĐT.

Dự báo từ nay đến ngày 10- 10, các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi tiếp tục có mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 250-350 mm, có nơi trên 400 mm; ở Nam Nghệ An, Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa 50-100 mm, có nơi trên 100 mm. Cảnh báo từ ngày 11-10, các tỉnh Trung Bộ có khả năng xảy ra đợt mưa lớn tiếp theo và kéo dài.

Bài liên quan