Mưa lũ miền Trung: Hà Tĩnh mưa lớn, Hồ Kẻ Gỗ tăng lượng xả

Thứ hai, 26/10/2020, 06:54 AM

Mưa lũ miền Trung, cơn bão số 8 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới gây ảnh hưởng đến các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị.

Mưa lũ miền Trung: Hồ Kẻ Gỗ tăng lượng xả lên 300-400 m3/giây.

Mưa lũ miền Trung: Hồ Kẻ Gỗ tăng lượng xả lên 300-400 m3/giây.

Mưa lũ miền Trung làm 130 người chết

Báo cáo nhanh tổng hợp tình hình thiệt hại do mưa lũ miền Trung kể từ ngày 6/10 đến nay của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho thấy: Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề khi khiến 130 người chết và 18 người mất tích.

Quảng Trị là địa phương ghi nhận nhiều thiệt hại nhất về người với 50 người chết, 4 người mất tích. Tại Thừa Thiên - Huế, 12 công nhân mất tích sau trận sạt lở đất ở thủy điện Rào Trăng 3.

Sau khi nước lũ rút, miền Trung có 885 ngôi nhà hư hỏng và 320 nhà đang bị ngập. Ngành nông nghiệp cũng ghi nhận thiệt hại nặng nề với hơn 1.400 ha lúa và 7.800 ha hoa màu bị ngập; hơn 7.000 con gia súc và 927.000 con gia cầm bị chết, cuốn trôi.

Tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh tây còn 16 điểm sạt lở. Nhiều đoạn ở quốc lộ 12C, 12A, 9C qua Quảng Bình vẫn hư hỏng.

Mưa lũ miền Trung - bão số 8 suy yếu, Hồ Kẻ Gỗ tăng lượng xả đón bão số 9

Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, do ảnh hưởng của bão số 8 suy yếu thành vùng thấp, khu vực Hà Tĩnh có mưa từ chiều 25 đến 27/10/2020 lượng mưa từ 50mm đến 150mm;

Từ chiều 28 đến 31/10/2020, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 9 kết hợp với không khí lạnh tăng cường, khu vực Hà Tĩnh có mưa rất to, lượng mưa dự báo phổ biến từ 300 đến 500mm/đợt, cục bộ có nơi từ 600 đến 700mm/đợt.

Trong khi đó, mực nước hồ lúc 15h30 ngày 25/10 là 30,35m, tương ứng với dung tích 284 triệu m3.

Để đảm bảo an toàn công trình và đón lũ của cơn bão số 9, trong lúc mực nước hạ du đang thấp, lúc 15h30 ngày 25/10, tràn Dốc Miếu Kẻ Gỗ đang xả với lưu lượng là 250m3/s và sẽ tăng lưu lượng xả lên 300 đến 400m3/s vào lúc 7 giờ ngày 26/10. Đến 10 giờ ngày 28/10, Công ty sẽ chủ động giảm lưu lượng xả hoặc đóng tràn để đón lũ.

Mưa lũ miền Trung - bão số 9 mạnh cấp nào?

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết: Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 8 đã suy yếu thành một vùng áp thấp.

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km, suy yếu và tan dần.Dự báo mưa: Trong ngày và đêm nay (26/10), ở các tỉnh từ Nghệ An, Hà Tĩnh đến Quảng Trị tiếp tục có mưa với lượng mưa phổ biến 20-50mm.

Về cơn bão số 9 có tên quốc tế là Bão Molave: Hồi 1 giờ ngày 26/10, vị trí tâm bão Molave ở khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 122,2 độ Kinh Đông, trên khu vực miền Trung Phi-líp-pin. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (100-135km/giờ), giật cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào Biển Đông và tiếp tục mạnh thêm. 

Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.

Đến 1 giờ ngày 29/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 14,9 độ Vĩ Bắc; 106,1 độ Kinh Đông, ngay trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Mưa lũ miền Trung - Hà Tĩnh sẵn sàng sơ tán dân

Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa ký ban hành công điện khẩn về việc đẩy nhanh khắc phục hậu quả mưa, lũ từ 15/10 đến 21/10 và tập trung ứng phó với diễn biến thời tiết nguy hiểm trên địa bàn.

Trong đó yêu cầu, các địa phương tiến hành kiểm tra ngay; đặc biệt phải rà soát kỹ tất cả các vị trí có nguy cơ cao về sạt lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt sâu để kịp thời thông báo cho người dân chủ động, phòng tránh có hiệu quả.

Tổ chức rà soát các hộ dân, số điện thoại chủ hộ nằm trong vùng có nguy cơ xảy ra ngập lũ, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng liên lạc, ứng cứu nếu có tình huống xảy ra. Phân công cán bộ theo dõi cụ thể các vùng có nguy cơ cao về thiên tai, chủ động triển khai các phương án ứng phó (trong đó có phương án sơ tán dân) phù hợp, không để bị động, bất ngờ; đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người dân, không để người dân bị đói, rét, không có chỗ ở khi có mưa lũ xảy ra.

Chuẩn bị ngay phương án dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu để ứng phó với thiên tai khi cần thiết.

Tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai các phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập; đặc biệt là các hồ chứa vừa và nhỏ đã xuống cấp, tiềm ẩn nhiều rủi ro, các hồ chứa đã đầy hoặc gần đầy nước, các hồ chứa đang thi công, sửa chữa và các tuyến đê xung yếu, tranh thủ thời điểm triều xuống thấp để chủ động điều tiết các hồ chứa, không để bị động khi có mưa lũ xảy ra; các tuyến kè, cống qua đê đang thi công và bị sự cố trong đợt mưa lũ vừa qua.

Yêu cầu chủ tịch UBND cấp huyện, các xã có công trình hồ đập và đê điều phải tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác để kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố (nếu có) ngay từ giờ đầu; chuẩn bị đầy đủ, vật tư, phương tiện, nhân lực để xử lý khi có tình huống, đặc biệt tại các vị trí xung yếu.

Bên cạnh đó, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh sẵn sàng lực lượng, phương tiện chủ động chi viện cho các địa phương trong việc sơ tán dân, ứng phó bảo vệ đê điều, hồ đập và công trình xung yếu, đảm bảo an ninh trật tự và chủ động triển khai phương án ứng phó với thiên tai. Theo dõi diễn biến của thiên tai, tổ chức lập các sở chỉ huy tại các địa phương có khu vực xung yếu, trọng điểm lũ, lụt, sạt lở đất để chủ động sẵn sàng ứng cứu.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh khẩn trương tiếp nhận, phân bổ phương tiện cứu hộ, cứu nạn được Trung ương hỗ trợ để phục vụ công tác ứng phó với thiên tai.

Các sở, ngành, tổ chức, đoàn thể cấp tỉnh theo chức năng nhiệm vụ của mình chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai một cách có hiệu quả.

Các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án chỉ đạo các nhà thầu đang thi công các công trình phải huy động lực lượng, xe máy tập trung thường trực tại hiện trường 24/24h để chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và công trình.

Đề nghị các đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại các địa phương theo phân công của UBND tỉnh xuống ngay cơ sở để kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai các giải pháp ứng phó với tình hình thiên tai.

Bài liên quan