Mỹ, Philippines, Nhật Bản điều hơn 2.000 binh sĩ tập trận ở Biển Đông

Thứ năm, 10/10/2019, 16:16 PM

Hơn 2.000 binh sĩ Mỹ, Philippines và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc tập trận chiến đấu thường niên trên khu vực Biển Đông.

Mỹ, Philippines, Nhật Bản điều hơn 2.000 binh sĩ tập trận ở Biển Đông
Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Philippines trong một cuộc tập trận chung năm 2017 (Ảnh minh họa: Quân đội Nhật Bản)

Theo SCMP, lực lượng 3 nước kể trên ngày 9/10 đã bắt đầu cuộc tập trận chung thường niên mang tên “Sự hợp tác của những chiến binh đại dương” với mục tiêu phản ứng nhanh với khủng hoảng và thảm họa tự nhiên, cũng như nhấn mạnh lại cam kết duy trì Biển Đông “tự do và mở cửa”.

Cuộc tập trận dự kiến diễn ra trong 10 ngày, bao gồm diễn tập tấn công đổ bộ và bắn đạn thật. Hoạt động diễn tập đầu tiên diễn ra ở cảng Subic, một căn cứ hải quân cũ của Mỹ ở tây bắc thủ đô Manila. Cuộc tập trận cũng bao gồm các hoạt động nhân đạo tại 6 tỉnh phía bắc Philipines.

“Các hoạt động (trong cuộc tập trận) nhằm tăng cường năng lực quân sự và duy trì cam kết về một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do, cũng như năng lực triển khai nhanh các lực lượng trong tình huống xảy ra khủng hoảng hoặc thảm họa thiên nhiên”, Đại sứ quán Mỹ tại Manila cho biết trong một tuyên bố.

Phát ngôn viên lực lượng thủy quân lục chiến Philippines Felix Serapio cho biết có khoảng 1.400 lính thủy đánh bộ Mỹ, 600 binh sĩ Philippines và 100 binh lính từ lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản tham gia cuộc tập trận với các phương tiện tấn công đổ bộ.

Thông tin về cuộc tập trận chung được công bố chỉ vài ngày sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan và tàu đổ bộ USS Boxer của Mỹ đã thực hiện cuộc tập trận bắn đạn thật tại Biển Đông nhằm thể hiện thông điệp ủng hộ một Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do.

“Chúng tôi, bằng lực lượng áp đảo gồm nhóm tác chiến tàu sân bay và các nhóm đổ bộ tấn công của Mỹ, đã chuẩn bị để ngăn cản những bên thách thức những giá trị chung”, Chuẩn Đô đốc George Wikoff, Chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm 70, thuộc Hạm đội 7 của hải quân Mỹ, cho hay.