Mỹ sợ Trung Quốc thế nào và Trung Quốc sợ mất Huawei ra sao?

Thứ hai, 10/12/2018, 16:07 PM

Cách đây vài ngày, nhiều người cho rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung sẽ “hạ nhiệt” khi hai nước đồng ý “đình chiến” 90 ngày. Tuy nhiên, chưa được bao lâu thì giám đốc tài chính Huawei bị bắt, khiến hy vọng đó gần như bị dập tắt.

my-so-trung-quoc-the-nao-va-trung-quoc-so-mat-huawei-ra-sao
Vụ giám đốc tài chính Huawei bị bắt ở Canada theo yêu cầu của Mỹ đang làm chao đảo thị trường thế giới.

Vì sao lại là Huawei?

Việc giám đốc tài chính Huawei, bà Mạnh Vãn Chu, bị bắt đang thu hút sự quan tâm của cả thế giới cũng như là yếu tố gây thêm căng thẳng đáng kể cho mối quan hệ Mỹ - Trung bởi nhiều lý do.

Thứ nhất, Huawei là tập đoàn tư nhân nhưng được cho là có mối quan hệ mật thiết với chính phủ. Mỹ nghi ngờ nhiều thiết bị của tập đoàn này được dùng để thực hiện các hoạt động gián điệp và kêu gọi các đồng minh ngừng dùng thiết bị của Huawei. Cho đến giờ đã có nhiều quốc gia bao gồm Nhật Bản, Australia, New Zealand và Anh đã ra lệnh cấm hay hạn chế việc mua các sản phẩm của tập đoàn này với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz gần đây viết trên Twitter rằng: "Huawei là một cơ quan gián điệp của Trung Quốc được che giấu dưới danh nghĩa là một công ty viễn thông".

Thứ hai, Huawei là một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới. Rất hiếm tập đoàn viễn thông nào làm trọn cả chuỗi ngành viễn thông như Huawei.

Huawei vừa vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới theo thị phần (Samsung Electronics đứng đầu). Tập đoàn này cũng đang đi đầu trong công nghệ 5G.

Những sự việc xảy ra với Huawei gần đây cho thấy Mỹ đang ngày càng muốn ngăn chặn các công ty công nghệ Trung Quốc trở thành đối thủ của các công ty Mỹ.

Cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang thực hiện với Trung Quốc được cho là đang ở mức rất sâu và rộng.

my-so-trung-quoc-the-nao-va-trung-quoc-so-mat-huawei-ra-sao
Huawei đang chiếm ưu thế trong công nghệ 5G.

Trong chiến lược công nghiệp Made in China 2025 (MIC2025) được công bố năm 2015, có 6 lĩnh vực mà Trung Quốc ưu tiên gồm công nghệ bán dẫn, Internet (kinh tế số, 5G, thương mại điện tử), máy bay thương mại, thuốc và thiết bị y tế hiện đại, trí tuệ nhân tạo (AI) và phương tiện giao thông chạy bằng năng lượng mới (NEV).

MIC2025 nhằm tạo ra cuộc cách mạng sản xuất dựa trên nền tảng công nghệ thông minh. Đây là cương lĩnh 10 năm đầu tiên để chính phủ biến Trung Quốc thành “cường quốc chế tạo”.

Tuy nhiên, cho đến nay, 4/6 lĩnh vực của chiến lược MIC2025 đang bị Mỹ “bóp nghẹt” bằng nhiều chính sách khác nhau, đặc biệt là khi ông Trump đắc cử.

Tháng 8/2018, Bộ Thương mại Mỹ đã ban hành danh sách kiểm soát xuất khẩu nhằm vào 44 công ty và tổ chức của Trung Quốc đang hoạt động trong các lĩnh vực quốc phòng, thông tin vệ tinh, bán dẫn và hàng không, ảnh hưởng tới 8 tập đoàn lớn của Trung Quốc và hàng chục công ty con.

Không chỉ vậy, trong danh mục gần 7000 mặt hàng Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ đang chịu thuế suất 10 - 25% có rất nhiều hàng hoá thuộc hai nhóm ngành máy bay thương mại, thuốc và thiết bị y tế hiện đại.

Hồi tháng 4/2018,  ZTE - một tập đoàn viễn thông tư nhân lớn khác của Trung Quốc cũng bị Mỹ cấm buôn bán với các công ty của Mỹ trong thời hạn 7 năm với cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran. Sau đó, ZTE phải nộp phạt hơn 1 tỷ USD để được bỏ lệnh cấm.

Và đến nay, việc Mỹ nhắm vào Huawei được cho là nhằm ngăn tập đoàn này dẫn đầu công nghệ 5G. Đây cũng được xem là mối lo lớn nhất của Mỹ về cạnh tranh công nghệ bởi làm chủ 5G đồng nghĩa với  làm chủ các lĩnh vực công nghệ cao khác như AI, thương mại điện tử, kinh tế số.

Huawei quá lớn, Trung Quốc không thể để mất

my-so-trung-quoc-the-nao-va-trung-quoc-so-mat-huawei-ra-sao
Mất Huawei, Trung Quốc giống như bị mất "bảo bối" vào phút chót.

Với doanh thu khoảng 92,5 tỷ USD mỗi năm, Huawei gần tương đương với Microsoft hay Google. Huawei có khoảng 180 nghìn nhân viên đang làm việc trên khắp thế giới. Đó cũng chính là lý do việc giám đốc tài chính Huawei bị bắt đã làm chao đảo thị trường toàn cầu.

Huawei được cho là có quy mô và tầm vóc lớn hơn nhiều so với ZTE. Tập đoàn này sở hữu công nghệ bán dẫn hiện đại nhất - lĩnh vực mà Trung Quốc rất coi trọng. Huawei cũng đã tự thiết kế được bộ xử lý chip trong điện thoại thông minh và là một trong năm nhà cung cấp máy chủ lớn nhất thế giới.

Bên cạnh đó, Huawei cũng đang lên kế hoạch phát triển chip trí tuệ nhân tạo sử dụng trong máy chủ và có thể trở thành đối thủ đáng gờm của các công ty bán dẫn hàng đầu thế giới như Qualcomm và Nvidi của Mỹ.

Trung Quốc hiện đã xây dựng 300.000 cột thu phát 5G trong khi Mỹ chỉ xây được khoảng 30.000 cột. Ngoài ra, Huawei và ZTE đều đang chiếm ưu thế về các thiết bị xây dựng mạng 5G.

Nếu mọi việc diễn ra thuận lợi, các tập đoàn viễn thông Trung Quốc sẽ dễ dàng thống trị thị trường 5G.

Đợt “tấn công” của Mỹ diễn ra trong bối cảnh các hãng viễn thông trên khắp thế giới chuẩn bị đổ hàng tỷ USD vào thiết bị sử dụng công nghệ 5G.

Chính vì vậy, việc Huawei bị nhắm mục tiêu là một “cú đánh” rất lớn của Mỹ đối với Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại về công nghệ cao.

Dù hiện đang là một trong những tập đoàn viễn thông hàng đầu thế giới, Huawei vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các nhà cung cấp toàn cầu, đặc biệt là ở Mỹ, để sản xuất được thiết bị cầm tay cao cấp, máy chủ và thiết bị viễn thông. Do vậy, nó sẽ bị tổn thương nghiêm trọng nếu bị Mỹ cấm sử dụng công nghệ Mỹ.

Nếu mất Huawei, Trung Quốc sẽ chẳng khác gì bị mất đi một “bảo bối” vào phút chót khi sắp gần thực hiện được những tham vọng.

 

Mỹ có thể cấm xuất khẩu đối với Huawei

Sau ZTE tới lượt Huawei bị Mỹ điều tra vì vi phạm lệnh trừng phạt và có thể đối mặt với lệnh cấm xuất khẩu từ Bộ Thương mại Mỹ.

 

Giám đốc tài chính Huawei xin tại ngoại vì sức khỏe kém

Bà Meng Wanzhou, giám đốc tài chính Huawei, muốn xin tại ngoại trong khi chờ phiên tòa xem xét dẫn độ vì sức khỏe kém, Channel News Asia ngày 9/12 dẫn tài liệu của tòa án cho hay.

 

Trung Quốc cảnh báo 'hậu quả nghiêm trọng' nếu Canada không thả giám đốc tài chính Huawei

Bắc Kinh cảnh báo Canada sẽ phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nếu không thả giám đốc tài chính Huawei – người bị bắt ngày 1/12 và đang bị giam giữ ở Canada.