Nền kinh tế 'đói' vốn, Thủ tướng chỉ đạo nóng Ngân hàng Nhà nước

Thứ tư, 14/12/2022, 06:46 AM

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, cung cấp vốn tín dụng kịp thời, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người dân dịp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện hỏa tốc gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về cung ứng tín dụng.

Phải giảm chi phí nhằm hạ lãi suất vay

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1156/CĐ-TTg ngày 12/12/2022 về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có các biện pháp kịp thời, hiệu quả, chỉ đạo các ngân hàng thương mại xem xét, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước.

Ngân hàng Nhà nước rà soát, tiết giảm chi phí hoạt động, thủ tục hành chính, các khoản chi không cần thiết để có dư địa chủ động giảm lãi suất cho vay, chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ người dân, doanh nghiệp cùng vượt qua khó khăn, thách thức, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, góp phần kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội và góp phần xây dựng hệ thống ngân hàng hoạt động công khai, minh bạch, an toàn, lành mạnh, bền vững.

Thủ tướng chỉ đạo về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng chỉ đạo về cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. (Ảnh minh họa)

Thủ tướng yêu cầu tập trung tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; xây dựng khu công nghiệp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân), nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, an ninh tài chính tiền tệ quốc gia; đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước ngày 20/12 để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác trong tình hình hiện nay.

Thủ tướng nhấn mạnh, NHNN cần đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý nhà nước, chống sở hữu chéo, các hoạt động không lành mạnh, không đúng hướng, trục lợi chính sách và khẩn trương kiện toàn lãnh đạo Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng trước ngày 20/12/2022.

Trước đó, ngày 4/12, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 5/12, NHNN đã quyết định điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.

Nguyên tắc điều chỉnh là tăng chỉ tiêu tín dụng cho các tổ chức tín dụng theo hướng các tổ chức tín dụng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn.

NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…,các động lực tăng trưởng theo đúng chủ trương.

Nền kinh tế không thiếu tiền, chỉ thiếu vốn

Chia sẻ tại buổi tọa đàm “Tìm giải pháp tài chính doanh nghiệp trong tình hình hiện nay”, TS.Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, nền kinh tế hiện không thiếu tiền nhưng thiếu vốn.

Hệ lụy một phần đến từ các doanh nghiệp bất động sản chưa có hệ thống quản trị rủi ro hiệu quả. Cùng với đó, doanh nghiệp bất động sản dùng đòn bẩy tài chính thái quá, đến nay, 4 dòng tiền là: vốn chủ hữu; vay ngân hàng; trái phiếu; tiền khách hàng ứng trước đều tắc.

Trước đây, các doanh nghiệp bất động sản đưa ra thị trường sản phẩm đầu cơ nhiều hơn sản phẩm cho thị trường. Đơn cử, đi dọc miền Trung toàn các dự án phân lô, bán nền, nhiều người miền Bắc vào mua mà không biết bao giờ sẽ ở; những dự án pháp lý không ổn được mua đi bán lại mà giờ kêu nhà nước gỡ thì đâu đơn giản, ông Lịch bình luận.

Ông Nguyễn Quang Thanh – Phó Tổng giám đốc Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) cho hay, việc phát hành trái phiếu dưới chuẩn thời gian qua đã tạo ra ảnh hưởng nhất định. Thường người mua trái phiếu là các tổ chức nhưng khi ngân hàng bảo lãnh, đã phát hành nhiều cho cá nhân. Trái lại, nhà đầu tư cá nhân kiến thức còn hạn chế, họ nhiều khi không biết đang mua cái gì nên khó đánh giá chính xác về trái phiếu. Nếu trái phiếu được bán cho tổ chức thì tình hình đã tốt hơn.

Đây là lúc doanh nghiệp buộc phải mua lại trái phiếu, bởi nếu doanh nghiệp bị phát hiện đã phát hành trái phiếu, sử dụng tiền không đúng mục đích, có thể sẽ bị xử lý hình sự.