Chủ nhật, 10/11/2019, 12:11 PM
  • Click để copy

Thủ tướng tuyên bố 'để thiếu điện sẽ mất chức': Bộ Công Thương giải quyết thế nào?

Tại Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tuyên bố: "Cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện, sẽ mất chức chứ không phải bình thường".

Thủ tướng yêu cầu không được công bố tình trạng thiếu điện.
Thủ tướng yêu cầu không được công bố tình trạng thiếu điện.

Thiếu điện sẽ mất chức

Đó là thông điệp cũng là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Quốc hội hôm 8/11 vừa qua.

Theo đó, trong phiên chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trước Quốc hội, nhiều ĐBQH đặt vấn đề về tình hình điện năng và các dự án điện khí chậm triển khai. Đồng thời bày tỏ lo lắng về tình trạng thiếu điện trong sản xuất, sinh hoạt.

Trả lời các đại biểu, Thủ tướng nhấn mạnh: “Điện bây giờ không phải chỉ là kinh tế, mất điện ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sản xuất của nhân dân. Tôi có lần đã nói, cơ quan nào, đơn vị nào có chức năng sản xuất, cung ứng điện mà không đảm bảo cấp điện liên quan đến vấn đề mất chức chứ không phải bình thường”.

Người đứng đầu Chính phủ cũng thông tin rằng đã có Ban Chỉ đạo quốc gia do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng làm Trưởng ban, Bộ trưởng Bộ Công Thương làm Phó ban thường trực và có các cấp, các ngành tham gia.

“Ban Chỉ đạo phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà Thủ tướng đã quy định, đã giao nhiệm vụ, đã đôn đốc, nhắc nhở rất nhiều, không phải nước đến chân mới nhảy, không được công bố tình trạng thiếu điện” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu kiên quyết.

Bộ Công thương có giải pháp gì?

Trong báo cáo do Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh ký, gửi tới các đại biểu Quốc hội mới đây, cho biết: Bộ đang khẩn trương tổ chức lập quy hoạch điện VIII với các nghiên cứu căn cơ, đảm bảo phát triển cân đối giữa các vùng, miền, cân đối giữa nguồn và phụ tải.

Theo Bộ Công Thương, quy hoạch điện VIII phù hợp với các nội dung liên quan trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dung đất, quy hoạch vùng song vẫn có tính mở chỉ xác định danh mục những nguồn điện lớn, quan trọng cấp quốc gia, danh mục lưới điện truyền tải quan trọng ở cấp điện áp ≥ 220kV giai đoạn 2021 - 2030, định hướng phát triển nguồn điện theo miền, theo vùng và theo cơ cấu công suất giai đoạn 2031 - 2050, định hướng phát triển lưới điện truyền tải ở cấp điện áp ≥ 220kV giai đoạn 2031 - 2050.

Bộ Công thương cũng đang tích cực hoàn thiện các văn bản pháp lý cho công tác vận hành hệ thống điện truyền tải, phân phối, công tác điều độ các nhà máy điện trong bối cảnh tỷ trọng các nhà máy điện năng lượng tái tạo đang ngày càng tăng cao.

Xây dựng các cơ chế phù hợp để đẩy nhanh tiến độ các công trình nguồn và lưới điện để đảm bảo cơ bản nhu cầu sử dụng điện trong năm 2020 và các năm tiếp theo. Đồng thời chỉ đạo các đơn vị cung cấp than, khí ổn định cho phát điện.

Nhu cầu về điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất ở nước ta đang tăng cao. (Ảnh: EVN).
Nhu cầu về điện phục vụ sinh hoạt, sản xuất ở nước ta đang tăng cao. (Ảnh: EVN).

Về điều hành giá điện, Bộ Công Thương sẽ tăng cường kiểm tra giám sát chi phí sản xuất kinh doanh điện hàng năm của EVN, nghiên cứu, sửa đổi quyết định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ giá bán lẻ bình quân, khắc phục những điểm vướng mắc tồn tại trong điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, ngoài việc xây dựng quy hoạch điện VIII với quan điểm đổi mới hơn, tới đây sẽ tập trung điều chỉnh quy hoạch điện VII, tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung các dự án điện khí.

Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh tiến độ các dự án đã xong thủ tục đầu tư để sớm thực hiện đầu tư như các dự án cụm nhiệt điện Vân Phong 1, cụm Nghi Sơn, cụm Nhơn Trạch, cụm Quảng Trạch, các dự án chuỗi điện khí Cá Voi Xanh và lô B…

Đồng thời tìm giải pháp để tháo gỡ những khó khăn cho các dự án trọng điểm của ngành điện chậm tiến độ như nhiệt điện Thái Bình 2, Sông Hậu 1, Long Phú 1...

Đặc biệt ngành điện cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án truyền tải điện, trong đó có đường dây 500kV mạch 3 và đường truyền tải giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Trong đó có thể huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư vào hệ thống truyền tải.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/thu-tuong-tuyen-bo-de-thieu-dien-se-mat-chuc-bo-cong-thuong-giai-quyet-the-nao-141334.html