Nga cắt khí đốt tới Hà Lan

Thứ ba, 31/05/2022, 14:30 PM

Tập đoàn năng lượng Nga cắt khí đốt sau khi đối tác Hà Lan từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Khi-do-t-Nga-jpeg-6801-1643270022

"Công ty GasTerra của Hà Lan thông báo cho Gazprom Export rằng họ không có ý định thanh toán khí đốt bằng đồng ruble theo sắc lệnh số 172 của Tổng thống Nga ngày 31/3 và kế hoạch do Gazprom Export đề xuất", tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga ngày 30/5 thông báo.

"Tính đến hết giờ làm việc ngày 30/5, Gazprom Export chưa được GasTerra thanh toán lượng khí đốt cung cấp trong tháng 4 theo thời hạn được quy định trong hợp đồng", thông báo có đoạn.

Gazprom cho biết Gazprom Export, công ty con của tập đoàn năng lượng Nga, thông báo cho đối tác Hà Lan về việc "ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 31/5 cho tới khi được thanh toán theo quy định trong sắc lệnh trên".

Trước đó, GasTerra tuyên bố sẽ không thanh toán khí đốt bằng phương thức do Nga đưa ra, theo đó họ cần lập và chuyển tiền vào tài khoản EUR tại ngân hàng thuộc tập đoàn Gazprom. Khoản tiền sau đó sẽ được đổi sang ruble.

GasTerra cho rằng phương thức thanh toán này có thể vi phạm lệnh trừng phạt nhằm vào Nga của Liên minh châu Âu (EU), đồng thời tiềm ẩn quá nhiều rủi ro tài chính và vận hành.

GasTerra cũng thông báo đã ký hợp đồng mua hai tỷ m3 khí đốt từ nơi khác để thay thế lượng hàng mà họ dự kiến nhận từ Gazprom đến hết tháng 10, song chưa công bố chi tiết về nhà cung cấp mới.

"Chưa thể nói trước việc giảm 2 tỷ m3 khối khí đốt của Nga sẽ tác động thế nào đến tình hình cung cầu trên thị trường châu Âu", GasTerra cho biết.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Kinh tế Hà Lan Pieter ten Bruggencate thông báo nước này chưa khởi xướng kế hoạch sử dụng khí đốt khẩn cấp, theo đó yêu cầu các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp giảm tiêu thụ khí đốt. "Đây chưa được coi là mối đe dọa với nguồn cung", ông cho biết.

Công ty năng lượng Đan Mạch Orsted ngày 30/5 cũng cảnh báo Nga có thể dừng cung cấp khí đốt cho họ vì từ chối thanh toán bằng đồng ruble, song Gazprom chưa thông báo gì về điều này. Trước đó vài tuần, Nga cắt khí đốt tới Ba Lan, Bulgaria và Phần Lan vì lý do tương tự.