Nga đang ‘miễn nhiễm’ các đợt trừng phạt của Mỹ

Thứ sáu, 15/03/2019, 15:53 PM

Các lệnh trừng phạt được đưa ra nhằm vào giới chóp bu ở Moscow, nhưng thay vào đó, nó lại kích thích sự phát triển kinh tế và thậm chí là chủ nghĩa ái quốc.

nga-dang-mien-nhiem-cac-dot-trung-phat-cua-my
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Putin. Ảnh minh họa.

Đây là nhận xét của National Interest trong bài viết ngày 14/3. Chuyên trang này đặt vấn đề rằng các cuộc thảo luận hiện nay xung quanh lệnh trừng phạt Nga đều lấy phạm vi và mục tiêu làm trung tâm. Vì vậy, câu hỏi đặt ra là liệu các lệnh trừng phạt có đang nhắm đúng vào những người mà bên trừng phạt muốn thay đổi hành vi hay không.

Ví dụ điển hình nằm ở nông nghiệp, khi lệnh trừng phạt hóa ra mang tới kết quả khó tin khi nông dân Nga đang ở vào trạng thái “tốt nhất từ trước tới nay”.

Cụ thể ngay sau khi có lệnh trừng phạt nhằm vào Nga năm 2014 (sau vụ Ukraine và Crimea), Điện Kremlin lập tức phản đòn với lệnh trừng phạt tương tự đối với hàng nhập từ phương Tây.

Khi ấy người Nga thiếu phương án thay thế tức thời dành cho những loại phô mai hảo vị hay các thực phẩm chế biến khác từ châu Âu, nhưng nhanh chóng thích nghi và tiến tới cấp độ cao hơn. Số liệu năm 2016 cho thấy Nga đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa mì. Đặt trong bối cảnh Mỹ đang khó khăn trong cuộc chiến thương mại và thuế quan, Nga đang chủ động và rất hăng hái trong việc khoả lấp khoảng trống.

Nga gặp khó

Đầu năm 2014, sau khi đổ lỗi cho Nga trong vụ sáp nhập bán đảo Crime cũng như tình hình bất ổn tại miền đông Ukraine, các nước như Mỹ và khu vực Liên minh châu Âu (EU) đã áp lệnh trừng phạt lên Nga.

Hàng loạt biện pháp đã được đặt ra, từ ngoại giao (hạn chế đối thoại với Nga), đến trừng phạt các cá nhân và tổ chức Nga, và sau cùng là siết chặt các khu vực tài chính, quốc phòng và năng lượng của Moscow. Đòn đánh vào “yết hầu” kinh tế này cụ thể là hạn chế khả năng tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp, cấm bán vũ khí và cấm xuất khẩu công nghệ tân tiến cho Nga.

Tháng 8 cùng năm, Nga tiến hành đáp trả bằng việc cấm nhập khẩu một số mặt hàng thực phẩm cụ thể từ Mỹ và EU. Các mặt hàng này gồm có thịt bò, gia cầm, hải sản, trái cây/rau củ, đậu, sữa và các sản phẩm từ sữa. Nhìn chung, lệnh cấm nhập khẩu trải rất rộng, bao phủ từ mặt hàng chính yếu tới xa xỉ. Điều này khiến người Nga cũng khó khăn khi tìm nguồn hàng thay thế.

Ba diễn biến chính trong kinh tế Nga lập tức chịu tác động tiêu cực: thị trường hối đoái, đồng rúp sụt giá và áp lực lạm phát; hạn chế tiếp cận thị trường tài chính; và cả đầu tư lẫn tiêu thụ đều thê thảm. Nhóm tác động này thậm chí còn kinh khủng hơn khi giá dầu xuống liên tục, từ 100 USD/thùng quý 2 năm 2014 xuống còn dưới 60 USD/thùng cuối năm ấy, và thậm chí rớt tiếp vào nửa cuối 2015. Lợi nhuận xuất khẩu Nga bị cắt xuống 1/3.

Phản công

Các lệnh cấm nhập khẩu của Nga nêu trên tác động lên 9,5 tỉ USD giá trị thực phẩm mỗi năm, chiếm gần 1/10 tổng tiêu thụ thực phẩm ở nước này, và ¼ lượng thực phẩm nhập khẩu.

Trước khi lệnh trừng phạt đáp trả của Nga được ban hành, sản xuất trong nước chiếm chưa tới 40% trái cây, 80% sữa và sản phẩm từ sữa, và 90% rau quả. Nga cũng là nước nhập khẩu hoàn toàn ngũ cốc, khoai tây và tinh dầu. Nhưng việc cấm nhập khẩu này đã khiến tỉ trọng thực phẩm nhập khẩu trên tổng tiêu thụ giảm từ hơn 1/3 trong năm 2014 xuống còn chỉ hơn 20% ở thời điểm quý 2 của năm 2017.

Các lệnh cấm vận trả đũa của chính phủ được mô tả là “món quà” cho ngành thực phẩm nông nghiệp của Nga. Nó như chất xúc tác và hợp thức hóa cho chiến lược thay thế, mà vốn dĩ từ cuối những năm 2000 người Nga đã tiến hành: trở thành một quốc gia đủ sức tự cung tự cấp trong thực phẩm.

Nói cách khác, các lệnh cấm vận nhằm vào Nga đã mở đường cho Tổng thống Putin vượt qua khó khăn đã chứng kiến từ khi ngành công nghiệp thực phẩm này sụp đổ vào những năm 1990.

National Interest phân tích rằng, việc hàng loạt sản phẩm bị Nga cấm nhập khẩu được đưa vào danh sách và công bố cực nhanh chỉ trong vài ngày kể từ lúc nhận lệnh cấm vận của phương Tây, là minh chứng khiến giới quan sát tin rằng nó đã được dự trù từ trước. Nói chính xác thì việc thúc đẩy sản xuất trong nước là một ưu tiên của Nga, và cấm vận chỉ càng khiến nó diễn ra nhanh hơn và quyết liệt hơn.

Nói ngắn gọn như Bộ trưởng Nông nghiệp Alexander Tkachev năm 2015 thì: “Chúng tôi cảm ơn các đối tác Mỹ và châu Âu, những người giúp chúng tôi nhìn lại nền nông nghiệp của mình ở góc độ mới mẻ, và giúp chúng tôi tìm ra tiềm năng của mình”.

Tháng 7/2018, Tổng thống Putin tuyên bố các màn phản đòn trừng phạt vẫn sẽ được duy trì ít nhất đến tháng 12/2019. Đây không phải là điều bất ngờ, vì hiện nay không chỉ nông dân Nga trở nên mạnh mẽ hơn, mà trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế nhập khẩu lên nhiều nước, Nga thậm chí có thể tận dụng điều đó để trở thành một nhà xuất khẩu nông nghiệp.

National Interest chốt một câu: “Trong trường hợp cụ thể này, Nga vẫn đi trước một vài bước trong trò chơi trừng phạt”.

 

Chuyên gia: Đua vũ trang với phương Tây, Nga tụt hậu, phải chạy theo phương thức giá rẻ

Chuyên gia Jonas Kjellen đã gọi Nga là một "siêu cường quốc đứng ngoài cuộc" trong cuộc chạy đua vũ trang.

 

Ngoại trưởng Nga đến TP Hồ Chí Minh

Theo thông cáo báo chí Bộ Ngoại giao, từ ngày 24-25/02/2019, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã thăm làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh và tham dự Hội thảo “Hợp tác quốc tế trong thế giới biến động” do Học viện Ngoại giao Việt Nam và Câu lạc bộ Valdai, Nga tổ chức.