Ngân hàng BIDV là ngân hàng gì? Viết tắt của ngân hàng BIDV?

Thứ tư, 04/03/2020, 15:03 PM

Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (tên giao dịch quốc tế: Bank for Investment and Development of Vietnam; tên gọi tắt: BIDV. Đây là ngân hàng có tổng khối tài sản được ước tính lớn thứ 2 trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.

Ngân hàng BIDV là gì? viết tắt của ngân hàng BIDV?

Ngân hàng BIDV là gì? viết tắt của ngân hàng BIDV?

Được thành lập ngày 26/4/1957, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) là định chế lâu đời và trưởng thành nhất trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam.

Những điểm mốc lịch sử tự hào

Qua 63 năm phát triển, BIDV đã mang 4 tên gọi và thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu của từng giai đoạn phát triển của đất nước: Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam (từ ngày 26/4/1957); Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam (từ ngày 24/6/1981); Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (từ ngày 14/11/1990) và Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (từ ngày 1/5/2012).

Ngày 26/4/1957, Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã ký Nghị định 177/TTg thành lập Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính, thực hiện nhiệm vụ cung ứng và quản lý vốn ngân sách nhà nước cho công cuộc xây dựng, tái thiết ở miền Bắc và góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngay sau khi thành lập, dù chỉ có 11 chi nhánh với 200 cán bộ, hệ thống Ngân hàng Kiến thiết đã tích cực tham gia vào công cuộc khôi phục kinh tế, tái thiết và xây dựng CNXH ở miền Bắc. Ngân hàng Kiến thiết không chỉ trực tiếp quản lý vốn đầu tư mà còn có đóng góp tích cực trong việc cải tiến, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn đầu tư của nhà nước một cách khoa học, góp phần tiết kiệm, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Thời kỳ 1965 - 1975, Ngân hàng Kiến thiết được giao trọng trách cấp phát vốn và trực tiếp phục vụ các công trình quốc phòng đặc biệt: tổ chức các chi nhánh đặc biệt mang bí số 71,72, 12A, 12B để bám sát và phục vụ kịp thời nhu cầu vốn cho các công trình cầu đường, ngầm phà, các trạm thu phát vô tuyến, các đường dây thông tin liên lạc dọc Trường Sơn, các công trình chuyền dẫn xăng dầu trên dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại, tham gia các đoàn tàu không số... cùng hậu phương lớn miền Bắc, chi viện sức người, sức của, bảo đảm huyết mạch giao thông, liên lạc cho chiến trường lớn miền Nam, góp phần tích cực vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất nước nhà...

Sau chiến thắng 30/4/1975 lịch sử, với vai trò và nhiệm vụ đặc biệt, hệ thống Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam đã sớm tiếp quản và hình thành mạng lưới ở các tỉnh, thành phố tại các tỉnh phía Nam để làm nhiệm vụ quản lý và cung ứng vốn để tái thiết và xây dựng CNXH trên cả hai miền đất nước.

Trong muôn vàn khó khăn sau chiến tranh, Ngân hàng Kiến thiết đã tập trung mọi nguồn lực với trách nhiệm cao nhất nhằm quản lý hiệu quả vốn ngân sách nhà nước phục vụ xây dựng các công trình quốc kế dân sinh của đất nước.

Ngày 24/6/1981, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 259-CP về việc chuyển Ngân hàng Kiến thiết Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính thành lập Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng Việt Nam thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Những đóng góp của Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng thời kỳ này này lớn hơn trước gấp bội cả về tổng nguồn vốn cấp phát, tổng nguồn vốn cho vay và tổng số tài sản cố định đã hình thành trong nền kinh tế.

Thời kỳ này, Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng đã góp phần tích cực để hình thành và đưa vào hoạt động hàng loạt những công trình to lớn có “ý nghĩa thế kỷ” của đất nước, cả trong lĩnh vực sản xuất lẫn trong lĩnh vực sự nghiệp và phúc lợi như: Thủy điện Sông Đà, Cầu Thăng Long, Cầu Chương Dương, Cảng Chùa Vẽ, Nhà máy Xi măng Hoàng Thạch, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn, Nhà máy đóng tàu Hạ Long...

Ngày 14/11/1990, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 401/CT về việc thành lập Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên cơ sở chuyển đổi từ Ngân hàng Đầu tư và Xây dựng.

Cuối năm 1994, thực hiện các quyết định của Chính phủ, BIDV đã chuyển phần lớn nguồn lực để thành lập Tổng cục Đầu tư Phát triển (tiền thân của Ngân hàng Phát triển Việt Nam ngày nay).

Từ đầu năm 1995, thực hiện Quyết định số 293/QĐ-NH9 của Thống đốc NHNN Việt Nam, BIDV đã chuyển sang hoạt động ngân hàng thương mại (NHTM) đa năng, đa lĩnh vực với tính tập trung thống nhất và tính hệ thống cao của Tổng công ty nhà nước hạng đặc biệt hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực đặc thù tài chính - tiền tệ.

Cũng trong thời gian này, mặc dù tiềm lực tài chính còn khiêm tốn nhưng BIDV đã thực hiện và hoàn thành tốt các nhiệm vụ như hỗ trợ thanh khoản một số ngân hàng nhỏ, đặc biệt thực hiện nhiệm vụ kiểm soát có hiệu quả sự cố Ngân hàng TMCP Nam Đô, trên tinh thần phát huy nội lực, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của khách hàng, đặc biệt là của người gửi tiền, không để xảy ra đổ vỡ tác động dây chuyền ảnh hướng xấu đến hệ thống ngân hàng Việt Nam, giữ vững, ổn định kinh tế- xã hội thành phố Hồ Chí Minh, làm lắng dịu những phản ứng tiêu cực từ nhiều phía trong điều kiện nền kinh tế đang trải qua giai đoạn khủng hoảng tài chính Châu Á.

Bước sang giai đoạn 2001-2005, BIDV đã triển khai cơ cấu lại hoạt động theo hướng an toàn, bền vững, đáp ứng các chuẩn mực quốc tế đồng thời tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ, đột phá và tăng tốc; nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Sau 5 năm nỗ lực thực hiện, BIDV đã đạt được những kết quả quan trọng: Đổi mới sâu sắc trong nhận thức về mục tiêu kinh doanh, nhận diện chính xác nội lực và vị trí của mình so với các ngân hàng trong nước và khu vực, từ đó tạo sự đột phá căn bản trong quản trị điều hành, lấy an toàn - hiệu quả - phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt trong hoạt động.

Trong giai đoạn này, BIDV được lựa chọn là ngân hàng bán buôn tiếp nhận và giải ngân nguồn vốn các Dự án Tài chính nông thôn do Ngân hàng Thế giới tài trợ. Chuỗi dự án Tài chính nông thôn đã tạo ra tổng mức đầu tư ở khu vực nông thôn lên đến 2,1 tỷ USD, tài trợ cho khoảng 1,7 triệu khoản vay, tạo ra trên gần 500.000 việc làm mới, giúp cải thiện điều kiện sống của người dân và góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Đặc biệt, BIDV đã thu và trả nợ nước ngoài đầy đủ, không tạo gánh nặng nợ công cho ngân sách. Dự án Tài chính nông thôn do BIDV thực hiện nhiệm vụ bán buôn được Lãnh đạo Chính phủ và Ngân hàng Thế giới đánh giá là Dự án ODA được thực hiện hiệu quả nhất trong số các dự án ODA tài trợ cho Việt Nam.

Giai đoạn 2005 - 2010, BIDV tiếp tục trụ vững, phát triển, biến thách thức thành thời cơ và tiếp tục đạt được những thành quả quan trọng, không ngừng trưởng thành lớn mạnh, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao, kinh doanh an toàn và hiệu quả, vươn lên thành một ngân hàng có uy tín, có đủ năng lực cạnh tranh để hội nhập.

Trong năm 2011, 2012, BIDV tham gia hỗ trợ thanh khoản các ngân hàng nhỏ, yếu kém và hỗ trợ có hiệu quả trong việc hợp nhất ba ngân hàng Đệ Nhất, Tín Nghĩa Bank, SCB Bank, đây là bước đi tiên phong trong việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu hệ thống NHTM Việt Nam.

BIDV đã chuyển đổi toàn diện, đồng bộ sang mô hình NHTM hiện đại, đa năng với 2 trụ cột chính: Ngân hàng và bảo hiểm. Hoạt động ngân hàng phát triển theo hướng mở rộng hoạt động bán lẻ; hoạt động bảo hiểm toàn diện với nhân thọ và phi nhân thọ. BIDV cũng xác lập mô hình kinh doanh hướng tới khách hàng và quản trị rủi ro theo tiêu chí của ngân hàng hiện đại.

Dấu ấn tiên phong

Nhìn lại những chặng đường đã qua, BIDV có thể tự hào về sự phát triển, về những đóng góp của mình đối với nền kinh tế quốc dân. Trong suốt những năm qua, BIDV luôn tiên phong đi đầu trong mọi lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện hiệu quả chính sách tiền tệ, tạo động lực phát triển kinh tế, ổn định vĩ mô.

Từ một Ngân hàng cấp phát của Bộ Tài chính, sau 63 năm phát triển, BIDV đã trở thành NHTM cổ phần có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Đến ngày 30/6/2019, Tổng tài sản BIDV tăng 6,6% đạt hơn 1,4 triệu tỷ đồng (tương đương gần 70 tỷ USD), đứng đầu các NHTM tại Việt Nam, top 30 ASEAN và top 500 toàn cầu, được Tạp chí Forbes (Hoa Kỳ) bình chọn vào top 2.000 Công ty đại chúng lớn và quyền lực nhất thế giới... Trong nhiều năm liên tục, BIDV nằm trong top 10 doanh nghiệp Việt Nam nộp thuế lớn cho ngân sách nhà nước...

BIDV có quy mô hoạt động lớn

BIDV có quy mô hoạt động lớn với hơn 18.000 cán bộ nhân viên, 127 chi nhánh, 600 điểm giao dịch, 1.300 chốt ATM/POS.

Phân bổ ở khắp 63 tỉnh thành trên Việt Nam, tỉnh nào cũng có. Sở hữu một số công ty con: BSC, BIC,.... Đối tác tài chính của 5 ngân hàng lớn trên thế giới: Lào, Malaysia, Nga, Mỹ, Singapore. Thông qua những con số ở trên, chúng ta một lần nữa có thể khẳng định BIDV là ngân hàng lớn, có quy mô hoạt động rộng rãi. Đây không chỉ là kết quả của những người đứng đầu mà còn là sự nỗ lực và đoàn kết của cả một tập thể vững mạnh.

Cơ cấu bộ máy của ngân hàng BIDV

Bộ máy quản lý BIDV

Bộ máy quản lý BIDV

Hội đồng quản trị: Ông Phan Đức Tú - Chủ tịch HĐQT; Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Ủy viên HĐQT; Ông Trần Thanh Vân - Ủy viên HĐQT; Bà Phan Thị Chinh - Ủy viên HĐQT, Ông Ngô Văn Dũng - Ủy viên HĐQT; Ông Phạm Quang Tùng - Ủy viên HĐQT; Ông Lê Việt Cường - Ủy viên HĐQT.

Ban kiểm soát: Bà Võ Bích Hà - Trưởng Ban Kiểm soát; Ông Cao Cự Trí - Thành viên, Ban Kiểm soát; Bà Nguyễn Thị Tâm - Thành viên, Ban Kiểm soát.

Ban điều hành: Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành; Ông Quách Hùng Hiệp - Phó Tổng Giám đốc; Ông Trần Xuân Hoàng - Phó Tổng Giám đốc; Ông Trần Phương - Phó Tổng Giám đốc; Ông Lê Kim Hòa - Phó Tổng Giám đốc; Ông Lê Trung Thành - Phó Tổng Giám đốc; Ông Nguyễn Thiên Hoàng - Phó Tổng Giám đốc; Bà Tạ Thị Hạnh - Kế toán trưởng.

Sơ đồ cơ cấu tổ chức BIDV

Sơ đồ cơ cấu tổ chức BIDV

Bài liên quan