Ngày về của người cha sống nhờ ghép phổi, 'các con tôi đang rất mong được gặp mặt cha'

Thứ sáu, 04/10/2019, 16:08 PM

Bệnh nhân là anh Ngô Văn Khương (38, tuổi), mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. Nếu không ghép phổi, bệnh nhân sẽ phải thường xuyên dùng máy thở và có tiên lượng sống dưới 1 năm.

ngay-ve-cua-nguoi-cha-song-lan-2-nho-ghep-phoi-cac-con-toi-dang-rat-mong-duoc-gap-mat-cha
Bệnh nhân Ngô Văn Khương cùng gia đình trước ngày được xuất viện.

Ca phẫu thuật của anh Khương diễn ra diễn ra trong gần 15 giờ, từ 16h ngày 12/8 đến 6h30 phút ngày 13/8 vừa qua. Ngay sau mổ 6 giờ, bệnh nhân đã tỉnh, phổi ghép hoạt động tốt. Đây là ca ghép phổi thứ 2 của các y bác sĩ BV Hữu nghị Việt Đức.

Đến nay, sau hơn một tháng rưỡi kể từ ca ghép phổi, bệnh nhân Ngô Văn Khương đã hoàn toàn ổn định và có thể xuất viện.Tuy vậy, các bác sĩ lưu ý, bệnh nhân phải thường xuyên tái khám trong nhiều tháng để tiếp tục phục hồi chức năng cho phổi ghép.

Trước sự hồi phục kỳ diệu sau khi được ghep tạng, bà Nguyễn Thị Điển (mẹ của BV Ngô Văn Khương, trú tại Chương Mỹ- TP Hà Nội) xúc động chia sẻ: "Tôi tưởng như sinh con lần 2, tôi rất hạnh phúc vì con tôi đã nhận được sự trợ giúp kịp thời của các bác sĩ bệnh viện. Tôi cũng cảm ơn anh linh người đã ban tặng sự sống cho con tôi".

Bà Điển chia sẻ thêm, ngay từ nhỏ anh Khương đã không khỏe, thường xuyên có bệnh về phổi, sau khi lập gia đình và có 2 con, vào đầu năm đi thăm khám thì được các bác sĩ chẩn đoán giãn toàn bộ phế quản buộc phải ghép tạng khiến gia đình đầy lo lắng.

Tuy nhiên khi có thông tin có người chết não hiến phổi, cả gia đình anh thấy mừng như được đón người thoát khỏi "cõi chết" trở về. Họ đã huy động toàn bộ nguồn lực gia đình tới 1,5 tỉ đồng để thực hiện ca ghép phổi.

Chị Nguyễn Thị Hạnh (vợ của bệnh nhân Khương) không cầm được cảm xúc chia sẻ về thời gian chăm chồng trong giai đoạn lâm bệnh nặng: "Tôi mong chờ điều này quá lâu rồi, nếu không được ghép tạng sự sống chỉ được tính từng ngày. Thực sự tôi rất lo lắng khi phải ghép tạng vì không biết ai cho tạng, rất may mắn đã có người cho.

Đến hôm nay là ngày ra viện tôi rất mừng và cảm ơn bác sĩ trung tâm tim mạch lồng ngực. Con tôi 1 đứa học lớp 9 từ khi bố phải nhập viện ngày nào cũng gọi điện hỏi thăm bố, giờ đây bố khỏi rất mong bố về nhà.

ngay-ve-cua-nguoi-cha-song-nho-ghep-phoi-cac-con-toi-dang-rat-mong-duoc-gap-mat-cha
Bệnh nhân Khương gửi lời cảm ơn đến những bác sĩ đã giúp anh tìm lại sự sống.

Theo những chuyên gia ghép tạng đầu ngành tại Việt Nam đánh giá, điểm đặc biệt của ca ghép phổi này là lần đầu tiên, BV Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện lấy và ghép cùng lúc 6 tạng từ người cho đa tặng chết não cho 5 bệnh nhân, gồm: 2 phổi, 1 tim, 1 gan, 2 thận, tức có 6 bàn mổ, ghép tạng cùng lúc. Đến hôm nay, tất cả 5 bệnh nhân ghép tạng đều có diễn biến thuận lợi.

PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực cho biết, diễn biến sau mổ của các bệnh nhân ghép tạng rất phức tạp, riêng ghép phổi chăm sóc khó khăn nhất vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như: kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu nâng cao thể trạng...

“Phẫu thuật ghép phổi vô cùng khó, đặc biệt hai khâu là kỹ thuật ghép phổi và chăm sóc sau khi ghép phổi. Đòi hỏi bệnh viện phải có đội ngũ nhân lực hết sức lành nghề và sự kiên trì, nhẫn nại cao độ trong quá trình chăm sóc bệnh nhân để có thành quả của ngày hôm nay. Chúng tôi cũng gặt hái được rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn qua từng ca ghép như vậy”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nói.