‘Nghề làm nước mắm Nam Ô’ đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Thứ hai, 06/07/2020, 18:55 PM

“Nghề làm nước mắm Nam Ô” ở TP Đà Nẵng vừa được đón nhận Bằng Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Học sinh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ Làng nghề nước mắm Nam Ô. Ảnh: TT.

Học sinh tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm từ Làng nghề nước mắm Nam Ô. Ảnh: TT.

UBND quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) vừa tổ chức Lễ vinh danh đón nhận Bằng Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm nước mắm Nam Ô” và công bố Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô.

Theo ông Nguyễn Đăng Huy, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, vào tháng 8/2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định công nhận Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia đối với nghề làm nước mắm Nam Ô phường Hòa Hiệp Nam và phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu).

Ông Huy chia sẻ: “Nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm tự hào lớn, là phần thưởng xứng đáng, ghi nhận nỗ lực của chính quyền TP Đà Nẵng, của quận Liên Chiểu và đặc biệt là bà con làng chài Nam Ô trong việc giữ gìn làng nghề có từ hàng trăm năm nay. Đồng thời, đây cũng là động lực mới để tiếp tục phát huy giá trị làng nghề và đưa thương hiệu nước mắm Nam Ô đi xa hơn nữa”.

Chia sẻ niềm vui với bà con làng nghề, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: “Đây là niềm tự hào, vinh dự của TP Đà Nẵng, đồng thời cũng là trách nhiệm trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Nghề làm nước mắm Nam Ô, xem đây là một nhiệm vụ góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.

Ông Miên đề nghị chính quyền địa phương và bà con làng nghề trên địa bàn thành phố nói chung và quận Liên Chiểu nói riêng tiếp tục phát huy giá trị di sản, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nghề làm nước mắm Nam Ô gắn với phát triển du lịch của thành phố Đà Nẵng” để làng nghề nước Nam Ô truyền thống trở thành một sản phẩm độc đáo nhằm giới thiệu, quảng bá nét văn hóa biển đặc sắc của thành phố và mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cộng đồng, đặc biệt là kinh tế du lịch.

Cũng tại buổi lễ, UBND quận Liên Chiểu đã công bố Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô với tổng kinh phí hơn 46 tỷ đồng.

Đề án này nhằm khai thác du lịch kết hợp bảo tồn các di sản văn hóa; tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia làm du lịch.

Nghề làm nước mắm Nam Ô đón nhận Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: TT.

Nghề làm nước mắm Nam Ô đón nhận Chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: TT.

Bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, Phó Tổng Giám đốc Cty CP Trung Thủy Đà Nẵng, Đại diện chủ đầu tư dự án phát triển khu du lịch sinh thái Nam Ô nhận định, Đề án phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô là một trong những đề án trọng điểm của công ty trong việc phát triển Khu du lịch sinh thái Nam Ô.

Với ngân sách đầu tư khoảng 35 tỷ đồng, công ty cam kết thực hiện việc giữ gìn cải tạo môi trường thiên nhiên, phát triển làng nghề, bảo tồn văn hóa truyền thống và luôn đặt lợi ích của người dân lên trên hết để tạo ra môi trường du lịch bền vững; sớm đưa Nam Ô trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Đà Nẵng.

Hiện nay, làng nghề có 92 hộ làm nước mắm, trong đó có 54 hộ tham gia vào Hội Làng nghề truyền thống, 10 cơ sở quy mô lớn, 17 cơ sở đăng ký thương hiệu riêng, 3 hợp tác xã và 1 doanh nghiệp.

Nước mắm Nam Ô đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp logo, nhãn hiệu tập thể. Nghề làm mắm đã tạo việc làm bền vững cho khoảng vài trăm lao động địa phương với mức thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng.

Nước mắm Nam Ô đã có mặt trong các buổi triển lãm hàng Việt Nam chất lượng cao, xuất hiện ngày càng nhiều trên kệ của các siêu thị, các chợ lớn và cạnh tranh với các thương hiệu nước mắm khác như mắm Nha Trang, mắm Ông Kỳ Phú Quốc, Nam Ngư… cho thấy nước mắm Nam Ô dần nắm giữ thị trường và khẳng định được thương hiệu.

Bài liên quan