Người bệnh có bảo hiểm y tế được trả lại tiền thuốc mua bên ngoài

Thứ tư, 02/10/2019, 08:33 AM

Bộ Chính trị xác định 6 biểu hiện của chạy chức, chạy quyền, người bệnh có bảo hiểm y tế được trả lại tiền thuốc mua bên ngoài...là một trong nhiều chính sách mới có hiệu lực trong tháng 10.

nguoi-benh-co-bao-hiem-y-te-duoc-tra-lai-tien-thuoc-mua-ben-ngoai
Người bệnh có bảo hiểm y tế được trả lại tiền thuốc mua bên ngoài.

Người bệnh có bảo hiểm y tế được trả lại tiền thuốc mua bên ngoài

Để ngăn chặn việc trục lợi quỹ BHYT, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu các cá nhân, cơ quan, tổ chức liên quan phải thực hiện theo Công văn số 3328/BHXH-GĐB.

Theo đó, ngày 09/9/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 10 yêu cầu các tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan phải nghiêm túc và quán triệt thực hiện các nội dung sau để đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT):

- Trả lại cho người bệnh BHYT các khoản thu không đúng quy định thuộc phạm vi quyền lợi được hưởng BHYT, chi phí thuốc, vật tư y tế không cung ứng đủ để người bệnh phải tự mua;

- Đề nghị công khai, minh bạch danh mục và giá dịch vụ y tế gồm cả phần thu thêm của người bệnh;

- Tăng cường giám định chi phí khám chữa bệnh BHYT, kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp gian lận; Kiểm tra và báo cáo các trường hợp đề nghị thanh toán dịch vụ kỹ thuật bất thường;

- Chủ động thông báo, phối hợp với Sở Y tế thanh tra, kiểm tra khám chữa bệnh và thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT. Đặc biệt là sau khi phát hiện có dấu hiệu lập hồ sơ bệnh án, kê đơn thuốc khống, cấp thuốc không đủ cho người bệnh…

Công văn này được ban hành ngày 11/9/2019.

Bộ Chính trị xác định 6 biểu hiện của chạy chức, chạy quyền

Ngày 23/9/2019 vừa qua, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Để xác định trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan đến việc chạy chức, chạy quyền, tại Quy định này, Bộ Chính trị chỉ rõ đây là hành vi:

- Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

- Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật hay các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

nguoi-benh-co-bao-hiem-y-te-duoc-tra-lai-tien-thuoc-mua-ben-ngoai
Bộ Chính trị xác định 6 biểu hiện của chạy chức, chạy quyền

- Lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác, uy tín của người khác để tác động, tranh thủ, gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, bổ nhiệm mình hoặc người khác vào vị trí, chức vụ theo ý đồ cá nhân hoặc một nhóm người.

- Lợi dụng việc nắm được thông tin nội bộ hoặc thông tin bất lợi của tổ chức, cá nhân để đặt điều kiện, gây sức ép đối với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu, đề cử, bổ nhiệm mình.

- Dùng lý lịch, xuất thân gia đình, thành tích công tác của bản thân để mặc cả, cài đặt điều kiện, đòi hỏi vô lý đối với tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

- Sử dụng các hành vi tiêu cực khác nhằm có được vị trí, chức vụ, quyền lợi.

Bất cứ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi nêu trên hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền đều bị xử lý kỷ luật, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Quy định có hiệu lực từ ngày 23/9/2019.

Điều kiện để trở thành tổ trưởng tổ dân phố tại Hà Nội 

Điều kiện để được bầu làm Tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn thành phố vừa được Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội ban hành tại Quyết định 16/2019 ngày 19/9/2019.

Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; do cử tri hoặc cử tri đại diện các hộ gia đình trực tiếp bầu ra theo nhiệm kỳ và được Ủy ban nhân dân cấp xã công nhận.

Theo đó, tiêu chuẩn, điều kiện để được bầu làm Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn các thôn, tổ dân phố ở TP. Hà Nội gồm:

- Là người có hộ khẩu thường trú hoặc cư trú thường xuyên ở thôn, tổ dân phố;

- Từ đủ 21 tuổi trở lên, có sức khỏe; nhiệt tình, trung thực và có tinh thần trách nhiệm trong công tác;

- Tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên. Với các xã miền núi thì tiêu chuẩn về trình độ văn hóa có thể thấp hơn…

- Có phẩm chất chính trị và phẩm chất đạo đức tốt;

- Bản thân và gia đình gương mẫu về đạo đức, lối sống, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, được nhân dân tín nhiệm;

- Có năng lực tổ chức và vận động nhân dân thực hiện tốt các công việc tự quản của cộng đồng và công việc cấp trên giao;

Trong đó, nhiệm kỳ của Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố là 2,5 năm tính từ khi có quyết định công nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã…

Quyết định này có hiệu lực từ ngày 30/9/2019.

Giấy tờ tùy thân khi bay nội địa

Để đơn giản cho hành khách trong quá trình làm thủ tục khi bay các chuyến bay nội địa, ngày 13/9/2019, Cục hàng không Việt Nam ban hành Công văn số 3982/CHK-ANHK quy định cụ thể các loại giấy tờ tùy thân cần đem theo.

Theo đó, ngoài việc thực hiện theo phụ lục XIV Thông tư số 13/2019 của Bộ Giao thông Vận tải thì các giấy tờ tùy thân còn có thể là:

Đối với hành khách mang quốc tịch nước ngoài:

- Trẻ em không có hộ chiếu riêng: Chấp nhận hộ chiếu của cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi hoặc người giám hộ có chứa các thông tin: họ tên, ngày, tháng, năm sinh và ảnh của trẻ.

nguoi-benh-co-bao-hiem-y-te-duoc-tra-lai-tien-thuoc-mua-ben-ngoai

- Thẻ thường trú do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

- Thẻ tạm trú do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao cấp cho người nước ngoài được phép cư trú có thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực.

- Giấy phép lái xe của Việt Nam.

- Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.

Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam chưa đủ 14 tuổi:

- Trẻ em không có hộ chiếu riêng: Thực hiện như trẻ em mang quốc tịch nước ngoài.

- Bản chính hoặc bản sao có chứng thực, bản sao từ sổ gốc của giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh.

Đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên:

- Giấy chứng minh Công an nhân dân; Giấy chứng nhận cấp cho hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn; công nhân, nhân viên; nhân viên tạm tuyển đang phục vụ trong Công an nhân dân.

- Giấy chứng minh sĩ quan Quân đội nhân dân; Chứng minh quân nhân chuyên nghiệp; Thẻ Hạ sĩ quan, binh sĩ; Thẻ Hạ sĩ quan dự bị…

- Thẻ Nhà báo.

- Giấy phép lái xe ô tô, mô tô.

- Thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.

- Giấy xác nhận nhân thân do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận.