Người dân lo ngại ga ngầm cạnh hồ Hoàn Kiếm làm ảnh hưởng đến di tích lịch sử

Thứ sáu, 09/03/2018, 11:16 AM

Tại buổi lấy ý kiến về việc xây dựng ga đường sắt đô thị ngầm tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, nhiều người dân tỏ ra lo ngại về an toàn của những công trình kiến trúc cổ.

nguoi-dan-lo-ngai-ga-ngam-canh-ho-hoan-kiem-lam-anh-huong-den-di-tich-lich-su
Người dân Hà Nội được mời lấy ý kiến về dự án xây dựng ga C9 tại hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh Chí Hiếu)

Sáng nay (9/3), Hà Nội đã đưa ra bản trưng bày công khai mô hình mặt bằng ga ngầm C9 - Ga hồ Hoàn Kiếm, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo, điểm trưng bày sẽ được mở tại địa điểm tại Trung tâm thông tin văn hóa Hồ Gươm (số 2 Lê Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm) trong 2 tuần để lấy ý kiến đóng góp của nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, sớm chốt phương án quy hoạch để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trong thời gian trưng bày, Ban Quản lý Đường sắt Hà Nội đã có bàn ghi nhận ý kiến tại chỗ đồng thời tiếp thu các đóng góp của cán bộ, nhân dân Thủ đô cũng như các chuyên gia, nhà khoa học thông qua nhiều hình thức khác như email, khảo sát trực tuyến hoặc có thể trực tiếp đánh giá bằng cách tương tác trên các trang báo điện tử...

Được biết, ga ngầm C9, tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo được đề xuất đặt tại vị trí Km9+864,645, trong khu vực khuôn viên công viên bờ hồ Hoàn Kiếm.

nguoi-dan-lo-ngai-ga-ngam-canh-ho-hoan-kiem-lam-anh-huong-den-di-tich-lich-su
Phối cảnh mặt bằng cửa lên của ga ngầm C9 -Ga Hồ Hoàn Kiếm. (Ảnh Chí Hiếu)

Nhà ga chính được bố trí ngầm dưới phố Đinh Tiên Hoàng, phần dưới vườn hoa bờ hồ Hoàn Kiếm có kích thước dài 150m, rộng 21,4m, sâu 17,45m và có 3 tầng (tầng trung chuyển, tầng thiết bị và tầng ke ga). Khoảng cách ngắn nhất từ thân ga C9 tới Hồ Gươm là khoảng 10m, tới tượng đài Cảm tử 81m, đến đền Bà Kiệu 83m, đến Tháp Bút 36m, tới vườn hoa tượng đài Lý Thái Tổ 120m. Theo thiết kế ban đầu, ga ngầm C9 sẽ có 4 cửa lên xuống.

nguoi-dan-lo-ngai-ga-ngam-canh-ho-hoan-kiem-lam-anh-huong-den-di-tich-lich-su
Thiết bị hiện đại sẽ được ứng dụng vào trong công trình. (Ảnh Chí Hiếu)

Cụ thể, ga C8 của tuyến số 2, tại phố Hàng Đậu sẽ tiếp nhận và trung chuyển hành khách với tuyến số 1 Ngọc Hồi-Như Quỳnh. Ga C10 tại khu vực phố Hàng Bài sẽ kết nối với tuyến số 3 Nhổn-Hoàng Mai.

Ga C9 ở giữa có tính chất kết nối cả 3 tuyến đường sắt đô thị trên. Do đó, ga C9 buộc phải khống chế vị trí trên đường Đinh Tiên Hoàng để đảm bảo khoảng cách giữa ga C9 đến 2 ga còn lại không quá 1km, thuận tiện cho người dân di chuyển, tiếp cận cả 3 tuyến đường sắt này.

nguoi-dan-lo-ngai-ga-ngam-canh-ho-hoan-kiem-lam-anh-huong-den-di-tich-lich-su
Người dân được phát phiếu nhận xét góp ý về dự án. (Ảnh Chí Hiếu)

Trong buổi sáng hôm nay, tại khu vực trưng bày dự án là lấy ý kiến đã có khá nhiều người dân Hà Nội quan tâm và đưa ra ý kiến đánh giá về dự án.

Là một người dân sống không xa dự án, ông Tạ Khắc Hải (tổ trưởng tổ 21, phường Lý Thái Tổ, TP Hà Nội) chia sẻ: "Tôi đã được dự họp về vấn đề xây dựng ga Hồ Hoàn Kiếm từ những ngày đầu tiên, tôi thấy rằng do nhu cầu giao thông ngày càng lớn việc có hệ thống đường sắt đô thị ngầm là một điều rất quan trọng và là điều tất yếu, thế nhưng cũng phải nói rằng khu vực hồ Hoàn Kiếm là nơi linh thiêng và có vị thế quan trọng nên khi thực hiện dự án phía dưới cũng khiến tôi cảm thấy lo ngại. Nhưng với kỹ thuật thi công hiện đại và thì công với độ sâu gần 20 mét tôi cũng mong sẽ đảm bảo kết cấu của những di tích cổ quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm".

nguoi-dan-lo-ngai-ga-ngam-canh-ho-hoan-kiem-lam-anh-huong-den-di-tich-lich-su
Công trình ga ngầm hồ Hoàn Kiếm có độ sâu 15 mét. (Ảnh Chí Hiếu)

Còn đối với ông Hoàn Thế Vinh (quận Đống Đa, TP Hà Nội) lại tỏ ra không đồng tình với ý kiến xây dựng ga ngầm tại khu vực hồ Hoàn Kiếm, ông cho biết: "Việc du khách đến thăm quan hồ Hoàn Kiếm cũng bởi nơi đây luôn tạo cảm giác yên tĩnh, thư thái. Thế nhưng nếu lắp đặt nhà ga ở đây sẽ khiến cho quá đông người đổ về khu vực này sẽ không còn giữ được sự yên tĩnh của những nơi tôn nghiêm, ảnh hưởng đến di tích lịch sử".

Là một trong những nhà nghiên cứu sử học, người sống ở Hà Nội từ nhỏ, GS sử học Lê Văn Lan cũng đã có nhiều đóng góp trực tiếp đối với ban quản lý dự án. GS Lê Văn Lan nhận định: "Trong quá trình xây dựng kế hoạch, tôi cũng không nằm ngoài dự án. Bản thân cũng đã nhiều lần góp ý, kiến nghị, thậm chí còn có những lần phê phán và tất cả đều được BQL tiếp nhận.

Với dự án ban đầu, hầm ngầm nằm ở trên con đường độc đạo, con đường này trước kia đi qua nhiều công tình kiến trúc mang ý nghĩa về tín ngưỡng. Nếu công trình lớn và có độ sâu đáng kể nằm trên con đường độc đạo đó sẽ khiến giao thông cách trở, nên tôi đã có ý kiến nhích công trình về phía đền Ngọc Sơn, nó giải toả được vị trí độc đạo của công tình xây dựng. Thời điểm hiện tại tôi đã cảm thấy yên tâm và đồng thuận với dự án này".

Đại diện ban quản lý, ông Lê Trung Hiếu (Phó trưởng BQL đường sắt đô thị Hà Nội) cho rằng: "Do phải thi công ở vị trí có nhiều công trình cổ, có sự quan tâm của người dân thành phố cũng như cả nước, vì vậy trong quá trình chọn vị trí các nhà ga chúng tôi đã đưa ra rất nhiều phương án, có thời điểm đã đưa ra đến 9 phương án và phương án được trưng bày lấy ý kiến hôm nay là phương án tối ưu nhất".

nguoi-dan-lo-ngai-ga-ngam-canh-ho-hoan-kiem-lam-anh-huong-den-di-tich-lich-su
Hệ thống quan trắc độ lún sẽ cập nhật thông tin liên tục về trung tâm thông tin. (Ảnh Chí Hiếu)

Trong quá trình thi công ban quản lý dự án sẽ cho lắp đặt các thiết bị đo tại những toà nhà cao tầng, khu vực tháp Bút để có thể đo độ lún của các công trình đảm bảo độ lún trong ngưỡng cho phép, sử dụng công nghệ đào hầm bằng máy TBM gây ra độ lún rất thấp (từ 4mm đến 9mm) đây là một giải pháp thi công được cho là hiện đại nhất trong thời điểm hiện nay, việc đào hầm sau khi xong sẽ không có ảnh hưởng gì tác động đến môi trường. 

Tuyến đường sắt đô thị số 2 có điểm đầu tại Khu đô thị Nam Thăng Long (CIPUTRA), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài-Hoàng Quốc Việt-Hoàng Hoa Thám-Thụy Khuê-Phan Đình Phùng-Hàng Giấy-Hàng Đường-Hàng Ngang-Hàng Đào-Đinh Tiên Hoàng-Hàng Bài và kết thúc trên đường Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Theo phương án đã phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5km (đoạn trên cao khoảng 2,6km, đoạn ngầm gần 9km). Khu Depot rộng 17,5ha tại phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm. Toàn tuyến có 10 nhà ga, gồm 3 ga trên cao và 7 ga ngầm.Tổng đầu tư của dự án điều chỉnh là 34.678 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách Nhà nước.

 

Cô gái còn lại trong vụ án ca sĩ Châu Việt Cường ra trình diện

Cơ quan công an triệu tập vì có liên quan đến vụ án ca sỹ Châu Việt Cường, cô gái Đỗ Phượng Anh tối 8/3 đã ra trình diện và có lời khai ban đầu.