Người dân miền Trung sơ tán, chằng nhà cửa chống bão Noru đổ bộ

Thứ ba, 27/09/2022, 11:01 AM

Để phòng tránh bão số 4 (bão Noru) - một trong những cơn bão mạnh nhất 20 năm qua, người dân nhiều tỉnh miền Trung đã sơ tán sớm, chằng, chống nhà cửa.

Hình ảnh người dân ven biển Quảng Ngãi tất bận chằng, chống, gia cố nhà cửa để chống bão số 4 - bão Noru. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi).

Hình ảnh người dân ven biển Quảng Ngãi tất bận chằng, chống, gia cố nhà cửa để chống bão số 4 - bão Noru. (Ảnh: Báo Quảng Ngãi).

Bão số 4 (bão Noru) với sức gió giật cấp 15, được dự đoán sẽ gây mưa to cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên từ chiều và tối 27/9.

Chủ động phòng tránh bão, từ chiều 26/9 đến sáng 27/9, chính quyền tại nhiều tỉnh miền Trung đã tiến hành sơ tán, di dời người dân và chằng chống nhà cửa, công trình...

Tại Quảng Nam: Người dân ở các vùng nguy hiểm tại xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ đã được chính quyền tổ chức di dời, sơ tán đến các địa điểm như ký túc xá Trường cao đẳng nghề Quảng Nam, Trường cao đẳng y tế Quảng Nam, Bộ đội biên phòng để tránh trú bão.

Ngay từ sớm, người dân đã tất bật sắp xếp đồ đạc, vật dụng gọn nhẹ đến các nhà văn hóa thôn và được xe buýt do chính quyền bố trí chở đến nơi trú bão.

Người dân ven biển Quảng Nam lên xe buýt di dời đến điểm an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ. (Ảnh: Tuổi Trẻ TP HCM).

Người dân ven biển Quảng Nam lên xe buýt di dời đến điểm an toàn trước khi bão số 4 đổ bộ. (Ảnh: Tuổi Trẻ TP HCM).

Theo lãnh đạo xã Tam Thanh: Khoảng 1.000 người dân đã được di tản đến nơi an toàn, số còn lại chính quyền thực hiện xen ghép ở với những nhà dân cao tầng, chắc chắn hơn hoặc người dân đến khách sạn, nhà nghỉ trú bão. Phương tiện đưa đón, hỗ trợ ăn uống đều được thành phố lo.

Ngư dân Núi Thành - Quảng Nam đưa tàu thuyền vào bờ trú bão. (Ảnh: Báo Quảng Nam).

Ngư dân Núi Thành - Quảng Nam đưa tàu thuyền vào bờ trú bão. (Ảnh: Báo Quảng Nam).

Tại Quảng Ngãi: Trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão số 4, nhiều hộ dân ở những vùng nguy hiểm đã được chính quyền huyện Bình Sơn vận động, hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi ở khác. Chính quyền địa phương cũng kiên quyết di dời người dân ở trong những nhà không đảm bảo an toàn trước khi bão, lũ xảy ra.

Theo báo Quảng Ngãi: Trong ngày 26/9, chính quyền xã Bình Đông đã huy động lực lượng xung kích, với sự góp sức của công nhân, người lao động thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đến nhiều nhà dân trong khu vực nguy hiểm để hỗ trợ di dời tài sản. Riêng khu vực xóm Bàu, có 110 nhà đã được hỗ trợ di chuyển đồ đạc đến nơi an toàn trước khi bão đến.

Người dân các tỉnh miền Trung chằng, chống nhà cửa tránh bão. (Ảnh; Vnexpress).

Người dân các tỉnh miền Trung chằng, chống nhà cửa tránh bão. (Ảnh; Vnexpress).

Tại Đà Nẵng: Hơn 2 ngày nay người dân ở nhiều phường thuộc quận Thanh Khê cũng tất bật dùng các vật dụng từ thùng phuy, thùng xốp, gỗ đễn cả thùng ướp bia để gia cố mái tôn.

Cùng với việc di dời, sơ tán người dân, nhiều tỉnh miền Trung đã cho học sinh, sinh viên tạm nghỉ học từ trưa 27/9 để phòng, chống bão số 4. Bên cạnh đó, tạm dừng nhiều chuyến bay, cảng hàng không.

Thùng xốp và các vật dụng được sử dụng để đựng cát đè lên mái nhà phòng khi gió to thổi tung mái. (Ảnh: Vnexpress).

Thùng xốp và các vật dụng được sử dụng để đựng cát đè lên mái nhà phòng khi gió to thổi tung mái. (Ảnh: Vnexpress).

Xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) huy động 250 người vá tuyến kè biển trước bão Noru (Ảnh: Anh Tuấn).

Xã Cẩm Nhượng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) huy động 250 người vá tuyến kè biển trước bão Noru (Ảnh: Anh Tuấn).

Thủ tướng họp khẩn chỉ đạo công tác ứng phó bão số 4

Sáng 27/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp trực tuyến ứng phó khẩn cấp với bão số 4. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai. Cuộc họp được kết nối trực tiếp đến trụ sở UBND các tỉnh, thành phố, trụ sở UBND quận, huyện, xã, phường, thị trấn có liên quan như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Quảng Trị, Gia Lai...

Trước đó, Thủ tướng cũng quyết định thành lập Ban chỉ đạo tiền phương tại thành phố Đà Nẵng để chỉ đạo công tác ứng phó với bão số 4.

Theo đó, Ban chỉ đạo tiền phương có nhiệm vụ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các ngành, các địa phương triển khai công tác ứng phó với bão số 4 bảo đảm kịp thời, hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng nhân dân, hạn chế thiệt hại do bão; chỉ đạo, giải quyết kịp thời các tình huống phát sinh; thường xuyên cập nhật tình hình, báo cáo Thủ tướng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (cơ quan Thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai) được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với UBND thành phố Đà Nẵng và các Bộ, ngành liên quan bảo đảm công tác hậu cần, bố trí phương tiện, trang thiết bị, thông tin liên lạc phục vụ cho hoạt động của Ban chỉ đạo tiền phương trong mọi tình huống.