Nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình chuẩn bị hầu tòa

Chủ nhật, 24/06/2018, 10:18 AM

Ngày mai (25/6), TAND TPHCM sẽ mở phiên tòa xét xử ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

nguyen-pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-dang-thanh-binh-chuan-bi-hau-toa
Ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Cụ thể, nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình bị cáo buộc thiếu trách nhiệm khi để Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng (VNCB).

Ngoài ông Đặng Thanh Bình, Viện KSND Tối cao còn truy tố thêm ông Hà Tấn Phước (Tổ trưởng Tổ Giám sát, nguyên Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Long An), ông Phạm Thế Tuân (Tổ phó Tổ Giám sát, nguyên Phó Giám đốc Vietcombank chi nhánh TPHCM), ông Lê Văn Thanh (nguyên Chánh thanh tra NHNN tỉnh Long An, thành viên tổ giám sát) và ông Ngô Văn Thanh (thành viên tổ giám sát, nguyên Phó phòng kiểm tra, giám sát tuân thủ Vietcombank Long An).

Trước đó ngày 22/3 vừa qua, VKSND Tối cao đã phát hành và tống đạt cáo trạng truy tố ông Đặng Thanh Bình, nguyên phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các đồng phạm tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng khi để xảy ra sai phạm tại Ngân hàng Đại Tín (tiền thân của Ngân hàng Xây dựng, VNCB).

Thiếu trách nhiệm để Phạm Công Danh vi phạm pháp luật

Tại NHNN ông Đặng Thanh Bình được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Thanh tra giám sát NHNN, vụ Pháp chế, giúp Thống đốc chỉ đạo việc tái cơ cấu 6 ngân hàng yếu kém theo đề án của chính phủ, trong đó có VNCB.

Kết quả điều tra xác định, vào tháng 8-\/2012 ông Đặng Thanh Bình đã ký tờ trình chính phủ về phương án tái cơ cấu Ngân hàng Xây dựng và đã được chính phủ chấp thuận chủ trương. 

Xuất phát từ thực trạng của một số ngân hàng thương mại, trong đó có VNCB và thực hiện chỉ đạo của Thống đốc NHNN trong việc củng cố lại VNCB, cơ quan thanh tra giám sát NHNN đã có tờ trình về việc củng cố, chấn chỉnh, cơ cấu lại ngân hàng này. Ông Đặng Thanh Bình là người ký quyết định thành lập tổ giám sát đối với hoạt động của VNCB.

Theo phương án tái cơ cấu và chuyển nhượng  cổ phần giữa nhóm cổ đông Phú Mỹ (do bà Hứa Thị Phấn làm đại diện) sang cho nhóm cổ đông Thiên Thanh (do ông Phạm Công Danh làm đại diện) thì VNCB được xếp loại ngân hàng yếu kém và cần thiết phải có cơ chế giám sát đặc biệt.

Tuy nhiên, theo cáo trạng, ông Đặng Thanh Bình đã không thực hiện đúng phương án do chính NHNN đề xuất để kiểm tra năng lực tài chính của nhóm cổ đông Thiên Thanh, tạo điều kiện cho nhóm cổ đông này điều hành và nắm giữ ngân hàng, sử dụng ngân hàng như một phương tiện phạm tội.

Kể từ khi nhóm cổ đông Thiên Thanh điều hành, ngân hàng làm ăn thua lỗ, vốn chủ sở hữu tiếp tục âm, nợ xấu tăng cao. Vào thời điểm khởi tố vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm năm 2014, vốn chủ sở hữu của VNCB âm hơn 18.000 tỉ đồng, gấp 4 lần so với lúc chưa tái cơ cấu, nợ phải trả là hơn 38.000 tỉ đồng. Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm đã xác định thiệt hại là hơn 9000 tỉ đồng.

Cáo trạng kết luận, Phạm Công Danh và các đồng phạm đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luât thông qua các giao dịch chuyển tiền gây thiệt hại cho VNCB, trong đó có trách nhiệm của thành viên tổ giám sát.

Hàng loạt lãnh đạo ngân hàng cùng bị truy tố

Không chỉ ông Đặng Thanh Bình thiếu trách nhiệm trong việc giám sát và tái cơ cấu VNCB mà một số thành viên tổ giám sát được ông Bình ký quyết định thành lập cũng có những hành vi sai phạm trong thực thi công vụ. 

Cụ thể, các ông Hà Tấn Phước, Lê Văn Thanh, Phạm Thế Tuân và Ngô Văn Thanh thuộc tổ giám sát NHNN đặt tại VNCB được giao nhiệm vụ, quyền hạn và chủ động tiếp cận không hạn chế mọi tài liệu hồ sơ, thông tin, hệ thống phần mềm và yêu cầu ngân hàng này báo cáo, cung cấp tài liệu, làm việc với mọi cán bộ có thẩm quyền, đối chiếu trực tiếp với khách hàng, chủ nợ, đối tác… 

Tổ giám sát cũng có quyền đề nghị cấp có thẩm quyền đình chỉ những hoạt động không đúng pháp luật, giám sát trước khi chuyển tiền đối với những giao dịch có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên.

Nhưng các bị can đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, để Phạm Công Danh và các đồng phạm rút tiền của VNCB bằng các hành vi phạm tội để sử dụng, gây thiệt hại cho ngân hàng này. 

Trong đó, bị can Hà Tấn Phước có trách nhiệm đối với số tiền 3.454 tỉ đồng, Lê Văn Thanh có trách nhiệm với thiệt hại là 6.591 tỉ đồng, bị can Phạm Thế Tuân có trách nhiệm liên quan đến số tiền thiệt hại là 3.454 tỉ, bị can Ngô Văn Thanh có trách nhiệm liên quan đến số tiền 10.046 tỉ đồng.

Đối với ông Đặng Thanh Bình, kết quả điều tra cho thấy đủ căn cứ kết luận ông Bình đã có hành vi không thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, không thực hiện đúng phương án tái cơ cấu VNCB do NHNN đã trình thủ tướng chính phủ, không thực hiện ý kiến chỉ đạo của thủ tướng nhằm bảo đảm tính đúng đắn, chính xác với thực trạng năng lực tài chính của nhóm Phạm Công Danh, mà vẫn quyết định để Phạm Công Danh tham gia quản lý, nắm giữ cổ phần chi phối để điều hành VNCB. Từ đó tạo điều kiện cho Phạm Công Danh sử dụng ngân hàng như một phương tiện để thực hiện các hành vi phạm tội, gây ra các hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là hàng chục ngàn tỉ đồng bị thất thoát.

nguyen-pho-thong-doc-ngan-hang-nha-nuoc-dang-thanh-binh-chuan-bi-hau-toa
Năm 1994, ông Đặng Thanh Bình nắm giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính. 3 năm sau, tức năm 1997, ông được điều chuyển sang giữ chức Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước. Đến năm 2002, ông Đặng Thanh Bình giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Ngân hàng Nhà nước. Đến năm 2005, ông Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng với ông Nguyễn Đồng Tiến.

Chân dung ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Ông Đặng Thanh Bình, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sinh năm 1954. Với 25 năm công tác trong ngành ngân hàng, năm 1994, ông Đặng Thanh Bình nắm giữ vị trí Vụ trưởng Vụ Các định chế tài chính. 3 năm sau, tức năm 1997, ông được điều chuyển sang giữ chức Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Ngân hàng Nhà nước. Đến năm 2002, ông Đặng Thanh Bình giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Ngân hàng Nhà nước.

Đến năm 2005, ông Đặng Thanh Bình được bổ nhiệm làm Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng với ông Nguyễn Đồng Tiến. Tại đây, ông Bình được giao nhiệm vụ chuyên trách về nợ xấu và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng.

Cũng trong khoảng thời gian này, ông Bình được giao vị trí Trưởng ban trù bị thành lập Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Đến cuối tháng 6/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyết định chính thức thành lập Công ty mua bán nợ các tổ chức tín dụng VAMC với hoạt động chính là mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng, thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm…

Đến giữa tháng 7/2013, Thống đốc NHNN đã ban hành quyết định giao ông Đặng Thanh Bình kiêm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐTV đầu tiên của VAMC cho đến khi có quyết định mới.

Cùng thời điểm này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cũng ban hành hàng loạt quyết định bổ nhiệm đối với cán bộ tại VAMC. Cụ thể là ông Nguyễn Quốc Hùng tại thời điểm đó là Phó tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam được điều động và bổ nhiệm giữ chức Phó chủ tịch thường trực HĐTV VAMC. Còn vị trí Tổng giám đốc VAMC được giao cho ông Nguyễn Hữu Thủy, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra các tổ chức tín dụng nước ngoài thuộc Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước

Tuy nhiên, công tác kiêm nhiệm vị trí đứng đầu tại VAMC chưa đầy một năm, ông Đặng Thanh Bình đã phải chuyển giao vị trí Chủ tịch HĐTV tại công ty VAMC cho ông Nguyễn Quốc Hùng vào tháng 5/2014. Đến năm 2015, ông Đặng Thanh Bình nghỉ hưu và thôi các chức vụ tại Ngân hàng Nhà nước.

 

Đại án VNCB: 6.120 tỉ đồng ai phải bồi thường cho CB?

Trong phần luận tội, đại diện Viện KSND TPHCM cho rằng TPBank, Sacombank, BIDV cho Phạm Công Danh vay sai quy định nhà nước gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.120 tỉ đồng. Đồng thời, đề nghị HĐXX buộc Phạm Công Danh và tập đoàn Thiên Thanh liên đới bồi thường số tiền trên cho 3 ngân hàng.

 

Truy tố nguyên phó thống đốc ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình

Nguyên phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đặng Thanh Bình bị cáo buộc thiếu trách nhiệm khi để Phạm Công Danh và các đồng phạm gây thiệt hại hơn 9.000 tỉ đồng của Ngân hàng Xây dựng.

 

Ngân hàng Nhà nước bác kiến nghị HoREA

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, kiến nghị của Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) về việc áp dụng chung một mức lãi suất cho vay nhà ở xã hội là chưa phù hợp với quy định của pháp luật.