Nhà máy nước mặt sông Đuống của Shark Liên có coi thường pháp luật?

Thứ năm, 31/10/2019, 06:23 AM

Theo luật sư và các chuyên gia, việc Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa nghiệm thu đã đi vào hoạt động, bán nước cho người dân là thể hiện sự coi thường pháp luật, bỏ qua quy định tạo ra tiền lệ xấu sau này.

Nhà máy nước mặt sông Đuống của bà Đỗ Kim Liên (shark Liên) chưa nghiệm thu đã khánh thành.
Nhà máy nước mặt sông Đuống của bà Đỗ Kim Liên (shark Liên) đang gây tranh cãi trong dư luận vì chưa nghiệm thu đã khánh thành. (Ảnh: IT).

Những ngày qua, thông tin Tập đoàn AquaOne khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống bất chấp những khuyến cáo của Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định – Bộ Xây dựng) về việc nhà máy này chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào sử dụng... gây nhiều ý kiến trái chiều.

Không chỉ vậy, hàng loạt những bất cập khiến dư luận tranh cãi liên quan đến công trình này cũng được chỉ ra đó là việc sử dụng đường ống của nhà thầu Trung Quốc (nhà thầu từng bị dư luận phản đối kịch liệt) hay việc giá bán nước cao gần gấp đôi so với nước sạch Sông Đà...

Dư luận băn khoăn, với hành vi trên doanh nghiệp của bà Đỗ Thị Kim Liên (hay còn gọi là Shark Liên), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP nước mặt sông Đuống có coi thường pháp luật? Nhìn nhận về vấn việc Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đã đưa vào sử dụng nhiều chuyên gia xây dựng, công trình cho rằng đây là hành vi rất nguy hiểm bởi nó sẽ tạo tiền lệ xấu, phá vỡ quy định, quy tắc của pháp luật.

"Sẽ có nhiều công trình tiếp theo bất chấp không được nghiệm thu mà đi vào hoạt động. Dù rằng đây là quy định bắt buộc để đảm bảo an toàn công trình...", PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình bày tỏ lo ngại với PV.

Để làm rõ vấn đề trên dưới góc độ pháp luật, PV có cuộc trao đổi với luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật.

Nhìn nhận về việc này, luật sư Bình cho biết: Căn cứ vào điều 123 Luật xây dựng thì việc nghiệm thu công trình xây dựng gồm: Nghiệm thu công việc xây dựng trong quá trình thi công và nghiệm thu các giai đoạn chuyển bước thi công khi cần thiết. Nghiệm thu hoàn thành hạng mục công trình, hoàn thành công trình xây dựng để đưa vào khai thác, sử dụng.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống trong buổi lễ khánh thành.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung và bà Đỗ Thị Kim Liên - Chủ tịch HĐQT Nhà máy nước mặt Sông Đuống trong buổi lễ khánh thành. (Ảnh: GĐM).

"Hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng, tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật cho công trình, quy định về quản lý sử dụng vật liệu xây dựng và được nghiệm thu theo quy định của Luật này", luật sư Bình chia sẻ.

Theo luật sư, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức nghiệm thu công trình xây dựng. Tổ chức, cá nhân tham gia nghiệm thu chịu trách nhiệm về sản phẩm do mình xác nhận khi nghiệm thu công trình xây dựng.

Luật sư Diệp Năng Bình cũng cho biết, đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình.

Trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu được quy định như sau: Hội đồng nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với công trình quan trọng quốc gia, công trình có quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp.

Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình không thuộc trường hợp quy định thuộc Hội đồng nghiệm thu nhà nước như nêu trên.

Bên cạnh đó, Điều 127 Luật xây dựng cũng quy định rõ việc dừng khai thác sử dụng công trình xây dựng như sau: Chủ đầu tư, chủ quản lý khai thác sử dụng công trình hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định việc dừng khai thác sử dụng công trình xây dựng khi công trình hết thời hạn sử dụng, có nguy cơ gây mất an toàn, gây sự cố công trình ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng, an toàn của công trình lân cận, môi trường và của cộng đồng.

“Khi quyết định dừng khai thác sử dụng đối với công trình sử dụng chung, chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có văn bản thông báo bằng văn bản đến các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình sử dụng công trình về quyết định của mình. Việc khai thác sử dụng công trình xây dựng chỉ được tiếp tục khi đã được khắc phục sự cố hoặc được loại bỏ các nguy cơ gây mất an toàn. Trường hợp công trình hết thời hạn sử dụng, nếu có yêu cầu tiếp tục sử dụng thì chủ sở hữu hoặc chủ sử dụng phải thực hiện kiểm định chất lượng, gia cố, cải tạo, sửa chữa hư hỏng (nếu có) bảo đảm an toàn, công năng sử dụng của công trình”, luật sư Diệp Năng Bình phân tích.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, việc khai thác, kinh doanh nước sạch phải tuân theo các quy định về Luật tài nguyên nước, các Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch; Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Thông tư số: 41/2018/TT-BYT của Bộ y tế về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.

Lãnh đạo Hà Nội mở van, khánh thành nhà máy nước sông Đuống giai đoạn 1.
Lãnh đạo Hà Nội mở van, khánh thành Nhà máy nước sông Đuống giai đoạn 1. (Ảnh: Tuổi trẻ Thủ đô).

Trước đó, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình cho rằng, việc một công trình chưa đủ nghiệm thu đã đưa vào khai thác là coi thường pháp luật.

Theo ông Trần Chủng, việc này có thể tạo ra một tiền lệ xấu cho các công trình tiếp theo, khi đó các quy định pháp luật bị "ngó lơ".

"Việc nghiệm thu công trình cũng như các quy định pháp luật sinh ra là để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn, bền vững. Một công trình khi đi vào khai thác nhất thiết phải được nghiệm thu... Và vì thế việc Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình có cảnh báo mà chủ đầu tư vẫn đưa công trình vao vận hành khai thác là không thể chấp nhận được. Đây là hành vi coi thường quy định pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm bởi nếu không nó sẽ là tiền lệ, mở đường cho việc phá vỡ quy định pháp luật", TS Trần Chủng bày tỏ.

Cũng theo PGS.TS Trần Chủng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng người tiêu dùng nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng.

(Video: Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trả lời về việc Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa nghiệm thu đã đi vào hoạt động - Nguồn: THTTXVN).

Nhà máy nước mặt Sông Đuống có quy mô cấp vùng với tổng diện tích 65ha, tổng công suất dự kiến là 1.200.000 m3/ngày đêm.

Giai đoạn I đã khánh thành ngày 5/9 với mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng với công suất 300.000m3/ngày đêm. Ngày 13/10, lãnh đạo UBND TP Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống.

Với tổng mức đầu tư giai đoạn I gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), nhiều ý kiến đưa ra đánh giá là "đắt đỏ" hơn khá nhiều so với vốn đầu tư ban đầu của các nhà máy khác. Như nhà máy nước Sông Đà được đầu tư 10 năm trước cũng với công suất 300.000m3/ngày đêm trong khi vốn đầu tư chỉ khoảng 1.500 tỷ đồng.

Cùng với đó, mức giá tạm tính mỗi mét khối nước của nhà máy lên tới 10.264 đồng được cho là đang gấp đôi so với giá của một số nhà máy nước hiện nay của Hà Nội.

Ngày 5/9, Tập đoàn AquaOne khánh thành Nhà máy nước mặt sông Đuống - Dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc (300.000 m3 ngày/đêm) phân kỳ 2 của giai đoạn I.

Đáng chú ý, đến 13/10, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã nhấn nút phát nước giai đoạn 1 của dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống và phát động khởi công xây dựng giai đoạn 2 của nhà máy này.

Trước khi buổi lễ khánh thành nhà máy trên diễn ra, ngày 30/8/2019, Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) – Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống – giai đoạn 1, do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.