Nhận diện 4 rủi ro của bảo hiểm liên kết ngân hàng

Thứ hai, 01/08/2022, 06:37 AM

Theo TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiên tệ quốc gia, bảo hiểm liên kết ngân hàng đang phát triển mạnh mẽ nhưng cần nhận diện 4 rủi ro, trong đó có rủi ro lan truyền (có tính hệ thống).

Hoạt động bancassurance còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Hoạt động bancassurance còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Bảo hiểm liên kết ngân hàng (bancassurance) đã đạt được thành công tại châu Âu, châu Á cũng như tại thị trường Việt Nam. Bancassurance ngày càng trở nên phổ biến và quan trọng trên thế giới và Việt Nam, thậm chí ở nhiều thị trường bancassurance đã trở thành một trong những kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm chính.

Đánh giá về lợi nhuận thu được từ bancassurance, TS Cấn Văn Lực cho rằng bancassurancessurance mang tới một nguồn thu ngoài lãi đáng kể, cải thiện cơ cấu thu nhập; giúp đa dạng hóa hoạt động kinh doanh; giảm bớt rủi ro tín dụng; tăng nguồn vốn huy động của ngân hàng từ phía đối tác bảo hiểm; tăng năng suất hoạt động của nhân viên ngân hàng.

Về phía công ty bảo hiểm, các công ty này được sử dụng hệ thống phân phối rộng lớn sẵn có của ngân hàng, giúp tiết kiệm chi phí xây dựng mạng lưới riêng, có cơ hội tiếp cận với nền khách hàng của các ngân hàng; tận dụng uy tín, thương hiệu, sự tin cậy của khách hàng đối với ngân hàng; gia tăng thị phần, doanh thu.

Với khách hàng, khách hàng có thể được đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng, nhất là trong bối cảnh thu nhập tăng, rủi ro bất định tăng.

Trích dẫn thống kê của IMARC Group, ông Lực cho biết, trên thế giới, thị trường Bancassurance có giá trị ước tính vào khoảng 1270 tỷ USD năm 2019 và dự báo sẽ đạt hơn 1.800 tỷ USD vào năm 2027, tăng khoảng 4,5%/năm.

Trong đó, bảo hiểm nhân thọ chiếm tới 60% thị phần và bảo hiểm phi nhân thọ là 40% (tính theo giá trị sản phẩm bảo hiểm).

Sự phân hóa này thể hiện khá rõ ràng tại thị trường châu Âu, khi bancassurance là kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm nhân thọ chính tại nhiều quốc gia như Bồ Đào Nha (chiếm tới 78% tổng phí bảo hiểm nhân thọ năm 2019) hay Italy (74,3%), trong khi đó, ở mảng phi nhân thọ, bancassurance chỉ chiếm một phần nhỏ trong tỷ trọng phí bảo hiểm.

Tại Việt Nam, theo ông Lực, trong giai đoạn vừa qua, hoạt động bancassurance đã phát triển một cách mạnh mẽ.

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm, cả doanh thu và tỷ trọng thu nhập từ bancassurance của doanh nghiệp bảo hiểm ngày một tăng lên, từ 65 nghìn tỷ (chiếm 7,8% doanh thu phí bảo hiểm) năm 2017, lên tới 130 nghìn tỷ (chiếm 18,9%) năm 2020.

“Đến năm 2021, doanh thu phí bảo hiểm qua kênh bancassurance đã chiếm khoảng 39% tổng doanh thu khai thác mới. Trong 6 tháng đầu năm 2022, thị trường Bancassurance tăng trưởng 23% theo báo cáo của Bộ Tài chính”, ông Lực nói.

Hoạt động bancassurance đã đóng góp hàng nghìn tỷ đồng vào lợi nhuận của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong năm 2021, trong đó điển hình như: Ngân hàng Quốc tế (VIB) đạt gần 1.700 tỷ đồng phí dịch vụ bảo hiểm trong năm 2021, chiếm hơn 11% tổng thu nhập hoạt động nhờ thương vụ hợp tác với Prudential; Ngân hàng Techcombank đạt 1.600 tỷ đồng, tăng 88,4% so với năm 2020 nhờ đẩy mạnh hợp tác với Manulife; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đạt 1.300 tỷ đồng qua hợp tác với Sunlife.

Bên cạnh việc ký kết các thương vụ hợp tác phân phối bảo hiểm độc quyền (hoạt động đại lý), một số ngân hàng đang tập trung khai thác mảng bảo hiểm thông qua công ty con, công ty liên doanh, góp vốn.

Điển hình là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đẩy mạnh mảng bán bảo hiểm phi nhân thọ thông qua Công ty bảo hiểm BIC, bảo hiểm nhân thọ thông qua BIDV Metlife; Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) bán bảo hiểm phi nhân thọ thông qua Công ty bảo hiểm MIC và bán bảo hiểm nhân thọ thông qua Công ty liên doanh MB ageas.

Tuy nhiên, ông Lực nhấn mạnh cần nhận diện 4 rủi ro, bất cập chính trong hoạt động của bancassurance.

Đó là chất lượng tư vấn chưa cao do thực trạng hiện nay nhiều cán bộ tư vấn chưa hiểu hết những đặc tính kỹ thuật phức tạp của sản phẩm bảo hiểm cũng như mức độ ưu tiên công việc khác nhau.

Rủi ro đạo đức nghề nghiệp có thể xảy ra ở một số nơi liên quan đến hiện tượng gượng ép, xung đột lợi ích và tính hiệu quả khi tổ chức tín dụng phân phối sản phẩm bảo hiểm.

Bên cạnh đó là rủi ro lan truyền (có tính hệ thống), tức là việc xảy ra rủi ro tại một công ty bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến ngân hàng thương mại với tư cách là đại lý hay đối tác hay cổ đông chiến lược hay công ty mẹ và ngược lại.

Cuối cùng là rủi ro về thông tin, dữ liệu còn thiếu trong bối cảnh chưa có quy định cho phép chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định liên quan đến bancassurance.

“Bởi vậy, cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là nghiệp vụ bancassurance trong cả lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ; quy định rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên liên quan. Đồng thời, có quy định cho phép cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu, công nhận kết quả thẩm định cũng như qui định về bảo mật, bảo vệ thông tin, dữ liệu khách hàng trong trường hợp này”, ông Lực khuyến nghị.