Nhìn lại nửa nhiệm kỳ của Chính phủ

Thứ tư, 17/05/2023, 07:08 AM

Nhiệm kỳ 2021-2025 của Chính phủ lần này đã đi qua nửa thời gian. Sòng phẳng mà nói thì trong lịch sử lập nước từ năm 1945 cho tới nay, chưa khi nào Chính phủ lại phải trải qua nhiều sóng gió như nhiệm kỳ lần này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2023 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Dịch bệnh Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu và dĩ nhiên, Việt Nam ta cũng chịu ảnh hưởng cực lớn. Đối phó với “hậu Covid” đã khó, nhưng bên cạnh đó là sự biến động chưa từng có về các thành viên của Chính phủ. Mới một nửa nhiệm kỳ mà đã có 2 Phó Thủ tướng phải nghỉ, rồi nhiều Bộ trưởng, Thứ trưởng, Trợ lý cao cấp cũng bị xử lý bằng luật pháp…

Tất cả những điều đó diễn ra trong thời gian cực ngắn đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới niềm tin và tâm tư, tình cảm của nhân dân, và dĩ nhiên, công tác điều hành của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trong phạm vi bài này, chúng tôi chỉ xin đề cập đến những nét cơ bản nhất của Chính phủ và Thủ tướng Phạm Minh Chính trong điều hành lĩnh vực kinh tế.

Khi kinh tế gặp khó khăn khách quan thì những yếu tố nội tại cũng bộc lộ rõ nét những vấn đề thuộc cơ chế, chính sách không còn phù hợp với sự phát triển của kinh tế - xã hội. Điều này ta có thể ví như khi kinh tế phát triển thì dòng sông đầy nước, nhìn chỉ thấy nước chảy… Nhưng khi dòng sông cạn thì mới thấy những rác rưởi, những cây, que, cột cọc nằm dưới lòng sông nay phơi bày ra khủng khiếp.Sau hơn 2 năm dịch bệnh Covid -19; nền kinh tế nước ta có độ mở lớn nên chịu sự tác động mạnh của tình hình thế giới, các điểm yếu của nền kinh tế tiềm ẩn rủi ro trong thời gian dài đã bộc lộ những bất cập nhất là liên quan đến một số thị trường như chứng khoán, trái phiếu, tiền tệ, đặc biệt là sự cố liên quan đến ngân hàng SCB, đóng băng thị trường bất động sản ảnh hưởng đến niềm tin nhà đầu tư; thị trường xuất khẩu, lao động, sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề do sự đứt gãy chuỗi cung ứng.

Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức, với sự chỉ đạo kịp thời, đúng định hướng của Đảng, sự vào cuộc tích cực của Quốc hội, sự nỗ lực, phản ứng chính sách, tổ chức triển khai chắc chắn, linh hoạt, phù hợp, hiệu quả và quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ việc điều hành kinh tế của Việt Nam đã đạt được những kết quả khả quan trong năm 2022 và đầu năm 2023.

Empty

Điểm sáng kinh tế thể hiện rõ nét ở những mặt tích cực như giữ vững ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, đảm bảo thanh khoản các loại thị trường nhất là thị trường tiền tệ, thúc đẩy tăng trưởng bền vững và phục hồi kinh tế sau đại dịch.

Năm 2022, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao (là 4%); tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Về chỉ tiêu Quốc hội giao, chúng ta đã đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng dưới 3,15% (Quốc hội giao là dưới 4%); tăng trưởng GDP đạt 8,02% (cao nhất trong 10 năm qua), là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Thị trường tiền tệ, tỷ giá, VND cơ bản ổn định trong điều kiện thế giới chao đảo và luôn biến động khó lường. Lãi suất được điều chỉnh giảm liên tục và trong tháng 3/2022 đã điều chỉnh giảm 2 lần liên tiếp, góp phần làm cho mặt bằng lãi suất giảm và tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của người dân và doanh nghiệp.

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều tác động tiêu cực từ bên ngoài, nhất là áp lực lạm phát, các nền kinh tế, đối tác chủ yếu thắt chặt chính sách tài khóa, tiền tệ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời, thường xuyên thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu, nhất là từ thương mại điện tử, nền tảng số… và chống thất thu thuế để có nguồn lực đưa nền kinh tế vượt qua khó khăn, tạo động lực cho phục hồi và phát triển trong thời gian tới. Đồng thời chỉ đạo giảm thuế phí với người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid - 19.

Nhờ có sự chỉ đạo sát sao, sự vào cuộc quyết liệt, thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 đạt 1.815,5 nghìn tỷ đồng, vượt 403,8 nghìn tỷ đồng (vượt 28,6%) so với dự toán, vượt 15,7% so thực hiện năm 2021, trong đó thu ngân sách Trung ương vượt khoảng 195,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán. Thu NSNN vượt dự toán giúp giảm áp lực huy động vốn vay của Chính phủ, tạo điều kiện tiếp tục cơ cấu lại nợ công, nợ Chính phủ. Ước thực hiện đến cuối năm 2022, các chỉ tiêu an toàn nợ nằm trong giới hạn trần và ngưỡng cảnh báo an toàn đã được Quốc hội quyết định cho giai đoạn 2021-2025, trong đó: nợ công bằng khoảng 38,0% GDP (so với mức trần 60% GDP và ngưỡng cảnh báo 55% GDP), nợ Chính phủ khoảng 34,7% GDP (so với mức trần 50% GDP và ngưỡng cảnh báo 45% GDP), nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ đạt 16,3% tổng thu NSNN (giới hạn là 25%).

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kết hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, bảo đảm an toàn thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng, hỗ trợ tích cực cho phục hồi và phát triển KT-XH. Quyết tâm giữ ổn định thị trường tiền tệ, điều hành linh hoạt lãi suất, tỷ giá phù hợp với diễn biến của thị trường; Giám sát chặt chẽ diễn biến thị trường tiền tệ, ngân hàng. Triển khai các giải pháp chấn chỉnh, phục hồi và phát triển thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bảo đảm bền vững, công khai, minh bạch, lành mạnh, an toàn, hiệu quả; kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi thao túng, lũng đoạn thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư.

Nhìn chung, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, thị trường tài chính – tiền tệ vẫn cơ bản ổn định.

Chính phủ đã chỉ đạo phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với thúc đẩy xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, kết nối cung cầu trực tuyến gắn với chuyển đổi số; Tiếp tục tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA); Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng quan trọng, thiết yếu để có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, kiểm soát lạm phát, nhất là trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng; Tăng cường chỉ đạo công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, trong đó, tập trung các mặt hàng thiết yếu; Xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi buôn lậu, hàng giả, đầu cơ, tích trữ, găm hàng.

Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế theo các quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp tại Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu hình thành cơ cấu hợp lý, hiệu quả trong từng ngành, lĩnh vực, giữa các ngành, lĩnh vực và cả nền kinh tế; phát triển được nhiều sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao; thúc đẩy liên kết vùng, tạo bứt phá về năng lực cạnh tranh của một số ngành kinh tế chủ lực.

Với những gì mà Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Chính phủ đã làm và đang làm, chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng là nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển tăng tốc từ quý 3 năm 2023.