Những đặc sản Hà Nội bạn không thể bỏ qua khi thăm thủ đô

Thứ tư, 18/03/2020, 12:06 PM

Tìm hiểu những đặc sản Hà Nội điển hình và các địa chỉ ăn đặc sản Hà Nội ngon nhất sẽ giúp chuyến du lịch tới thủ đô của bạn ý nghĩa và thú vị hơn.

Đặc sản Hà Nội và địa chỉ ăn đặc sản Hà Nội ngon nhất dưới đây sẽ giúp bạn định hình được chuyến du lịch thủ đô của mình.

1, Đặc sản Hà Nội: Cốm Làng Vòng

Empty

Trong tất cả các đặc sản Hà Nội, cốm là thức quà mùa thu đặc sắc nhất. Mỗi mùa lúa non lại là một mùa cốm nồng đượm và thơm ngọt. Cốm xanh mướt làm người ta thấy nhẹ nhàng, thanh thoát trong lòng. Hương vị của cốm chỉ cần thưởng thức một chút là sẽ không thể quên. đặc biệt là cốm Làng Vòng.

Người ra nói rằng: "Cốm Vòng, gạo tám Mễ Trì/ Tương Bần, húng Láng còn gì ngon hơn!".  Cốm được gói thành hai lớp lá. Lớp trong là lá ráy xanh và mát giữ cho cốm khỏi khô và không phai nhạt màu xanh ngọc thạch quý giá, lớp ngoài là lá sen có hương thơm thoang thoảng, thanh cao. Cốm Vòng vượt qua phạm vi của làng xã, theo những gói quà, những gánh hàng rong đến với người thân, đến với những người sành ăn rồi trở thành một món ăn đặc sản nức tiếng cả nước. Vụ cốm mùa thu thường kéo dài gần 3 tháng, bắt đầu từ tháng 7 âm lịch trở đi.

Địa chỉ: Làng Vòng, Dịch Vọng Hậu, Quận Cầu Giấy, Hà Nội 

Giá tham khảo: 260.000 - 300.000 đồng/kg

2, Đặc sản Hà Nội: Sấu

Empty

Sấu là đặc sản Hà Nội nức tiếng, luôn là món quà biếu ý nghĩa cho người phương xa.

Có lẽ do sự tinh tế trong ẩm thực của người Hà Nội đã sáng tạo nên những cách chế biến món sấu khiến hương vị của trái sấu trở nên thật khác biệt. Nhờ thế mà sấu Hà Nội mới thành thương hiệu riêng như hiện nay.

Cây sấu được trồng trên nhiều con phố lớn ở Hà Nội. Trước kia, du khách rất dễ để bắt gặp hình ảnh những con đường rợp bóng cây sấu cổ thụ rất xanh mát. Đến nay, không còn nhiều những con phố như vậy nhưng quả sấu tươi vẫn rất được người Hà Nội và khách du lịch ưa thích.

Nếu du lịch Hà Nội vào khoảng đầu tháng 6, du khách sẽ thấy các chợ bày bán các mẹt sấu. Đây chính là mùa sấu, và mua sấu tươi vào khoảng thời gian này thì giá khá rẻ, chỉ 20.000đ – 30.000đ/ kg. Vào những mùa khác trong năm, du khách vẫn có thể mua được sấu tươi làm quà đặc sản Hà Nội, nhưng chủ yếu chỉ mua được ở chợ Đồng Xuân và giá thì đắt gấp 4, gấp 5 do trái mùa. Chợ Đồng Xuân cũng là địa chỉ ăn đặc sản Hà Nội bạn nên ghi nhớ khi tham quan thủ đô.

3, Đặc sản Hà Nội: Bánh tôm hồ Tây

Empty

Bánh tôm từ lâu đã được xem là món ăn không nên bỏ qua khi đến du lịch Hà Nội. Đặc biệt, ở Hà Nội có một điểm bán bánh tôm ngon và nổi tiếng đến mức chương trình Destination (điểm đến) của CNN đã không thể bỏ qua. Đó là hàng bánh tôm Hồ Tây. Món bánh tôm Hồ Tây này có gì đặc biệt và trở nên lung linh ra sao khi lên sóng CNN, chúng ta cùng theo dõi ngay sau đây bạn nhé!

Nhà hàng Bánh tôm Hồ Tây hoạt động từ năm 1956 là quán bánh tôm nổi tiếng nhất được lưu truyền đến ngày nay và lưu giữ nét lịch sử của ẩm thực Hà Nội độc đáo.

Nguyên liệu làm món bánh tôm không quá cầu kỳ. Tôm nước ngọt bắt từ Hồ Tây, bột, trứng. Thay vì nghiền tôm thành bột nhão như chả cá thì món bánh tôm này sử dụng tôm nguyên con. Tôm được nhúng vào bột có pha thêm trứng và cho vào chảo rán ngập dầu cho đến khi chín vàng đều. Bánh tôm sau khi rán xong sẽ rất thơm, vàng đẹp và giòn rụm.

Bánh tôm thường ăn kèm với rau xà lách, rau thơm cùng một bát nước mắm chua ngọt. Tất nhiên cũng không thể thiếu một tí ớt cay cay, một chút dưa góp ngâm giấm giúp món ăn ngon hơn và vừa miệng hơn rất nhiều.

Ngày nay, món bánh tôm Hà Nội mặc dù đã được cập nhật phổ biến trong các nhà hàng sang trọng, thế nhưng bánh tôm Hồ Tây vẫn là điểm đến nổi tiếng mỗi khi ai đó muốn thưởng thức một thứ đặc sản Hà Nội.

Địa chỉ ăn đặc sản Hà Nội này: Số 1 đường Thanh Niên, Trúc Bạch, Quận Ba Đình.

4, Đặc sản Hà Nội: Bún chả

Empty

Bún chả Hà Nội chẳng biết có từ bao giờ, nhưng nó đã trở thành nét ẩm thực đặc trưng, là đặc sản Hà Nội. Không khó khăn gì khi đến Hà Nội, từ mọi ngõ ngách gốc phố, bạn đều ngửi thấy mùi của thịt chả nướng thơm lừng trên bếp than hồng.

Một phần đầy đủ của bún chả phải gồm bún, chả thịt nướng, nước chấm và rau ăn kèm. Trong đó, nước chấm là sự quyết định độ chất lượng cho món bún chả. Nước chấm chung quy là sự tổng hợp của các hương vị như chua, cay, mặn, ngọt do những nguyên liệu đi kèm như giấm, mắm, đường, ớt, tỏi tạo thành.

Bún chả Hà Nội có nét khá giống với bún thịt nướng của người miền trung. Nhưng điểm khác biệt chính là ở khâu chế biến cực kì công phu. Tìm mua những nguyên liệu chế biến món bún chả cũng đơn giản, không đâu xa, ở ngay ngoài chợ là bạn cũng có thể mua được những thứ cần tìm.

Nhìn chung quy thì bún chả chẳng có gì đặc biệt. Bởi vì không đặc biệt mà khi thưởng thức từng nguyên liệu kết hợp với nhau, bún chả lại tạo nên dấu ấn khó thể phai mờ được.

Bạn có thể gặp bất cứ trên con phố nào ở Hà Nội một hàng bún chả. Ăn bún chả phải vỉa hè mới ngon. Tuy nhiên, có những hàng bún chả cũng đã trở thành cái tên gắn liền với ẩm thực Hà Nội:

Bún chả Hàng Than: 34 Hàng Than, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Bún chả kẹp tre: Ngã tư phố Nguyễn Du giao với Bà Triệu, Hai Bà Trưng Hà Nội.

Bún chả Sinh Tử: 57 Nguyễn Khuyến, quận Đống Đa, Hà Nội

Bún chả Đắc Kim: Hàng Mành, Hoàn Kiếm, Hà Nội

5, Đặc sản Hà Nội: Ô Mai

Empty

"Gu" ẩm thực của người Hà Nội vốn được tiếng là thanh lịch, tinh tế. Người Hà Nội không chuộng những thứ vị sắc ngọt quá, chua quá hay cay quá. Vậy nên ô mai, thứ dung hòa cả ba vị đối lập kia lại dễ chiếm được cảm tình kể cả với những người khó tính nhất. Ô mai ăn quanh năm đều thú vị, nhưng những ngày giáp Tết thì người dân tìm mua lại càng nhiều hơn. 

Ô Mai cũng là đặc sản Hà Nội thường được mua để làm quà cho người đi xa hoặc khách đến thủ đô chơi.

Hà Nội có rất nhiều hàng ô mai nổi tiếng: Ô Mai Hồng Lam, Ô Mai Vạn Lợi, Ô mai Gia Lợi, Ô mai Tiến Thịnh... Địa chỉ ăn đặc sản Hà Nội này là bạn hãy lên phố Hàng Đường, bạn sẽ gặp tất cả các hàng ô mai truyền thống của Hà Nội ở đây. Riêng Vạn Lợi, bạn có thể qua 24 hàng Da.

6, Đặc sản Hà Nội: Trà sen Tây Hồ

Empty

Hà Nội từ lâu đã nổi tiếng với nền ẩm thực tinh tế, thanh nhã và phong phú. Trong các loại thức uống được yêu thích của Hà Nội thì trà sen Tây Hồ được đánh giá là một trong những thức uống đầy tinh túy.

Sen Tây Hồ có những nét khác với hoa sen của những vùng đất khác. Hoa sen ở đây có nhiều cánh xếp vào nhau, phần nhụy có màu vàng đậm, cánh hoa hồng phớt ở phần cuống và đậm dần lên. Thêm nữa, mùi hương của sen Tây Hồ rất đặc sắc. Hoa sen nơi này có mùi thơm ngào ngạt, thơm lâu và đượm. Chính vì thế, đầm sen Tây Hồ đã thu hút không chỉ những người dân địa phương mà cả khách du lịch nhiều nơi đến thưởng ngoạn.

Khác với đặc sản chè Tân Cương Thái Nguyên, trà Lâm Đồng, trà sen Tây Hồ mang hương vị rất riêng. Để làm ra món trà sen Tây Hồ, người làm cũng cần bỏ ra rất nhiều công phu.

Đầu tiên là công đoạn hái sen. Người làm không hái hoa sen khi trên mặt hồ đang nhộn nhịp mà thường chọn những thời khắc vắng vẻ, yên tĩnh nhất. Đó là lúc sáng sớm hay chiều tối. Có lẽ để làm ra được món trà sen tinh khiết thì lòng người đi hái sen cũng cần tĩnh lặng. Những người làm trà sen thường chèo những con thuyền nhỏ ra giữa đầm, để tìm những bông sen đang độ đẹp tròn trịa nhất.

Tiếp đó, người làm sẽ cho những cánh chè đã được sao kỹ vào trong từng cánh sen hồng, để sen ấp ủ chè và hương sen thấm đượm qua từng búp chè nhỏ. Sau một đêm, người làm mới hái những đóa sen ngậm chè ấy về. Có nhiều nghệ nhân làm trà sen Tây Hồ lại hái sen về, tách nhị hoa ra khỏi bông rồi dùng nhị để ướp trà.

Mỗi kg chè cần tới 2 lạng nhị sen để ướp. Ướp xong người làm đem sấy khô rồi lại ướp tiếp, cứ như vậy lặp lại 7 lần mới xong. Vì nhị sen chỉ thoang thoảng hương nên công đoạn ướp chè rất quan trọng, không kĩ và không đúng cách thì chè không thể đượm hương sen. Ước tính mỗi kg chè sau 7 lần ướp phải cần tới 1.400 bông sen.

Như thế mới thấy để có được một ly trà sen Tây Hồ phải mất bao nhiêu bông hoa sen đang độ thắm rộ và bao nhiêu công sức của người làm. Không phải cứ vào mùa sen là việc làm trà sen sẽ thuận lợi. Những ngày mưa gió, việc hái sen và ướp trà trở nên khó khăn hơn. Trà dùng để ướp sen cũng phải là trà ngon. Chỉ cần trà không ngon một chút hay trong lúc ướp sen bị sai lệch một công đoạn thôi, món trà sen cũng hỏng.

Xung quanh Tây Hồ có một số cơ sở sản xuất trà sen Tây Hồ, du khách có thể mua được đặc sản trà sen tại những nơi này. Mức giá rất đa dạng tùy vào từng loại trà sen, từ vài chục nghìn đến hơn 1 triệu đồng 1 lạng.

7, Đặc sản Hà Nội: Phở Hà Nội

Empty

Có một món ăn mà bất cứ ai cũng phải thử ít nhất một lần khi đến với vùng đất kinh kỳ này đó là món phở Hà Nội. Đặc trưng của phở Hà Nội là nước dùng được hầm từ xương bò với thời gian lên tới hàng chục giờ cho xương thôi hết chất ngọt và béo của tủy, làm cho nước dùng có vị ngọt thanh mát. Người ta cho thêm hồi, quế, thảo quả, đinh hương, hạt mùi và nhiều hương vị bí truyền để tạo nên một tô phở của riêng quán!

Bánh phở được làm từ bột gạo tráng mỏng rồi xén thành sợi, bánh phải mềm, dai. Việc làm bánh phở cũng là cần phải có những bí quyết riêng của từng gia đình, thường thì nó được truyền từ đời này sang đời khác và ít được lưu truyền ra ngoài.

Được ưa chuộng hơn cả là món phở bò, những miếng bò tái mềm ngọt, những miếng gầu béo ngậy giòn tan ngay đầu lưỡi. Người ta sử dụng các loại gia vị tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt… khi ăn phở. Gia vị này được cho theo sở thích, khẩu vị từng người. Nhiều người ăn kèm thêm rau húng, cho tăng thêm hương vị. Phở thường được dùng làm món điểm tâm hoặc có thể ăn đêm.

Để có món phở ngon, ngoài việc chọn nguyên liệu tốt, kĩ và nghiêm ngặt, những gia đình làm phở thường có những bí quyết riêng làm nên tô phở khác biệt.

Phở được xếp vào món đặc sản không thể bỏ qua khi đến Việt Nam, dần dần, Phở trở thành nét đặc trung của ẩm thực Việt Nam, không riêng gì Hà Nội, Phở góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam mạnh mẽ hơn với cộng đồng thế giới.

Các địa chỉ ăn đặc sản Hà Nội nổi tiếng này:

Phở Bát Đàn gia truyền: 49 Bát Đàn, quận Hoàn Kiếm.

Phở Sướng Nguyên Hồng: 1/26 Nguyên Hồng, quận Đống Đa

Phở số 10 Lý Quốc Sư: Số 10 Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm,

Phở Vui: Số 25, Hàng Giầy, quận Hoàn Kiếm

Phở Thìn: Số 13 Lò Đúc, quận Hai Bà Trưng

Phở Nhớ: Số 27A, Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa

Phở Cồ: Số 455 Hoàng Quốc Việt, quận Cầu Giấy

Phở bò Thanh Hà: Số 238, Lạc Trung, quận Hai Bà Trưng

Bài liên quan