Những đặc sản Nghệ An dân dã, nổi tiếng mà hễ cứ nhắc đến là thèm

Thứ tư, 04/10/2017, 09:41 AM

Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn... là những đặc sản Nghệ An nổi tiếng.

Nhút Thanh Chương

Hẳn là với nhiều người, mít xanh chính là thứ quả gắn liền với tuổi thơ. Những quả mít non được hái xuống, rồi đem luộc, chấm với muối ớt, mặn chát, nghẹn trong cổ họng mà bao đứa trẻ vẫn khao khát và thích thú. Còn với người Thanh Chương xứ Nghệ, việc chế biến mít xanh thành món ăn như dưa muối lại là nghệ thuật vô cùng độc đáo.

anh1

Vật liệu làm nhút gồm mít xanh và muối trắng không i-ốt. Nhút có thể chấm nước mắm, làm nộm, xào. Với các món này, có một thứ rau thơm không thể thiếu được là lá kinh giới. Nhút chua nấu canh cá ăn có vị chua bùi và rất thơm. Thanh Chương còn một loại nhút khác, đó là lấy xơ mít mật (mít bở) chín, đồ nhuyễn với muối, gói vào mo cau tươi ủ ít ngày, thái nhát mỏng ăn có thêm vị ngọt và hương mít chín. Có thể chế biến thành các món như loại nhút làm từ mít xanh.

Bánh mướt diễn Châu

anh2

Bánh mướt Diễn Châu có truyền thống từ hàng trăm năm nay, qua nhiều giai đoạn, bánh mướt Diễn Châu truyền đi khắp nơi và đã có nhiều thay đổi về cách làm, hình dáng. Tuy Nhiên nó vẫn giữ được đặc trưng có bánh mướt Diễn Châu trong hương vị và cách ăn có một không hai ở xứ Nghệ khi ăn kèm với giò Đô Lương, đây là loại giò làm ăn trong ngày, không có hàn the nên nhiều người tin dùng.

Tương Nam Đàn

Tương là một trong những sản phẩm truyền thống của người dân Nam Đàn, được làm nên bởi những nguyên liệu gần gũi, thân thiết với cuộc sống hàng ngày nhu đậu nành, nếp hoặc ngô, muối và nước. Tương Nam Đàn lại có đủ hai loại: Mặn và ngọt. Tương mặn dùng để ăn hàng ngày, còn tương ngọt làm vào những chĩnh nhỏ chủ yếu để đãi khách và làm quà biếu.

anh3

Để có được chum tương ngon, đòi hỏi ở người làm tương sự kỳ công, tỷ mẩn, bởi nếu vô tình hay cố ý cho thêm một thứ gì vào, chum tương sẽ bị hỏng. Trong một chai tương Nam Đàn có ba tầng khác nhau nếu nhìn từ ngoài vỏ. Tầng trên cùng là đậu hạt mới chỉ được dập vỡ làm đôi. Tầng giữa là nước tương có màu Hổ Phách, còn tầng dưới cùng là mốc tương có màu vàng thẫm. 

Cháo Lươn Vinh

anh4

Cháo lươn Vinh loãng, không đặc như cháo vịt Vân Đình, cháo dê Ninh Bình… Lươn xé dọc sợi, được xào nấu cẩn thận, mặn một tí, cay một tí; và mùi đặc trưng nhất của cháo lươn Vinh được làm nên từ rau răm. Cháo lươn có mặt hầu khắp thành phố. Ngoài ra, ngày nay có cả súp lươn cũng ngon không kém. Cháo lươn, súp lươn có thể ăn với bánh mì, bánh mướt… đều ngon. Vào mùa trời bắt đầu nóng, khách ăn cháo hoặc xúp lươn đừng quên gọi thêm một cốc trà (hoặc chè xanh) đá.

Bánh gai xứ Dừa Anh Sơn

anh5

Là món ăn có từ lâu đời ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An Món này là sự kết hợp giữa lá gai, bột nếp, mật mía, nhân đậu khi ăn vào ngọt dịu, thơm nức.

Bánh lá gói

anh6

Là món ăn vặt được nhiều bạn trẻ “nghiền”, vì có hương vị thơm của nước mắm cốt, sự dẻo dai của bột gạo hoặc bột nếp.

Cháo canh

anh7

Món ăn được kết hợp từ bột mì và trứng chim cút, vị cay và thơm nồng, cộng với giò Nghi Phú. Nhiều người cứ tưởng, cháo canh là món kết hợp giữa cháo và canh, đến khi tận mắt chứng kiến và thưởng thức mới thốt lên “ngon”.

Cá mát sông Giăng

anh8

Cá mát không phải là giống cá lớn, thường chỉ bằng hai hoặc ba ngón tay người lớn, con “bự” cũng chỉ chừng 0,5 đến 0,8 kg. Hàng năm, tháng 8 âm lịch là vào mùa cá mát. Thịt cá mát rất lành, bổ, thơm ngon, hơi có vị đắng vì khi chế biến không vứt bỏ ruột (ruột cá rất sạch vì chủ yếu ăn thức ăn thực vật), mỡ béo ít xương và ngon nhất là phần đầu (không như các loại cá khác, đầu cá mát rất mềm, giòn). Cá mát có thể kho, rán, nướng… Dù chế biến theo kiểu nào thì thịt cũng rất bùi, rất thơm.

Bánh đa Đô Lương

anh9

Bánh đa được làm từ bột gạo, tiêu, tỏi và các gia vị khác. Nguyên liệu tuy đơn giản, dễ kiếm nhưng để có một chiếc bánh ngon đòi hỏi rất nhiều công phu. Bánh đa là thứ bánh dân dã, dễ ăn kèm với các món khác hoặc ăn riêng cũng được. Món “bún giá cá ruốc” sẽ ngon hơn nhờ một miếng bánh đa, bỏ lên ít bún, thêm ít giá sống và cùng một mẩu nhỏ cá hấp, rồi chấm vào bát ruốc (mắm tôm) đã dầm ớt vắt chanh. Vị cay nồng hòa cùng vị ngọt bùi thêm một ít vị chua, khi ăn mồ hôi túa ra, thật sảng khoái!

Chịn xồm - món thịt chua của người Thái

anh10

Món này làm từ thịt trâu, thịt lợn, thịt bò, đôi khi là thú rừng, chỉ lấy thịt nạc. Chịn xồm mang thái miếng, kẹp rau thơm rừng chấm muối ớt (hoặc nước mắm ớt), ăn có mùi vị chua, béo và bùi, rất tinh khiết, thanh nhã.

Măng đắng

anh11

Măng đắng có thể chế biến theo nhiều cách: xào mẻ, hầm (hoặc nấu canh) xương, luộc và nhất là với những người sành món này thì thường phải nướng; măng nướng thơm bùi chấm muối – thứ muối tinh được nghiền kỹ với trái ớt hái từ trong các cánh rừng. Món này mới ăn lần đầu cảm giác đắng không chịu được, nhưng càng nhai kĩ, vị đắng sẽ mất dần, thay vào đó, nếu nhẩn nha nhai là vị thoang thoảng ngọt, nhè nhẹ cay, rất lạ. Măng đắng có hầu như quanh năm, nhưng nhiều nhất là mùa mưa.

Khoai xéo

anh12

Món này có từ bao đời, người dân xứ Nghệ trước đây vốn nghèo khó thường ăn khoai nên mới chế ra món khoai xéo, kết hợp với vừng đen, lạc nấu trong nhiều giờ, thời nay họ bỏ thêm đường khi ăn khoai xéo có vị ngọt, thơm và bùi bùi. 

Cam xã Đoài

Phải nói rằng hiếm có loại trái cây nào đặc biệt như cam xã Đoài. Cam xã Đoài có vị ngọt dịu, thơm, ăn xong trên môi còn dính chút mật như mật ong, quyến rũ được bất cứ người nào từng may mắn được thưởng thức. Cam trồng ở một vùng diện tích rất nhỏ thuộc xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An.

anh13

Cam Xã Đoài chín vào khoảng tháng 11, 12 hàng năm. Cứ đến độ giáp tết, các chủ vườn lại tới tấp nhận điện thoại đặt mua cam. Giá cam bán theo quả, người mua đến tận vườn hái mà vẫn không đủ bán, có những quả sót lại chỉ nhỉnh hơn quả chanh, khách vẫn giành nhau mua.

Bánh ngào

anh14

Bánh ngào hay còn gọi là bánh mật là thứ đặc sản dân dã của người dân xứ Nghệ. Xắn một miếng bánh vàng óng đưa vào miệng, vị ngọt ngào của mật mía, dẻo của nếp và thơm thơm mùi gừng sẽ hấp dẫn bạn ngay từ lần thử đầu tiên.

Mực nhảy nướng

anh15

Mực nhảy nướng là món ăn thú vị hơn cả trong tất cả các món ngon được chế biến từ mực. Món này là thứ đặc sản dùng để ăn chơi sau ngày dài thăm thú, tắm biển Cửa Lò. Đầu bếp phải khéo léo chọn loại mực tươi còn nhảy tanh tách, rồi khứa vài đường nướng ngay trên bếp lửa, ăn vừa ngọt vừa thơm.

Giò bê Nam Đàn

anh16

Loại giò này được làm theo kiểu dăm bông, có vị thơm, ngọt rất đặc trưng của thịt bê không lẫn đi đâu được. Vài năm trở lại đây, giò bê Nam Đàn trở thành món quà biếu, món ăn trong ngày Tết phổ biến ở khắp các tỉnh thành Việt Nam. Giá mỗi kg giò bê không quá đắt lại mang đến cảm giác lạ miệng, chấm cùng tương ớt rồi nhâm nhi bên ly rượu, cốc bia vừa khoái khẩu vừa hợp lạ lùng.