Những quy định làm khổ nước mắm truyền thống trong dự thảo tiêu chuẩn nước mắm

Chủ nhật, 17/03/2019, 05:05 AM

Chuyện buồn cười và rất khổ mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập khi nói về đề xuất quy định mất bằng lái xe và dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm đúng hơn là chuyện đáng chê cười khi đưa quy chuẩn của nước mắm công nghiệp áp cho các loại nước mắm truyền thống.

nhung-quy-dinh-buon-cuoi-va-rat-kho-trong-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam
Chuyện buồn cười và rất khổ mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề cập khi nói về dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm đúng hơn là chuyện đáng chê cười khi đưa quy chuẩn của nước mắm công nghiệp áp cho các loại nước mắm truyền thống. Ảnh minh họa

Tại buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan về triển khai Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 của Chính phủ ngày 14/3, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói: “Chúng ta đưa ra quy chuẩn của nước mắm công nghiệp áp cho tất cả các loại nước mắm truyền thống là rất dở. Các doanh nghiệp, hộ gia đình làm nước mắm truyền thống kêu ầm lên, rất khổ”.

Chuyện buồn cười và rất khổ mà Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đưa ra đúng hơn là chuyện đáng chê cười khi đưa quy chuẩn của nước mắm công nghiệp áp cho tất cả các loại nước mắm truyền thống.

Quy định ‘buồn cười’ trong dự thảo

Nhiều doanh nghiệp, cơ sở nước mắm truyền thống cho rằng, nội dung bản dự thảo gây khó khăn, ép nước mắm truyền thống vào đường cùng.

Cụ thể, dù là tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất, nhưng dự thảo chỉ phân thành 2 loại: nước mắm nguyên chất và nước mắm chung chung. Trong khi trên thị trường đang tồn tại 2 loại sản phẩm: nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp (nước chấm).

nhung-quy-dinh-buon-cuoi-va-rat-kho-trong-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam
Quy định  kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của nước mắm là một trong điểm "buồn cười" của dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm. 

Dự thảo có hơn 50 nội dung quy định hoặc từ ngữ chưa sát, chưa phù hợp với thực tế sản xuất nước mắm. Ví dụ như yêu cầu kiểm soát các loại thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của nước mắm, trong khi nguyên liệu làm nước mắm chủ yếu là cá biển chứ không phải cá nước ngọt (cá nuôi)...

Còn nguồn nguyên liệu sản xuất nước mắm từ cá nước ngọt của một số nơi chủ yếu được lấy từ phụ phẩm của cá tra, việc kiểm soát các chỉ tiêu trên cũng không cần thiết, bởi phụ phẩm của cá tra khi sử dụng làm hàng xuất khẩu đã được kiểm soát bởi các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Dự thảo còn bắt buộc về việc chọn cá nước ngọt làm nước mắm cũng không hợp lý. Trước đây, thời cá linh còn đổ nhiều về sông Tiền, sông Hậu vào mùa lũ, thỉnh thoảng có người đem ủ muối rồi tự nấu thành nước mắm cho gia đình ăn.

Hiện tại, giá mỗi ký cá linh vài trăm ngàn đồng, các loại cá nước ngọt phổ biến khác ít nhất cũng xấp xỉ 100 ngàn đồng/kg, không ai dám sử dụng làm nguyên liệu sản xuất nước mắm vì giá thành cao ngất ngưởng. Trong khi cá cơm giá khoảng trên dưới 20 ngàn đồng/ký đã đủ làm nhà thùng lao đao rồi!

Về nhận diện histamin, Hội Nước mắm Phú Quốc cho rằng, nội dung này là thừa, gây khó đối với các cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống. Với tiêu chuẩn histamin trong dự thảo, chỉ có nước mắm công nghiệp mới đáp ứng được, vì là loại nước mắm pha loãng. Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới sản xuất nước mắm cao đạm (30 - 43 độ đạm), nên nước mắm truyền thống bị tiêu chuẩn này gây khó khăn trong việc xuất khẩu lâu nay.

Nhiều doanh nghiệp sản xuất nước mắm truyền thống đề nghị bỏ xây dựng dự thảo. Những nội dung trên trong dự thảo nếu được ban hành, sẽ khiến các nhà sản xuất nước mắm truyền thống tốn thêm chi phí, thời gian để kiểm các chỉ tiêu không hề gây mất an toàn thực phẩm. Hơn nữa, điều kiện sản xuất quy định trong quy trình này cũng không phù hợp với hiện trạng sản xuất nước mắm của các doanh nghiệp.

Nội dung dự thảo thay đổi khi Masan tham gia

Trước đó trao đổi với báo chí, ông Lê Trần Phú Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nước mắm Phan Thiết, thành viên tham gia xây dựng dự thảo "Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sản phẩm thủy sản - nước mắm” cho biết: Tôi là một trong 10 thành viên được Bộ NN&PTNT ký quyết định thay mặt Hiệp hội Nước mắm Phan Thiết tham gia xây dựng dự thảo. Đã có nhiều cuộc họp giữa các thành viên và có kết quả khá tốt.

nhung-quy-dinh-buon-cuoi-va-rat-kho-trong-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam

Bước đầu dự thảo cũng tạm thời được xây dựng, trong đó phác thảo rất minh bạch và rõ ràng cho nước mắm truyền thống và công nghiệp. Dự thảo này sau đó dự kiến sẽ được ban hành. Tuy nhiên, khoảng tháng 7-2018, không hiểu vì lý do gì mà bất ngờ có thông báo hủy toàn bộ dự thảo trên.

“Thông báo trên cũng yêu cầu nâng số thành viên từ 10 lên 12 người và có thành viên của Masan tham gia. Đúng là tôi phải bay ra Hà Nội để tham gia và xây dựng dự thảo lại. Tuy nhiên, lần họp đầu tiên khi tôi vừa xuống sân bay đã nhận tin nhắn phải hoãn vì chưa đủ thành phần. Sau đó tôi lại được mời lần nữa và lần này có đại diện Masan là một luật sư tham gia mà tôi không nhớ tên” ông Đức kể.

Cũng theo ông Đức, trong cuộc họp ấy, nhiều nội dung hoàn toàn được thay đổi so với cuộc họp tôi tham gia trước đó. Đặc biệt khi ban hành dự thảo lần đầu, nội dung không giống với những gì đã bàn luận trước đó.

Cụ thể, họp bàn một đằng nhưng thông báo bằng văn bản một nẻo, có rất nhiều nội dung làm khó cho nước mắm truyền thống.

“Tức quá, tôi đã gửi email kịch liệt phản đối những nội dung trong dự thảo. Tôi khẳng định không chấp nhận làm việc kiểu này vì nhiều nội dung trong văn bản thông báo không hề được đưa ra trong cuộc họp bàn bạc, xây dựng.

Sau khi tôi gửi email phản đối, đến sau này tôi không nhận được bất cứ giấy mời nào để tiếp tục tham gia góp ý cho dự thảo, dù tôi là thành viên tham gia từ đầu có quyết định hẳn hoi”, ông Đức kể.

nhung-quy-dinh-buon-cuoi-va-rat-kho-trong-du-thao-tieu-chuan-nuoc-mam
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN-PTNT

Trao đổi với Pháp Luật TP HCM về việc đại diện Masan vào ban xây dựng dự thảo, ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, Bộ NN-PTNT, cho biết:

"Đây là dự thảo đương nhiên phải sửa đổi, cập nhật. Việc xây dựng dự thảo các bên đều tham gia góp ý, mục tiêu là để quy tụ được đầy đủ các thành phần quan trọng. Ba hiệp hội tham gia ban soạn thảo là ba hiệp hội lớn, là đại diện của nhiều doanh nghiệp lớn.

Ví dụ như Hiệp hội nước mắm Phú Quốc có doanh nghiệp sản xuất nước mắm lớn là Công ty Khải Hoàn cũng tham gia; Công ty nước mắm Nha Trang cũng tham gia. Vậy thì khi Công ty Masan đề nghị được tham gia cũng là thỏa đáng thôi", ông Nguyễn Như Tiệp nói.

Về ý kiến nội dung dự thảo bị thay đổi kể từ khi Công ty Masan tham gia ban soạn thảo, ông Tiệp khẳng định: "Nội dung không phải thay đổi mà dự thảo đó có nhiều ý kiến chưa thống nhất được nên phải có thêm một đề tài nghiên cứu khoa học. Nhiều nội dung có quan điểm khác nhau, cần phải có cơ sở khoa học nghiên cứu thêm, khi có kết quả thì các bên mới ngồi lại với nhau rồi thảo luận, thống nhất quan điểm.

Tôi chưa nói là phân loại nước mắm theo truyền thống/công nghiệp hay nguyên chất/nước mắm. Cái đó phải có cơ sở khoa học mới quyết định được. Quan trọng nhất là phải có cơ sở khoa học, phải có sự đối thoại giữa đầy đủ các bên".

 

Tin tức kinh tế trong tuần: Nóng dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước mắm

Nguyên Tổng Giám đốc PVEP bị truy tố, tranh cãi xung quanh dự thảo tiêu chuẩn sản xuất nước.... là những tin tức kinh tế gây "bão" dư luận tuần qua.

 

Chồng đại gia Tư Hường tố bị chiếm đoạt 30.000 tỉ đồng: Nam A Bank nói gì?

Ngân hàng Nam Á buộc phải lên tiếng sau khi ông Nguyễn Chấn -chồng nữ đại gia Tư Hường người sáng lập Nam A Bank tố bị chiếm giữ hết tài sản, ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng.

 

Có nên bỏ phí bảo trì chung cư?

Mới đây, Sở Xây dựng TPHCM đề xuất bỏ 2% phí bảo trì để tránh tranh chấp sau những xung đột xảy ra trong thời gian qua thu hút sự quan tâm của dư luận.