Những tập đoàn khổng lồ nào sắp vào Việt Nam?

Thứ sáu, 29/05/2020, 16:12 PM

Trong bối cảnh làn sóng chuyển dịch đầu tư đang diễn ra do dịch Covid-19 và cuộc chiến thương mại Mỹ- Trung, nhiều tập đoàn, công ty lớn thế giới Pegatron, Amazon và Home Depot đang cân nhắc tới Việt Nam.

apple-may-select-vietnam-to-build-facilities-to-avoid-the-us-tariff

Làn sóng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài đang mạnh mẽ sau dịch Covid-19. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn khi là một trong số rất ít quốc gia kiểm soát tốt dịch Covid-19. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý thành lập tổ công tác đặc biệt đón các tập đoàn lớn của thế giới đến Việt Nam. 

Các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot đang bắt đầu tuyển dụng và tìm kiếm một điểm "yên tâm" hơn cho chuỗi cung ứng của họ nhằm giảm thiểu những tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Và Việt Nam là một trong những lựa chọn sáng giá bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thailand hay Malaysia.

Hai gã khổng lồ công nghệ khác là Google và Microsoft cũng đang di chuyển các cơ sở sản xuất các thiết bị như điện thoại, máy tính từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Thái Lan.

Nikkei Asian Review cho hay, Google đang chuẩn bị sản xuất dòng điện thoại thông minh giá rẻ mới nhất - Pixel 4A, với các đối tác ở miền Bắc Việt Nam. Google cũng định triển khai sản xuất Pixel 5 trong nửa cuối năm 2020 tại Việt Nam. Microsoft dự kiến bắt đầu sản xuất laptop và máy tính để bàn tại các nhà máy ở miền Bắc Việt Nam trong vài tháng nữa. 

Trong khi đó, từ cuối tháng Hai, Apple liên tục tuyển dụng nhân sự tại Hà Nội, TP.HCM, dấy lên khả năng hãng này sẽ mở nhà máy tại Việt Nam. Apple tuyển kỹ sư, quản lý ở nhiều bộ phận như phần mềm, chất lượng màn hình, vận hành, phát triển sản phẩm ở Hà Nội, TP.HCM. Động thái trên diễn ra khi Apple đđang đẩy nhanh kế hoạch chuyển đổi sản xuất ra ngoài Trung Quốc.

Wistron Corp, một đối tác của Apple, cho biết tới năm 2021, một nửa công suất của họ có thể nằm bên ngoài Trung Quốc. Wistron dành tới 1 tỷ USD để triển khai kế hoạch này và đang cân nhắc Ấn Độ, Việt Nam và Mexico. Nhiều đối tác lắp ráp chính của Apple cũng tuyên bố đang chuẩn bị chuyển một số sang Việt Nam.

GoerTek - một đối tác sản xuất khác của Apple tại Trung Quốc sẽ thử nghiệm chuyển quy trình sản xuất Airpod thế hệ mới nhất sang một nhà máy âm thanh của hãng ở khu công nghiệp Quế Võ (Bắc Ninh).

Bên cạnh đó, Pegatron Corp cũng cho biết sẽ bắt đầu hoạt động sản xuất tại Việt Nam vào năm 2021. Trước đó công ty này đã thành lập nhà máy mới tại Indonesia.

Samsung, Intel, LG, Canon cũng dự định mở rộng sản xuất tại Việt Nam.

Trong cơ hội này, Dân trí dẫn nhận định của tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng Việt Nam đang có nhiều ưu thế trong việc thu hút nguồn vốn FDI như nguồn kinh tế vĩ mô ổn định, điều kiện địa lý cũng có nhiều điểm sáng… Tuy nhiên, cần khắc phục nhiều yếu tố khác để cạnh tranh với các quốc gia láng giềng.

Theo ông, Việt Nam cần phải giải quyết được 3 vấn đề lớn:

Thứ nhất, cải cách công tác quản lý và minh bạch đối với các nhà đầu tư. "Ngay cả báo cáo của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam VCCI về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho biết khoảng 54% DN Việt Nam vẫn phải chi trả ngoài pháp luật để bôi trơn. Việt Nam cần triệt để loại bỏ những vấn đề này để tạo môi trường đầu tư trong sạch, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp FDI", ông Doang nhấn mạnh.

Thứ hai, nâng cấp cơ sở hạ tầng, giao thông, vận tải. Hạ tầng đường bộ chưa đồng bộ, chi phí cho giao thông đường bộ nói riêng và chi phí logistics còn cao…

Thứ ba, nâng cao trình độ lao động. Trình độ chuyên môn lao động phổ thông còn thấp, thiếu những lao động tiếp cận với nền kinh tế số, thương mại điện tử. Điều này đòi hỏi phải thay đổi hệ thống giáo dục - đào tạo, dựa theo đó người lao động có thể tiếp tục học tập suốt đời, cập nhật kiến thức nhanh chóng đáp ứng yêu cầu của công việc.