Những tỉnh thành nào đã mua loại máy xét nghiệm Covid đang gây lùm xùm

Thứ hai, 27/04/2020, 09:57 AM

Lùm xùm về việc mua máy xét nghiệm Covid-19 bắt đầu sau khi Giám đốc CDC Hà Nội cùng 6 đồng phạm bị bắt. Đến nay hàng loạt địa phương xin giảm giá, đi mượn, trong khi có địa phương mua máy với giá rẻ bất ngờ.

Máy xét nghiệm Covid-19 được các nhà hảo tâm tặng cho Sở Y tế Gia Lai vào ngày 10/4. (Ảnh: Cổng thông tin Sở Y tế Gia Lai).

Máy xét nghiệm Covid-19 được các nhà hảo tâm tặng cho Sở Y tế Gia Lai vào ngày 10/4. (Ảnh: Cổng thông tin Sở Y tế Gia Lai).

Lùm xùm mua máy xét nghiệm Covid-19, Real-time PCR đang trở thành tâm điểm chú ý của đông đảo người dân.

Từ khi Bộ Công an khởi tố ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội (CDC Hà Nội) cùng 6 bị can với cáo buộc câu kết, gian lận, thông đồng nâng khống giá mua Hệ thống Real-time PCR tự động xét nghiệm Covid-19, hôm 22/4, thì đến nay nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt cho thanh, kiểm tra công tác mua máy xét nghiệm.

Những sự việc mua máy sau đó đàm phán giảm giá xảy ra tại Quảng Ninh, Thái Bình, hay mượn máy tại Hải Phòng... Hay việc một số địa phương, doanh nghiệp mua máy với giá đắt rẻ, khác nhau đang có nhiều diễn biến sôi động đáng chú ý.

Cường Đô La tặng máy xét nghiệm Covid-19 với giá 2 tỷ đồng cho Gia Lai

Trong khi hàng loạt tỉnh, thành phải bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua máy xét nghiệm Covid-19 thì vừa qua thông tin doanh nhân Quốc Cường (Cường Đô La) tặng máy xét nghiệm cho Gia Lai với giá 2 tỷ đồng thực sự khiến nhiều người xôn xao.

Điều đáng nói, theo thông tin báo chí đăng tải thì máy Real-time PCR mà Cường Đô La trao tặng ngành Y tế Gia Lai có xuất xứ từ Singapore, loại tương tự với hệ thống mà CDC Hà Nội đã mua nhưng chỉ với giá 2 tỷ đồng (CDC Hà Nội đã mua với giá hơn 7 tỷ đồng).

Tập Đoàn Dabaco Việt Nam tặng máy xét nghiệm Covid-19 cho Bắc Ninh giá 2,56 tỷ đồng

Tương tự, trên website của Tập Đoàn Dabaco Việt Nam: Ngày 1/4, ông Nguyễn Như So- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn đã trao tặng Hệ thống máy xét nghiệm Covid-19 trị giá 2 tỷ 560 triệu đồng và 1000 bộ kit test phát hiện Covid-19 trị giá 800 triệu đồng, cho Trung tâm kiểm soát bênh tật tỉnh Bắc Ninh.

Tập đoàn Dabaco tặng máy xét nghiệm Covid-19 giá 2,56 tỷ đồng cho tỉnh Bắc Ninh.

Tập đoàn Dabaco tặng máy xét nghiệm Covid-19 giá 2,56 tỷ đồng cho tỉnh Bắc Ninh.

Máy xét nghiệm sinh học phân tử chẩn đoán bệnh truyền nhiễm và Covid-19 bằng kỹ thuật DNA Realtime RT-PCR sẽ giúp tỉnh Bắc Ninh giảm thời gian sàng lọc, kiểm soát các ca mắc bệnh, tránh lây lan trong cộng đồng.

Ước tính mỗi ngày Trung tâm Kiểm Soát Bênh Tật tỉnh Bắc Ninh sẽ thực hiện xét nghiệm được 800-1000 mẫu bệnh phẩm/ngày.

Đáng chú ý, trong khi doanh nghiệp tặng máy xét nghiệm Covid-19 có giá 2,56 tỷ đồng thì báo chí phản ánh, tỉnh Bắc Ninh lại mua một chiếc máy xét nghiệm có giá 5,9 tỷ đồng.

Báo Tiền Phong cho biết: Việc mua bán được ký kết ngày 25/10/2019. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Ninh ký kết hợp đồng mua hệ thống Real-time PCR tự động hoàn toàn của Công ty TNHH thiết bị y tế và khoa học Tâm Việt (phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Đây là một trong những hạng mục thuộc dự án mua sắm trang thiết bị y tế năm 2019 của ngành y tế tỉnh này.

Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Bắc Ninh mua hệ thống Real-time PCR tự động với giá hơn 5,9 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 60 ngày kể từ ngày hợp đồng có hiệu lực (hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký kết). Hệ thống Realtime PCR có xuất xứ từ Thụy Sỹ do hãng Roche sản xuất.

Hệ thống Real-time PCR tự động bao gồm: Một máy tách chiết DNA/RNA tự động kèm đầy đủ phụ kiện tiêu chuẩn; một máy realtime PCR tự động kèm đầy đủ phụ kiện tiêu chuẩn; máy tính nguyên bộ và phần mền chuyên dụng kèm theo (1 bộ); một máy in phun màu; bộ lưu điện UPS online; bộ hóa chất và vật tư tiêu hao thử nghiệm ban đầu; tài liệu hướng dẫn sử dung, bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa.

Bắc Giang dừng mua máy xét nghiệm Covid-19 để kiểm tra giá

Theo thông tin từ Công ty TNHH thiết bị y tế Phương Đông, đơn vị cung cấp máy xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hà Nội và là đơn vị được nhắc trong công văn mượn máy ở Hải Phòng, vừa qua đơn vị này đã đã lắp đặt và triển khai hệ thống xét nghiệm Covid-19 cho nhiều bệnh viện lớn trên cả nước. Trong đó có, Bệnh viện Phổi TƯ, Nhi TƯ, Đa khoa Bắc Giang, CDC Quảng Ninh, CDC Hà Nội.

Theo báo chí, UBND tỉnh Bắc Giang cho tạm dừng việc này để rà soát giá thành, sau khi có vụ việc nâng giá mua máy xét nghiệm ở CDC Hà Nội.

Trước đó, cơ quan chức năng tỉnh này có đề xuất mua máy xét nghiệm phục vụ phòng chống dịch. Hiện, tỉnh này xét nghiệm virus SARS–CoV2 bằng máy do Nhật Bản tài trợ từ trước.

Máy xét nghiệm Covid-19 ở Lào Cai là đi xin, đi mượn

Một thông tin liên quan đến máy xét nghiệm Covid-19 cũng gây tò mò không kém đó là việc CDC Lào Cai trả lời máy xét nghiệm Covid-19 ở địa phương này là đi mượn.

Trên VOV.VN, Ông Nguyễn Văn Sửu - Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Lào Cai cho hay: Tính đến thời điểm hiện tại, CDC Lào Cai vẫn chưa mua được máy xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR. Máy đang sử dụng là "đi mượn" là của Công ty Tâm Việt. CDC Lào Cai chỉ phải bỏ tiền ra mua hoá chất sinh phẩm làm xét nghiệm và một số vật tư tiêu hao.

Cũng theo thông tin từ Sở Y tế Lào Cai, từ giữa tháng 3, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Công ty Tâm Việt đã đồng ý cho CDC Lào Cai mượn máy xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật Real-time PCR.

Đây cũng là 1/20 chiếc máy đầu tiên được Bộ Y tế công nhận chất lượng đủ điều kiện, tiêu chuẩn làm xét nghiệm Covid-19.

Ngoài Công ty Tâm Việt, Sở Y tế Lào Cai cũng tiếp nhận theo hình thức "cho mượn" một hệ thống xét nghiệm dùng công nghệ Real-time PCR và máy tách chiết của Công ty An Việt. Nhưng máy này chỉ sử dụng với mục đích sàng lọc mẫu, do chưa được công nhận đạt chuẩn.

Thái Bình - Quảng Ninh mua máy xét nghiệm Covid-19 rồi đàm phám giảm giá?

Theo phản ánh của báo Tuổi Trẻ TP HCM: Thái Bình đã mua hệ thống thiết bị xét nghiệm Real-time PCR hoàn chỉnh, lắp đặt hôm 31/3 và đưa vào sử dụng chính thức từ 1/4, mua qua hình thức chỉ định thầu.

Tuy nhiên, sau khi lắp đặt thiết bị, đến ngày 15/4 Sở Y tế Thái Bình lại có văn bản đề nghị nhà thầu giảm giá thiết bị. Sau khi đàm phán, giá được giảm còn 5,8 tỉ đồng.

6 đối tượng trong vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội.

6 đối tượng trong vụ nâng giá máy xét nghiệm Covid-19 ở CDC Hà Nội.

"Nhưng chúng tôi vẫn chưa chấp nhận, mà yêu cầu nhà thầu cung cấp thêm 1.300 bộ xét nghiệm trị giá 600 triệu đồng, ngoài ra còn quyền lợi bảo hành, bình thường bảo hành 1 năm, nhưng chúng tôi đã đàm phán được bảo hành 5 năm, mà chi phí bảo hành mỗi năm, theo nhà thầu thông tin, là trị giá 5% hợp đồng".

Lãnh đạo Sở Y tế Thái Bình cho biết khi mua thiết bị, tỉnh cũng có hội đồng thẩm định giá, bên cạnh mức giá mà doanh nghiệp được thuê thẩm định đã cung cấp. Đồng thời khẳng định việc đề nghị giảm giá hệ thống thiết bị xét nghiệm Real-time PCR là trước thời điểm xảy ra sự việc ở CDC Hà Nội.

Trước đó, tỉnh Quảng Ninh cũng gây xôn xao khi đàm phám giảm giá máy xét nghiệm Covid-19 từ 8,4 tỷ đồng ban đầu giảm xuống còn 7 tỷ sau đó chỉ còn 5,2 tỷ.

Theo thông tin ban đầu, hợp đồng ban đầu được ký ngày 1/3 giữa Sở Y tế Quảng Ninh và liên danh nhà thầu (Công ty CP Đầu tư xuất nhập khẩu y tế Việt và Công ty CP thiết bị y tế Ánh Sao) là 8,4 tỷ đồng.

Ngày 23/3, Sở Y tế đã ký phụ lục hợp đồng với nhà thầu, giá giảm còn 7 tỉ (giảm 1,4 tỉ). Ngày 19/3, Sở Y tế đã chuyển tạm ứng 4,2 tỉ đồng, nhưng ngày 21/4 nhà thầu đã hoàn trả số tạm ứng này cho Sở Y tế.

Trong khi đó, lãnh đạo Sở Y tế Quảng Ninh cho biết giá hệ thống này hiện chỉ còn 5,2 tỉ, tức đã được giảm tiếp thêm 1,8 tỉ so với phụ lục ngày 23/3.

Hải Phòng phủ nhận thông tin mua máy giá 10 tỷ đồng

Ngày 25/4, Sở Y tế Hải Phòng có báo cáo gửi Bộ Y tế trong đó khẳng định địa phương này chưa thực hiện việc mua sắm hệ thống máy Real-time PCR tự động.

Máy xét nghiệm Covid-19 ở Hải Phòng là đi mượn.

Máy xét nghiệm Covid-19 ở Hải Phòng là đi mượn.

Về việc thành phố đã tự trang bị và vận hành máy xét nghiệm Covid-19 đặt tại Trung tâm Y tế dự phòng từ ngày 21/3, đại diện Sở Y tế Hải Phòng cho biết đây là thiết bị đi mượn.

Còn trả lời trên một tờ báo điện tử thời điểm chuẩn bị vận hành máy xét nghiệm, Giám đốc Sở Y tế nói thành phố mua với giá gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó vị lãnh đạo này phủ nhận thông tin trên.

Quảng Nam mua máy xét nghiệm Covid-19 giá đắt hơn CDC Hà Nội, đúng quy trình

Từ ngày 1/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam (CDC Quảng Nam) đưa vào vận hành hệ thống máy xét nghiệm phát hiện virus SARS-CoV-2. Đây là loại máy tương tự như CDC Hà Nội đã mua.

Thậm chí, khi so sánh với con số 7 tỷ đồng mà CDC Hà Nội bỏ ra, giá Quảng Nam trả cho thiết bị này lên tới 7,2 tỷ đồng. Điều này đang đặt ra nghi vấn liệu Quảng Nam có mua máy xét nghiệm với giá “trên trời"?

Đề cập đến vấn đề này, chiều 24/4, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Việc mua hệ thống xét nghiệm Realtime PCR tự động theo hình thức chỉ định thầu với giá 7,2 tỷ đồng trang bị cho CDC Quảng Nam là do UBND tỉnh quyết định. Thủ tục đường hoàng chứ không phải Sở Y tế tự mua. Đúng sai thế nào thì sẽ được làm rõ”.

Theo Sở Y tế Quảng Nam, ban đầu giá máy được nhà cung cấp đưa ra là 7,56 tỷ đồng, sau đó đã thương lượng giảm xuống còn 7,2 tỷ đồng.

Quảng Bình - Quảng Trị - Đà Nẵng mua máy xét nghiệm Covid-19 giá rẻ

Quảng Bình và Quảng Trị cho biết các địa phương này đều mua hệ thống máy xét nghiệm với mức giá chưa bằng 1/3 so với CDC Hà Nội.

Cụ thể, Sở Y tế Quảng Bình chọn mua máy của Đức. Sau khi tham khảo giá của một số nơi đã mua, đơn vị đưa ra hội đồng của Sở Tài chính để thẩm định. Sau đó, mức giá mà tỉnh phê duyệt mua máy khoảng 3 tỷ đồng gồm, giá máy hơn 1,6 tỷ, còn lại là hệ thống tách chiết và một số phụ kiện khác.

Còn Sở Y tế Quảng Trị cho hay họ mua máy xét nghiệm Real-time PCR và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ để xét nghiệm Covid-19.

Theo thẩm định, máy xét nghiệm Realtime PCR có giá 1,65 tỷ đồng và máy tách chiết mẫu tự động 32 lỗ giá hơn 1 tỷ. Nhưng sau khi CDC Quảng Trị đàm phán, nhà cung cấp đã giảm giá các máy còn 1,5 tỷ và 650 triệu.

Tại Đà Nẵng, Báo Lao Động đưa tin: Hệ thống Real-time PCR tự động đang được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng sử dụng xét nghiệm cho hàng nghìn mẫu bệnh phẩm trong thời gian qua có giá rất rẻ, chỉ trên dưới 1,4 tỷ đồng. 

Mua hàng rồi đàm phán giảm giá có phải chuyện ngược đời?

Trao đổi với PV, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng việc mua hàng dùng rồi xin giảm giá không có gì là lạ nhưng đặt trong bối cảnh sự việc CDC Hà Nội bị phanh phui và động thái đồng loạt đàm phán xin giảm giá ở các địa phương hiện nay khiến nhiều người phải đặt câu hỏi.

"Giả sử tôi là khách hàng trung thành của anh khi mua hàng tôi sẽ thỏa thuận là nếu bên kia mua rẻ hơn thì anh phải bớt giá cho tôi, nhưng đó chỉ là câu chuyện đồ dùng còn việc mua máy móc hàng tỷ đồng thì chắc chắn phải có hợp đồng mua bán, đề xuất các thứ. Tôi nghĩ cơ quan điều tra không khó để làm rõ những việc này", vị chuyên gia kinh tế nhìn nhận.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế, do tình hình dịch bệnh, thiết bị y tế nói chung và hệ thống xét nghiệm Real-time PC được mua với hình thức chỉ định thầu, các đơn vị được giao nhiệm vụ mua sắm phải tìm được đơn vị cung cấp với giá tối ưu. Nhưng ở đây có sự móc nối giữa đơn vị mua sắm thiết bị và đơn vị bán thiết bị thông qua đơn vị thẩm định giá.

“Đây là hành vi đáng lên án trong bối cảnh mọi người đều dốc lòng ủng hộ chống dịch Covid-19 thì một số cá nhân lại vụ lợi trên tiền ngân sách, đóng góp của nhân dân. Vấn đề ở đây chính là khâu tổ chức chỉ định thầu, việc chỉ định thầu không phải là việc mua bằng bất kỳ giá nào, đưa sản phẩm cần mua các đơn vị bán sẽ báo giá và lựa chọn mức giá tốt nhất. Điều này có thể thực hiện một cách minh bạch đảm bảo được việc mua sắm đúng giá, đúng chất lượng và đảm bảo yêu cầu cấp thiết”.

Hình thức đấu thầu hay chỉ định thầu đều có ưu và khuyết, trong tình hình cấp bách chỉ định thầu là cần thiết, việc chỉ định thầu vẫn có thể tìm được giá tốt mua thiết bị, quan trọng là việc thực hiện phải công khai. Đơn vị mua sắm có thể đưa ra những yêu cầu về thiết bị cần mua sắm các đối tác cung cấp sẽ chào giá, dựa trên đó lựa chọn được giá phù hợp. Chỉ định thầu vẫn hoàn toàn có thể lựa chọn, sàng lọc vấn đề là cách thực hiện, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết thêm.

Chia sẻ trên tờ Đất Việt, GS.TS Phạm Gia Khải - nguyên Phó trưởng ban Bảo vệ và Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương bày tỏ quan điểm, câu chuyện đàm phán giảm giá sau khi đã lắp đặt, đưa vào sử dụng hệ thống thiết bị xét nghiệm là "không phù hợp cho lắm", bởi thông thường người ta ngã giá xong rồi mới mua, đằng này đã đưa vào sử dụng lại đàm phán, mặc cả mấy lần.

Theo ông, cần phải phân biệt chuyện mặc cả giá với giá chính thức. Mặc cả giá có thể xuống hay lên, tùy vào quan hệ giữa người bán với người mua, thậm chí cả quyền lợi của cá nhân nếu có người muốn lợi dụng. Ở đây, số tiền mua máy ở mỗi địa phương rất khác nhau, khó có thể phân biệt được chuyện lợi dụng với không lợi dụng vì không ai biết quan hệ giữa người bán với người mua như thế nào.

Bài liên quan