Những vụ ngộ độc sữa trong trường học khiến phụ huynh e ngại chương trình Sữa học đường

Thứ năm, 20/09/2018, 06:03 AM

Lo lắng của phụ huynh về chất lượng sữa trong chương trình Sữa học đường sắp được Hà Nội triển khai là hoàn toàn có cơ sở khi trước đó nhiều vụ việc ngộ độc do uống sữa tại nhà trường.

nhung-vu-ngo-doc-sua-trong-truong-hoc-khien-phu-huynh-e-ngai-chuong-trinh-sua-hoc-duong
Học sinh nhập viện cấp cứu sau khi uống sữa sáng 2/3. Ảnh Infornet

Uống Sữa học đường Nutifood học sinh Đồng Nai bị ngộ độc

Ngày 2/3/2018, sau khi uống sữa buổi sáng, 73 học sinh Trường mầm non Phú Lộc và Trường tiểu học Phạm Văn Đồng (xã Phú Lộc, huyện Tân Phú, Đồng Nai) có biểu hiện đau bụng, nôn ói. Những học sinh này sau đó phải nhập viện cấp cứu.

Lực lượng chức năng sau đó vào cuộc kiểm tra, lấy mẫu sữa xét nghiệm, làm rõ vụ việc. Theo Sở Giáo dục & Đào tạo, sữa mà học sinh Trường mầm non Phú Lộc và Trường tiểu học Phạm Văn Đồng đã uống có hiệu NutiFood – Đây là sản phẩm sữa được Đồng Nai lựa chọn sử dụng trong chương trình Sữa học đường tại địa phương này.

Được biết, Đề án Sữa học đường được triển khai tại tỉnh Đồng Nai từ năm 2014. Đối tượng được uống là trẻ từ mẫu giáo, mầm non tới học sinh tiểu học. Giá mỗi hộp sữa được tỉnh dùng ngân sách để hỗ trợ là 35%, công ty trúng thầu cung cấp sữa hỗ trợ 15%, 50% còn lại do phụ huynh đóng góp hàng tháng. Học sinh được uống sữa vào các ngày thứ hai tới thứ năm hàng tuần.

nhung-vu-ngo-doc-sua-trong-truong-hoc-khien-phu-huynh-e-ngai-chuong-trinh-sua-hoc-duong
Học sinh có biểu hiện ngộ độc được các bác sĩ chăm sóc. Ảnh: N.Đ.N.

Được biết Công ty Nutifood trúng thầu Đề án sữa học đường tại Đồng Nai từ năm 2017. Thời gian trước học sinh được uống loại sữa khác. Còn sữa khiến học sinh bị ngộ độc hàng loạt vừa qua là sữa tươi, loại hộp giấy.

Ngay sau khi xảy ra việc quá nhiều học sinh ngộ độc, ngày 5/3/2018, Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Đồng Nai đã có văn bản thông báo chỉ đạo các trường trên địa bàn tỉnh tạm dừng cho học sinh uống sữa học đường.

Gần 500 học sinh tiểu học nhập viện vì uống sữa Milo (Nestlé)

Ngày 27/10/2018, thông tin từ Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang cho biết: gần 500 học sinh của Trường tiểu học Lái Hiếu và Trường tiểu học Nguyễn Hiền (thị xã Ngã Bảy) phải nhập việc cấp cứu, sau khi uống sữa Milo, trong đó có 39 em có biểu hiện đau bụng, nôn ói, đau đầu, những em còn lại có biểu hiện nhẹ.

Được biết, hơn 700 suất sữa nói trên là loại sữa Milo được pha sẵn do Sở Y tế tỉnh Hậu Giang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Hậu Giang cấp phát miễn phí định kỳ cho học sinh.

Ông Lê Văn Khởi - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hậu Giang nhận định: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng các em bị ngộ độc nêu trên. Có thể là do lô sữa, do nguồn nước dùng để pha hoặc khoảng thời gian từ lúc pha cho đến khi đem tới trường cho các học sinh uống kéo dài lâu...

Ngay sau khi biết được thông tin, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, Lữ Văn Hùng đã đến trực tiếp tại Trung tâm Y tế thị xã Ngã Bảy để thăm hỏi và chỉ đạo cấp cứu cho các em học sinh.

Theo báo cáo kết quả kiểm nghiệm của cơ quan chức năng, cho thấy: mẫu sữa milo chưa pha và sữa đặc có đường nhãn hiệu Ngôi sao Phương Nam bảo đảm các tiêu chuẩn cho phép. Còn mẫu sữa và mẫu chất nôn của học sinh có dương tính vi sinh và vi khuẩn Staphylococcus aureus - một loạt vi khuẩn cầu vàng sống trong đất, trong nước, gây ghẻ lở ngoài da, nếu bị nhiễm nhiều sẽ gây ngộ độc thực phẩm qua đường uống và đường tiêu hóa.

nhung-vu-ngo-doc-sua-trong-truong-hoc-khien-phu-huynh-e-ngai-chuong-trinh-sua-hoc-duong
Các học sinh nhập viện điều trị vào ngày 27/10. Ảnh Báo Lao động

Từ đó, kết luận vụ ngộ độc thực phẩm qua uống sữa tại hai trường tiểu học nói trên là do uống thức uống của Công ty TNHH Dịch vụ quảng cáo MC pha chế không tuân thủ các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế Hậu Giang kiến nghị Cục An toàn thực phẩm áp dụng Nghị định 178/2013/NĐCP ngày 14/11/2013 của Chính phủ về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm để xử phạt theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động của Công ty Dịch vụ quảng cáo MC về việc pha chế thức uống cấp phát cho học sinh các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cho đến khi khắc phục các hậu quả. Biện pháp khắc phục hậu quả là buộc Công ty này chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, xét nghiệm mẫu, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm và các chi phí khác có liên quan.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh yêu cầu Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nestlé Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dịch vụ quảng cáo MC phải công khai xin lỗi gia đình các em học sinh phải nhập viện.