Nợ công 3,2 triệu tỷ, ngẫm câu chuyện dùng vốn vay ODA

Thứ tư, 21/08/2019, 17:14 PM

Vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động, dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế.

no-cong-32-trieu-ty-ngam-cau-chuyen-dung-von-vay-oda
Dự án Cát Linh - Hà Đông vay vốn ODA từ Trung Quốc lâm cảnh đội vốn, chậm tiến độ.

Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội vừa có báo cáo thẩm tra việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn (về lĩnh vực tài chính - ngân sách), trong đó tập trung vào việc quản lý vốn vay nước ngoài (vốn vay ODA).

Báo cáo của Ủy ban đánh giá công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài đã đạt kết quả nhất định khi dư nợ công thấp hơn quy định trong kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Quy mô danh mục nợ chính phủ đến cuối năm 2018 được kiểm soát tốt ở mức 50% GDP (so với mức 52,7% vào năm 2016; 51,7% vào năm 2017), trong đó nợ nước ngoài chiếm 38,6%, nợ trong nước chiếm 61,4%.

Tuy vậy, Ủy ban cho rằng vẫn còn tồn tại những dự án sử dụng vốn vay ODA chưa hiệu quả từ khâu huy động (đàm phán hiệp định, điều kiện vay) dẫn đến việc thực hiện, sử dụng vốn kém hiệu quả, tạo ra nhiều hệ luỵ cho nền kinh tế.

Báo cáo thẩm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài giai đoạn 2011-2016 cho thấy, trong thời gian này, đã có 319 hiệp định được ký kết, cao hơn 59% so với mức của thời kỳ 2006-2010.

Trong đó ODA vốn vay và vốn vay ưu đãi chiếm khoảng 96% và ODA viện trợ không hoàn lại chiếm khoảng 4% so với tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã ký kết cho thời kỳ này.

Đến 31/12/2016, nợ nước ngoài của quốc gia là 44,3% GDP, trong giới hạn cho phép (không quá 50% GDP theo Nghị quyết của Quốc hội). Tổng giải ngân cả giai đoạn khoảng 28 tỉ USD.

Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ rõ nhiều dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, phải khoanh nợ, cơ cấu lại nợ, hoặc ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài. Cụ thể, có 60 dự án vay lại chuyển nợ quá hạn (gốc, lãi, phí) 10.556 tỷ đồng, chiếm 3,3% tổng dư nợ cho vay lại.

Điển hình, dự án Vinashin chiếm 8.180 tỷ đồng; 9 dự án được Chính phủ bảo lãnh phải ứng vốn từ quỹ tích lũy trả nợ với dư nợ 4.618 tỷ đồng (đã được khoanh nợ): dự án Nhà máy xi măng Sông Thao; Nhà máy xi măng Hạ Long; Nhà máy giấy Phương Nam; Nhà máy xi măng Thái Nguyên; Nhà máy thủy điện Xekaman 3; Nhà máy xi măng Đồng Bành; Nhà máy mía đường Sông Con; Xi măng Tam Điệp và Giấy Việt Trì.

Ngoài ra, khoản ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ của Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) để thanh toán trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh 2.477 tỷ đồng chưa được VEC ký nhận nợ với Bộ Tài chính.

Bên cạnh dự án thua lỗ, một loạt dự án vay vốn ODA vừa qua cũng rất kém hiệu quả, bị điều chỉnh tổng mức đầu tư so với phê duyệt ban đầu như: dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng, sau khi thẩm định đề nghị điều chỉnh xuống 33.568 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP HCM tuyến 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tăng từ hơn 17.387 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng; dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP HCM (Bến Thành - Tham Lương), dự kiến tăng từ 26.116 tỷ đồng lên 47.604 tỷ đồng; dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) đội vốn 8.769 tỷ đồng lên 47.325 tỷ đồng...

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Trinh, tình trạng sử dụng vốn không hiệu quả trong chi đầu tư phát triển, minh chứng qua những con số, những phụ lục về danh sách hàng dài các dự án đội vốn, thua lỗ nghìn tỉ được Quốc hội hằng năm công khai khi kèm theo các báo cáo nợ công.

Dữ liệu Bộ Tài chính cung cấp cho biết dự kiến nợ công năm 2018 là 58,4% GDP; nợ Chính phủ là 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ/thu ngân sách là 15,9%. Nợ nước ngoài quốc gia là 46% GDP...

Báo cáo của Chính phủ về nợ công cho thấy nợ công Việt Nam ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công.

 

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Bộ Giao thông Vận tải nhận trách nhiệm rồi sao nữa?

Trả lời kiến nghị của cử tri Hà Nội, Bộ Giao thông Vận tải nêu lý do dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông liên tiếp chậm tiến độ và nói rõ trách nhiệm của Bộ này cũng như Tổng thầu Trung Quốc.

 

Hà Nội thu phí vào nội đô: Quy hoạch băm nát, xe buýt đi chậm, đường sắt trên cao thì chưa biết khi nào có... người thủ đô đi gì?

Hàng loạt chuyên gia về giao thông đã đưa ra ý kiến liên quan đến đề án thu phí vào nội đô của Hà Nội. Phần lớn đều cho rằng cần tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.

 

Đường sắt cao tốc Bắc - Nam: Cơ hội nào cho nhà thầu trong nước?

Bên cách việc lựa chọn phương án xây dựng đường sắt cao tốc Bắc – Nam, câu chuyện chọn nhà thầu trong nước hay quốc tế cũng gây ra tranh luận sôi nổi.