Nói những gì Trump thích, G7 kết thúc trong bình yên

Thứ ba, 27/08/2019, 06:29 AM

2018 đã kết thúc mà không có tuyên bố chung. Năm nay, có vẻ các nhà lãnh đạo thế giới đã rút kinh nghiệm khi chọn cách "bằng mặt" với Tổng thống Mỹ Donald Trump

noi-nhung-gi-trump-thich-g7-ket-thuc-trong-binh-yen
Các nhà lãnh đạo trong Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay.

Giống như các Tổng thống Mỹ khác, Trump có xu hướng chỉ nghe những gì ông muốn nghe tại những sự kiện như hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp ngày 24-26/8. Ông sẵn sàng phớt lờ hoặc phản bác những ý kiến đối lập của các lãnh đạo quốc tế khác, đặc biệt khi ông đang có bất đồng với các đối tác về một loạt vấn đề như biến đổi khí hậu, thương mại, Triều Tiên, Nga và Iran. Không ai có thể đoán được cuộc họp với Trump sẽ diễn ra như thế nào hay điều gì sẽ xảy ra sau khi ông rời đi.

Năm nay, các lãnh đạo dường như quyết tâm tránh tình trạng của hội nghị G7 năm ngoái lặp lại, khi Trump nổi giận, từ chối ký vào thông cáo chung và công kích chủ nhà là Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Các đối tác của ông giờ đây hiểu rằng đối đầu trực tiếp có thể phản tác dụng, vì vậy, họ chuyển sang cách tiếp cận là "mềm hóa" những bất đồng. Để tránh chọc tức Trump, các lãnh đạo G7 cố gắng sử dụng ngôn từ mềm mỏng để kéo gần khoảng cách trong lập trường, hoặc ít nhất là "bọc đường" những khác biệt giữa hai bên bằng lời tâng bốc mà họ biết chắc rằng ông sẽ thích.

Khi Trump vừa đặt chân đến Biarritz ngày 24/8, Tổng thống Pháp Macron đã thết đãi ông bữa trưa vốn không nằm trong lịch trình tại tầng thượng khách sạn Hotel du Palais thuộc khu nghỉ dưỡng Atlantic và nhấn mạnh rằng Trump là "vị khách rất đặc biệt".

Nỗ lực lấy lòng Trump này của Macron có vẻ đã đạt được hiệu quả. Trump ca ngợi bữa trưa với Macron là "1,5 giờ tuyệt vời nhất" hai người từng trải qua với nhau. "Cho đến thời điểm hiện giờ, đây thực sự là một hội nghị G7 tuyệt vời", Trump nói vào ngày 25/8. "Tôi muốn chúc mừng Pháp và Tổng thống của các bạn vì họ đã thực sự làm rất tốt".

Trong những ngày dự G7, Trump chủ yếu đưa ra những phát ngôn đậm tính ngoại giao, kiềm chế đăng những dòng tweet công kích đối tác hay những lời phàn nàn về chi tiêu quân sự, chính sách kinh tế của họ. Ông cũng không lặp lại những lời chỉ trích từ các trợ lý của mình rằng Pháp đặt trọng tâm hội nghị vào những vấn đề không nhiều bên quan tâm như biến đổi khí hậu và phát triển châu Phi thay vì kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Mỹ nói rằng bữa tối với các lãnh đạo G7 vào ngày 24/8 "tuyệt vời" và đánh giá Thủ tướng Anh Boris Johnson, người nhậm chức vào tháng trước, "rất phù hợp với cương vị hiện tại".

Trump kể rằng trong bữa tối, các lãnh đạo đã "thảo luận sôi nổi" về ý tưởng của Trump là mời Nga trở lại nhóm này, 5 năm sau khi Nga bị loại ra khỏi nhóm do sáp nhập Crimea năm 2014. Tuy nhiên, các lãnh đạo khác từ chối làm vậy.

Vì Mỹ là chủ nhà của hội nghị G7 năm sau, Trump về mặt lý thuyết có thể mời Nga tham dự với tư cách quan sát viên nhưng ông chưa quyết định. "Tôi nghĩ đó là điều tích cực. Một số người đồng ý với tôi, số khác không nhất thiết phải đồng ý".

Cuộc thảo luận trong bữa tối ngày 24/8 cũng tập trung vào Iran, vấn đề mà Trump có mâu thuẫn lớn với các đồng minh vì ông đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015. Macron đã cố gắng tổng kết vấn đề theo cách khái quát nhất rằng các lãnh đạo G7 "thống nhất Iran không nên có vũ khí hạt nhân hoặc gây bất ổn cho khu vực".

Trump cũng có quan điểm khác với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe về chuỗi vụ thử tên lửa tầm ngắn của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un trong vài tuần gần đây. Trump đã hạ thấp mức quan trọng của vấn đề, nói rằng mặc dù ông cảm thấy không hài lòng, "Kim Jong-un không vi phạm thỏa thuận nào", ám chỉ rằng Kim Jong-un đã không vi phạm cách hiểu của hai lãnh đạo khi họ gặp nhau lần đầu cách đây một năm tại Singapore rằng Triều Tiên sẽ không thử tên lửa đạn đạo tầm xa hoặc bom hạt nhân.

Trong khi đó, ông Abe thể hiện quan ngại về các vụ thử tên lửa tầm ngắn vì chúng có thể dễ dàng vươn tới Nhật Bản. Ông chỉ ra rằng các vụ thử gần đây "rõ ràng vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc".

Tuy nhiên, Abe cũng cố gắng tìm cách tránh tạo ra rạn nứt với Trump. "Tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi, có nghĩa là bản thân tôi và Tổng thống Trump, sẽ luôn có cùng lập trường về Triều Tiên", ông nói.

"Chúng ta luôn luôn có cùng lập trường", Trump nói.

Hội nghị G7 là lần đầu tiên tân Thủ tướng Anh Johnson gặp Trump kể từ khi nhậm chức. Johnson dường như đã học hỏi được từ những khó khăn mà người tiền nhiệm gặp phải khi làm việc với Tổng thống Mỹ. Ngay cả khi lên tiếng  về chiến tranh thương mại, Johnson vẫn cẩn trọng dành nhiều lời khen ngợi cho Trump.

"Tôi chỉ muốn nói rằng tôi chúc mừng Tổng thống về tất cả thành tựu nền kinh tế Mỹ đang đạt được", Johnson nói. "Thật tuyệt vời khi thấy điều đó".

Sau đó, Johnson nhắc đến nước mình để ám chỉ Mỹ nên xem xét lại các đòn thuế quan. "Anh đã thu được lợi ích khổng lồ trong 200 năm qua từ thương mại tự do và đó là những gì chúng ta muốn thấy", Johnson nói. "Chúng ta đều không thích những hàng rào thuế quan".

Trump không nao núng khi nghe những lời này, nhưng ông cũng không bỏ lỡ cơ hội châm chọc lại. "Vậy ba năm qua thì sao?", ông cười và nói với Johnson, ám chỉ nền kinh tế đang chững lại của Anh. "Nếu không nói về ba năm qua thì tôi đồng ý với ông".

Johnson cười và không nói gì thêm. Bất kỳ sự bất đồng nào khác giữa hai bên sẽ chỉ được thể hiện khi các camera rời khỏi phòng họp.

 

Ngoại trưởng Iran đến 'nơi diễn ra G7', Nhà Trắng bất ngờ

Ngoại trưởng Iran đã có các cuộc gặp với giới chức nước chủ nhà, trong đó có Tổng thống Pháp Macron; cùng giới chức Anh và Đức tại Biarritz.

 

Ông Tập Cận Bình không đến, G7 vẫn rôm rả chuyện về Trung Quốc

Bởi hiện nay, hầu hết những vấn đề nóng nhất đều có liên quan đến gã khổng lồ châu Á này.