Nữ đại úy công an bị cấm bay vì làm loạn sân bay: Người trùng tên cũng bị 'vạ lây'

Chủ nhật, 01/09/2019, 06:27 AM

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hành vi của nữ đại úy Lê Thị Hiền ẩn chứa 3 loại sai phạm và có thể áp dụng mức phạt cao hơn rất nhiều.

nu-dai-uy-cong-an-bi-cam-bay-vi-lam-loan-san-bay-nguoi-trung-ten-cung-bi-va-lay
Hành vi của nữ đại úy Lê Thị Hiền ẩn chứa 3 loại sai phạm và có thể áp dụng mức phạt cao hơn rất nhiều. Ảnh cắt từ clip

Sau khi Cục Hàng không Việt Nam ban hành Quyết định 1929/QĐ-CHK về việc cấm vận chuyển có thời hạn bằng đường hàng không đối với hành khách Lê Thị Hiền - Nữ đại úy công an gây rối sân bay Tân Sơn Nhất thời hạn 12 tháng, Chi nhánh Miền Bắc của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã gửi công văn đến các đại lý bán vé máy bay khu vực miền Bắc.

Vietnam Airlines yêu cầu các đại lý bán vé máy bay cập nhật thông tin về Đại úy Lê Thị Hiền (SN 1983, công tác tại tổ Xử lý vi phạm thuộc Đội CSGT trật tự cơ động Công an quận Đống Đa, Hà Nội) và kịp thời phát hiện, ngăn chặn bà Lê Thị Hiền khi làm thủ tục đặt chỗ và bán vé trong thời hạn cấm vận chuyển.

Lý do là vì bà Lê Thị Hiền là hành khách đi chuyến bay VN248/SGN-HAN ngày 11/08/2019 đã có hành vi vi phạm trật tự công cộng, gây rối tại cảng hàng không, sân bay, có lời nói xúc phạm và hành hung nhân viên hàng không đang làm nhiệm vụ, bị xử phạt hành chính theo Quyết định số 0022055/QĐ-XPHC ngày 17/08/2019 của Trưởng đồn Công an Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất.

Cấm bay có được mua vé?

Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Văn Quynh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng việc một số hãng hàng không có biện pháp ngăn chặn đại úy Lê Thị Hiền đặt chỗ và mua vé máy bay là bất hợp lý.

Tờ Đất Việt dẫn lời luật sư Quynh cho hay: "Anh có thể cấm người ta theo quy định của pháp luật là cấm bay (hình phạt bổ sung, sau khi xử phạt hành chính). Còn việc mua vé hay không là quyền của họ, họ mua vé nhưng không bay được thì họ mất tiền.

Anh có thể cấm người ta bay vì họ không đảm bảo an ninh hàng không và đó là hình thức xử phạt mà pháp luật cho phép để nhằm mục đích xử nghiêm người có hành vi vi phạm, nhưng anh không thể cấm họ mua vé".

Theo luật sư Quynh, 3 nguyên tắc quan trọng nhất của việc xử lý vi phạm hành chính. Mỗi một hành vi vi phạm hành chính phải được lập biên bản vi phạm hành chính, nếu không có biên bản thì không đưa ra được quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

nu-dai-uy-cong-an-bi-cam-bay-vi-lam-loan-san-bay-nguoi-trung-ten-cung-bi-va-lay
Bà Lê Thị Hiền vào "danh sách đen" - Người trùng tên bị "vạ lây" 

Biên bản vi phạm hành chính phải được lập đầy đủ, phải mô tả hành vi vi phạm đầy đủ để căn cứ vào đó để áp dụng các quy định xử phạt. Mỗi hành vi vi phạm hành chính chỉ được xử phạt một lần trong thời hạn 1 năm.

Nếu không nắm được những nguyên tắc này có thể dẫn tới vận dụng sai trong xử lý vi phạm hành chính.

Cũng theo luật sư Quynh, Đại úy Lê Thị Hiền có quyền khiếu nại, hoặc khởi kiện quyết định xử phạt nếu có căn cứ cho rằng, quyết định xử phạt không đúng trình tự thủ tục, thẩm quyền ban hành quyết định, không có hành vi vi phạm, việc ban hành quyết định xử phạt là không có căn cứ pháp luật

Ông Tô Tử Hùng, Trưởng phòng An ninh hàng không thuộc Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hành vi của nữ đại úy Lê Thị Hiền ẩn chứa 3 loại sai phạm và có thể áp dụng mức phạt cao hơn rất nhiều.

"Thứ nhất, việc xúc phạm nhân phẩm nhân viên hàng không, mức phạt tối thiểu là 1 triệu đồng. Thứ hai là việc tấn công, xâm hại đến sức khoẻ của nhân viên hàng không, mức phạt tối thiểu với vi phạm này cũng là 1 triệu đồng.

Thứ ba là việc gây rối trật tự, mức phạt tối thiểu là 200.000 đồng", ông Hùng phân tích và cho biết đã trao đổi với cơ quan công an về những nội dung này để có những quyết định xử lý phù hợp.

"Chúng tôi cũng đã yêu cầu Cảng vụ hàng không miền Nam làm việc với cơ quan công an để xử lý những bước tiếp theo với vi phạm của chị Hiền", Trưởng phòng An ninh hàng không cho biết thêm.

Bà Lê Thị Hiền vào "danh sách đen" - Người trùng tên bị "vạ lây" 

Trước đó, ông Đinh Việt Thắng - Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam - cho biết, bà Lê Thị Hiền bị đưa vào danh sách “blacklist” (danh sách đen) của ngành hàng không, danh sách này bao gồm đối tượng: Khủng bố, tội phạm bị truy nã, đối tượng có tiền án tiền sự nguy hiểm đang bị theo dõi, đối tượng bị tổ chức quốc tế yêu cầu ngăn chặn, đối tượng bị cấm bay…

Với lệnh cấm bay mà nhà chức trách áp dụng, bà Lê Thị Hiền không được đi lại bằng đường hàng không trong lãnh thổ Việt Nam. Các hãng hàng không trong và ngoài nước khai thác tại Việt Nam không được vận chuyển bà Lê Thị Hiền trên các chuyến bay nội địa và quốc tế xuất phát từ Việt Nam, các hãng không được chở bà Hiền từ nước ngoài đến Việt Nam.

Hiện nay, lệnh cấm bay đối với bà Lê Thị Hiền đang được thực thi, tuy nhiên cùng với hiệu lực áp dụng thì tất cả những người trùng tên Lê Thị Hiền cũng sẽ bị “vạ lây” khi đi máy bay, gặp rắc rối từ việc mua vé, làm thủ tục hàng không, kiểm tra - soi chiếu an ninh…

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết chắc chắn sẽ có những phiền toái đối với khách trùng tên Lê Thị Hiền: “Khách tên Lê Thị Hiền sẽ bị từ chối bán vé tại các đại lý, muốn mua vé thì khách phải xuất trình chứng minh thư/căn cước công dân hoặc hộ chiếu để chứng minh không phải là Lê Thị Hiền đang bị nhà chức trách cấm bay. Nếu mua vé qua mạng, hệ thống đặt giữ chỗ sẽ đưa tên Lê Thị Hiền vào danh sách bị kiểm tra an ninh bắt buộc”.

Cũng theo đại diện Vietnam Airlines, khi làm thủ tục check-in tại sân bay, hành khách có tên Lê Thị Hiền sẽ “bị mời” tới phòng cách ly để phỏng vấn, đối chiếu ảnh nhận diện, kiểm tra giấy tờ tùy thân. Trường hợp cá biệt nếu khách trùng cả tên và ngày/tháng/năm sinh với bà Lê Thị Hiền thì thời gian xác minh sẽ lâu hơn.

Những hành khách tên Lê Thị Hiền sẽ bị kiểm tra giấy tờ tùy thân để xác minh không phải là bà Lê Thị Hiền bị cấm bayTrong khi đó, theo yêu cầu của Cục Hàng không, ở khu vực soi chiếu an ninh, lực lượng có trách nhiệm sẽ tiến hành kiểm tra, đối chiếu chặt chẽ giấy tờ về nhân thân của hành khách tên Lê Thị Hiền để phát hiện, ngăn chặn việc đi lại bằng đường hàng không của người bị cấm bay. Cơ quan công an, hải quan cửa khẩu hàng không và các hãng hàng không nước ngoài khai thác tại Việt Nam sẽ thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm tra, giám sát hành khách tên là Lê Thị Hiền.

“Các đơn vị sẽ thực hiện kiểm tra nghiêm ngặt, tuy nhiên phải cố gắng xử lý nhanh nhất để không gây nhiều phiền toái cho hành khách, đảm bảo khách có thể lên máy bay và khởi hành đúng giờ. Nếu việc kiểm tra, xác mình làm hành khách bị trễ chuyến bay thì cơ quan có trách nhiệm phải bồi thường thỏa đáng cho hành khách”, Cục trưởng Đinh Việt Thắng nói.

 

Từ nữ đại úy cảnh sát gây rối sân bay… nhớ lời dạy của Bác Hồ với Công an nhân dân

Cách cư xử của đại úy Lê Thị Hiền làm xấu đi hình ảnh cán bộ chiến sĩ công an thủ đô, trái với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với mỗi chiến công an nhân dân là “Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính”.

 

Bà Lê Thị Hiền phủ nhận việc gọi điện xin lỗi nữ nhân viên hàng không

Chia sẻ với báo giới nữ Đại úy Lê Thị Hiền khẳng định không biết người đăng tải clip là ai, không biết số điện thoại người này nên không có chuyện gọi điện xin lỗi.

 

Vụ đại úy công an gây rối sân bay: Nhiều hãng hàng không yêu cầu đại lý không bán vé cho bà Lê Thị Hiền

Sau khi Cục Hàng không Việt Nam quyết định cấm bay 12 tháng với bà Lê Thị Hiền đại úy công an gây rối sân bay, nhiều hãng hàng không yêu cầu đại lý không bán vé cho bà Hiền.