Nữ hành khách mang súng bút lắp sẵn đạn lên máy bay

Thứ bảy, 19/12/2020, 06:14 AM

Khẩu súng bị phát hiện khi nữ hành khách đi qua cửa soi chiếu hành lý tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Hình dạng súng bút

Hình dạng súng bút

An ninh hàng không sân bay Tân Sơn Nhất đã tiến hành ngăn chặn và bàn giao hành khách N.T.G.H. cho đồn công an sân bay sau khi phát hiện người này mang súng bút trong hành lý, chuẩn bị lên chuyến bay VN1426 từ TP.HCM đi Gia Lai, khởi hành lúc 16h10 cùng ngày.

Khi bà H. đi qua cửa soi chiếu, nhân viên an ninh đã phát hiện có vật phẩm khả nghi bên trong hành lý xách tay của nữ hành khách. Qua kiểm tra trực quan, nhân viên an ninh phát hiện một khẩu súng bút dài 13 cm, bên trong lắp sẵn một viên đạn còn nguyên hạt lửa (bộ phận để khai hỏa, đốt cháy thuốc súng).

Khi bị kiểm tra, bà H. không xuất trình được các giấy tờ có liên quan. An ninh hàng không Tân Sơn Nhất đã phối hợp với Cảng vụ Hàng không miền Nam lập biên bản vi phạm, bàn giao hành khách và tang vật cho đồn Công an sân bay Tân Sơn Nhất.

Trước đó, vào tối ngày 25/11, an ninh hàng không sân bay Đà Nẵng cũng phát hiện hành khách Nguyễn Trung K. (42 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) mang đạn súng cao su sai quy định trong hành lý xách tay.

Khi soi chiếu hành lý xách tay của ông K., an ninh hàng không phát hiện có 13 viên đạn súng cao su còn nguyên hạt nổ và đầu đạn nên đã lập biên bản bàn giao ông K. và tang vật cho Công an phường Hòa Thuận Tây giải quyết theo thẩm quyền.

Súng bút là loại súng như thế nào?

Súng bút là một loại vũ khí chuyên dụng trong quân đội, có độ sát thương cao và gây nguy hiểm người khác.

Súng bút là loại súng bắn đạn chì hoặc đạn ghém 6 ly, dựa trên sức đẩy của lò xo hoặc quả nổ nhỏ. Nếu bắn ở cự ly dưới 5 m, khả năng sát thương của súng này không thua gì súng quân dụng. Súng bút có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Do là thứ vũ khí đặc biệt, súng bút không được phổ biến và trang bị rộng rãi, bởi vậy rất ít người biết. Nguy hiểm hơn, loại đạn sử dụng súng "bút" là đạn thể thao, có đầu đạn chế bằng chì. Đây là vật liệu mà tại Hiệp ước La Hay về chiến tranh đã cấm sử dụng.