Ông Duterte nên đến thăm Việt Nam trước khi sang Trung Quốc gặp ông Tập Cận Bình

Thứ năm, 29/08/2019, 09:09 AM

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang có chuyên thăm chính thức lần thứ 5 tới Trung Quốc. Trước chuyến thăm của ông, đã có vài lời khuyên dành cho ông trong cách cư xử với ông lớn phương Bắc.

ong-duterte-nen-den-tham-viet-nam-truoc-khi-sang-trung-quoc-gap-ong-tap-can-binh
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: AP

Panos Mourdoukoutas - một học giả nghiên cứu đến từ tờ LIU Post của New York, đồng thời cũng là giảng viên tại trường đại học Columbia - đã có một bài bình luận đăng trên tờ Forbes về chuyến thăm của Tổng thống Philippines tới Trung Quốc hôm 28/8. 

Theo ông Panos Mourdoukoutas, trước khi đến thăm những người bạn Bắc Kinh của mình, Tổng thống Rodrigo Duterte nên tìm hiểu một số kinh nghiệm chiến lược để ngăn chặn tàu Trung Quốc xâm chiếm vùng biển Philippines. Và ông cần một bài học về cách ngăn chặn gã khổng lồ phương Bắc biến nước ông thành một bán thuộc địa thời hiện đại. 

Chuyến thăm của ông Duterte tới Bắc Kinh diễn ra đúng lúc Trung Quốc tăng cường nỗ lực thể hiện tham vọng độc chiếm Biển Đông của mình. Trong tháng 7 và tháng 8, tàu chiến Trung Quốc đã đi lại trên vùng biển phía nam Philippines, làm gia tăng căng thẳng hàng hải giữa hai nước. 5 tàu hải quân Trung Quốc đã đi qua eo biển Sibutu mà không thèm thông báo cho phía Manila. 

Tờ South China Morning Post cho biết, eo biển Sibutu là tuyến hàng hải quốc tế, tuy nhiên, các tàu biển Trung Quốc đã đi qua mà không bật hệ thống định vị nhằm tránh sự phát hiện của radar. 

Đó không phải là một hành động thân thiện của Bắc Kinh. Nó còn chứng tỏ chiến lược xoa dịu Bắc Kinh của Tổng thống Duterte suốt thời gian qua không hề hiệu quả. Ông sẽ phải tìm phương án chiến lược khác để xử lý vấn đề. 

Việt Nam và Malaysia là những quốc gia có chiến lược hợp lý để chống lại tham vọng bành trướng Biển Đông của Trung Quốc. Lãnh đạo của hai nước này đã dám làm điều mà Duterte đã không làm được: Đứng lên trước Trung Quốc. Tất nhiên, họ đạt được kết quả tốt hơn ông Duterte đang làm. 

Việt Nam đã làm điều đó một cách dũng cảm và thông minh.

Dũng cảm là bởi trước hết, họ thúc đẩy một hiệp định cho phép ngăn chặn nhiều hoạt động mà Trung Quốc hiện vẫn đang tiến hành ở Biển Đông. Các hành động đó gồm xây dựng các đảo nhân tạo, phong tỏa và triển khai các vũ khí tấn công như tên lửa hay hệ thống phòng thủ. Đồng thời, quốc gia này cũng huy động lực lượng của mình để ngăn chặn các tàu Trung Quốc đã xâm nhập vào vùng biển của họ. 

Thông minh là bằng cách tranh thủ người khổng lồ dầu mỏ Rosneft của Nga trong tìm kiếm dầu ở các khu vực Trung Quốc luôn muốn tranh chấp - hay còn gọi là đường chín đoạn - một đường biên giới trên biển tự Bắc Kinh vẽ ra và không ai công nhận. Sự hiện diện của Nga trong vùng biển tranh chấp là một yếu tố thay đổi cuộc chơi của Việt Nam. Nó khiến Bắc Kinh vô cùng khó khăn khi đối đầu với hải quân Nga - lực lượng sẵn sàng bảo vệ lợi ích của Moscow trong khu vực.

Cả hai chiến lược này đều hiệu quả.

Ngược lại, Malaysia đối phó với Trung Quốc bằng phương pháp táo bạo, trên hai mặt trận. Trong nước, họ đàm phán lại các dự án đầu tư của Trung Quốc bị thổi phồng, tịch thu hơn 1 tỷ ringgit (243,5 triệu USD) từ tài khoản ngân hàng của Công ty Đường ống Dầu khí Trung Quốc (CPP) thuộc sở hữu nhà nước sau khi các dự án đường ống với công ty này thất bại. Tiếp đó, Malaysia cắt giảm chi phí của dự án East Coast Rail Link (Đường sắt kết nối bờ biển phía Đông) xuống còn 1/3. 

Trên Biển Đông, Hải quân Hoàng gia Malaysia (RMN) đã phô diễn sức mạnh tên lửa của mình gần khu vực hàng hải đang tranh chấp với Trung Quốc vào tháng trước - một động thái hiếm hoi trong lịch sử nước này. Nó là một phần của cuộc tập trận quân sự quy mô lớn có tên là "Kerismas" và "Taming Sari" nhằm để đối phó với bối cảnh căng thẳng trong khu vực. 

Các chiến lược cứng rắn của Việt Nam và Malaysia đối phó với Bắc Kinh tương phản với các chiến lược, đường lối mềm mại của Tổng thống Duterte. Ông luôn tìm cách xoa dịu thay vì đối đầu với Trung Quốc, mặc dù ông có cả luật pháp quốc tế và sức mạnh của Mỹ đang đứng về phía mình.

Đánh giá từ những tuyên bố công khai của ông, logic của Duterte là việc xoa dịu Bắc Kinh sẽ cứu rỗi hòa bình, và mở đường cho các khoản đầu tư của Trung Quốc sẽ tạo công ăn việc làm cho người Philippines.

Thật không may cho người Philippines, chiến lược mềm mỏng của Duterte đã không hiệu quả. Trung Quốc tiếp tục khẳng định quyền kiểm soát trên khu vực đang tranh chấp với Philippines. Sự cố gần đây nhất là một tàu Trung Quốc đã đánh chìm tàu cá của Philippines trong một vụ va chạm ở vùng biển phía tây của quốc gia Đông Nam Á. Và, những chuyến tàu của Trung Quốc đi qua eo biển Sibutu cũng không ngoại lệ. 

Xét về khía cạnh kinh tế, các khoản đầu tư của Trung Quốc đổ vào Phlippines đã không tạo việc làm cho người Philippines, ngược lại, là cho người Trung Quốc. Bắc Kinh đang đẩy Manila vào nguy cơ mắc vào bẫy nợ tương tự như Sri Lanka. 

Đó là lý do tại sao đến lúc Tổng thống Duterte phải xem xét kỹ các chiến lược của Việt Nam và Malaysia trước khi ngồi ở Bắc Kinh và bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

 

Trước khi Tổng thống thăm Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Philippines tự nhận yếu kém trong khả năng bảo vệ lãnh thổ

Trước khi nhà lãnh đạo Duteter sang thăm chính thức Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines thừa nhận khả năng của quân đội nước này trong việc bảo vệ lãnh thổ khỏi các hành động xâm phạm còn rất yếu.

 

Philippines nói Trung Quốc hành xử không giống bạn bè

Sputnik đưa tin, hôm 15/8, chính quyền của Tổng thống Duterte cho rằng Trung Quốc hành xử không giống bạn bè dù Bắc Kinh luôn một mực khẳng định là bạn bè, láng giềng tốt của Manila.