Lênh đênh từng con sóng bên ông lão Biển Hồ chiều cuối năm

Thứ sáu, 25/01/2019, 22:41 PM

Đối với ông, Biển Hồ chất chứa bao kỉ niệm bởi chính nơi ấy, ông đã lặn ngụp không biết bao lần dưới dòng nước xoáy để cứu vớt những người chết đuối thương tâm.

ong-lao-bien-ho-chieu-cuoi-nam
Chiều cuối năm, ông lão Biển Hồ lặng lẽ với nỗi niềm riêng của mình

Ngồi trò chuyện với ông vào chiều cuối năm, cơn gió đông miền cao nguyên đủ lạnh để bàn tay gầy guộc từng bao lần cứu người chết đuối run run bưng ly nước chè ngọt lịm. Lão bảo, người ta viết về lão nhiều rồi, đừng viết những chuyện người chết đuối hay cuộc đời của lão nữa. Mặc dù ở cái tuổi gần đất xa trời, nhưng “ông già Biển Hồ” vẫn tận tụy làm việc tốt, giúp người giúp đời mà chẳng màng đến ơn huệ, ân nghĩa.

Ông Quách Trọng Hoan (SN 1941, xã Biển Hồ, TP Pleiku, Gia Lai) mấy mươi năm sống ở đất này cuối cùng trở thành một ông già Tây Nguyên thực thụ, sống chết với đồng bào Tây Nguyên, gắn bó với họ như những người ruột thịt. Mặc dù tuổi cao sức yếu, con cái thành đạt nhưng ông với cái tên thân mật là “ông lão Biển Hồ” lại bỏ phố thị nhộn nhịp để sống cuộc đời ẩn dật. Ngày ngày ông làm sạch môi trường và cứu giúp những người nghĩ quẩn quyên sinh.

ong-lao-bien-ho-chieu-cuoi-nam
Một đời với con nước Biển Hồ, ông lão Quách Trọng Hoan đã cứu không biết bao người nghĩ quẩn tìm cách quyên sinh

Mặc dù năm nay đã 78 tuổi, nhưng nhìn ông Hoan vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Ông có bốn người con đều thành đạt, vợ con ở trong thành phố, ông sống một mình nhưng không cô đơn vì có quá nhiều người hàng ngày tìm đến ông. Tiếp chúng tôi dưới tán cây um tùm trong căn nhà sát bên Biển Hồ với gương mặt rạng ngời, ông kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện thời xa xưa của ông, về những cuộc chiến tranh và về mối nhân duyên để đưa già về với Biển hồ như hiện nay.

Ông nổi tiếng là người đã cứu sống nhiều người vô tình ngã xuống hay có ý định tự tử ở Biển Hồ, nơi có diện tích mặt nước đến 250 ha này. Danh tiếng đồn xa, ông cũng nổi tiếng là người đã vớt xác giỏi, khắp vùng đều có dấu ấn của ông. Ông cũng đã vớt rất nhiều người xấu số thiệt mạng ở Biển Hồ.

ong-lao-bien-ho-chieu-cuoi-nam
Ở cái tuổi gần 80, ông lão Biển Hồ chỉ mong "thất nghiệp" để không còn phải thêm một lần nào nửa đêm ra hồ tìm người nữa

Ngày ấy, vào năm 1965, như những thanh niên trai tráng ở làng, ông Hoan lên đường nhập ngũ. Chiến đấu nhiều năm, ông bị thương rồi được đưa ra Bắc chữa trị. Vết thương bình phục, ông được cử đi học tại trường đoàn của tỉnh Hà Nam Ninh (cũ), rồi đi học Đại học Kinh tế kế hoạch. Thời điểm hoàn thành khóa học tại trường cũng là lúc chiến tranh kết thúc, ông Hoan lập gia đình rồi được phân công vào miền Nam công tác. Sau một thời gian dài công tác, người đàn ông này vẫn đau đáu nhớ về lời thề ngày xưa nên đã xin nghỉ việc, từ bỏ phố phường đông đúc để lên khu vực Biển Hồ dựng ngôi chòi nhỏ “ở ẩn”.

Ở đây, ông đã chứng kiến rất nhiều hoàn cảnh bi thương, nhiều người nghĩ quẩn mà gieo mình xuống lòng hồ tự vẫn hoặc bị đuối nước thương tâm, ông gom góp tiền để mua một chiếc thuyền nhằm cứu những người tìm cách quyên sinh hoặc tai nạn đuối nước. Ông bảo, mình cứu người vì cái tâm làm việc thiện chứ chẳng mong được đền đáp gì cả. Thật vậy, những người được ông cứu sống, có người quay lại cảm ơn, nhưng cũng có nhiều người chẳng bao giờ gặp lại. Ông xem đó là chuyện bình thường, chỉ mong cứu được người, giúp đời là vui rồi.

ong-lao-bien-ho-chieu-cuoi-nam
Ông lão Biển Hồ và câu chuyện câu chuyện cuộc đời

Giữa hồ nước mênh mông này, ông đã nhiều lần chứng kiến cảnh nhiều người gieo mình xuống nước và cũng đã bao lần bất chấp hiểm nguy ông đều lao nhanh xuống dòng nước cứu người. Việc cứu, vớt và tìm người đuối nước đã trở thành một việc làm gắn với cuộc đời ông ngay từ khi còn là thanh niên xung phong và mỗi khi có ai gọi dù ở nơi xa xôi ông vẫn luôn sẵn sàng có mặt. Cứu người, vớt xác dường như đó là “nghề” định mệnh với ông, bởi nhiều vụ chết đuối, người nhà thuê thợ lặn tìm kiếm nhưng không khi nào được, phải đến khi có ông, xác mới được tìm thấy.

 “Tôi cứu người theo tâm nguyện và lời thề trước đây của mình nên chẳng hy vọng ai báo đáp. Có những người quay về cảm ơn, có những người chẳng bao giờ trở lại nhưng tôi không quan trọng việc đó. Bản thân tôi cũng mong những người ấy đừng quay lại đây, mà hãy sống thật tốt để quên đi quá khứ đau buồn, làm lại cuộc đời mình. Tôi hy vọng đừng ai nghĩ quẩn nữa mà hãy sống tốt và làm việc thiện giúp đỡ người khác. Như vậy là tôi cảm thấy yên lòng rồi!” ông Hoan chia sẻ.

Nhiều năm qua, ông vẫn thầm lặng làm công việc thiện nguyện ấy. Có trường hợp người dân nhờ vớt xác, người thân còn trả công cho ông nhưng cũng có rất nhiều trường hợp thi thể nạn nhân không giấy tờ tùy thân, trôi dạt ở vùng Biển Hồ, ông vớt lên và lo mai táng cho họ.

ong-lao-bien-ho-chieu-cuoi-nam
Đã gần 80 tuổi, nhưng cách đây hơn 1 tháng, ông cũng vừa cứu thêm một người có ý định tử tử ngay tại đây.

Chính tự tay ông xây dựng nên ngôi đền nhỏ ngay cạnh Biển Hồ để cầu nguyện cho những người xấu số. Trên đó còn khắc sâu bài thơ đầy cảm động ông viết dành tặng cho linh hồn người đã khuất. Con thuyền nhỏ của ông cũng lặng lẽ đặt ngay cạnh bờ hồ và số điện thoại ghi sẵn trên cửa kèm dòng chữ “Ai cần, gọi tôi”.

Dù tuổi cao nhưng "ông già Biển Hồ" vẫn sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào khi có người cần giúp đỡ. Khi nhận được tin có người tìm cách quyên sinh hay tai nạn đuối nước ở Biển Hồ là ông tức tốc chạy bộ hoặc chèo thuyền đi cứu người.

Năm 2011, ông Quách Trọng Hoan vinh dự được nhận giải thưởng Kova do nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình ký. Đây là một giải thưởng lớn tôn vinh những tấm gương tiêu biểu trong đời sống xã hội có những việc làm nhân văn, cao thượng, qua đó, nhằm nhân rộng hơn nữa các nghĩa cử này, góp phần làm cho cuộc sống ngày càng tươi đẹp. 

Tính đến nay, ông đã cứu được gần 10 người, vớt được gần 100 người tử vong trên sóng nước Biển Hồ này. Nhưng ông vẫn buồn lắm, vì ở Biển hồ này không biết bao nhiêu mạng người đã quyên sinh. Có người ông cứu được, có những người khi phát hiện đã quá trễ nên ông bất lực. Chẳng ai trách ông, nhưng ông tự cảm thấy mình có lỗi.

Đau buồn và xót xa, kèm theo nỗi day dứt không thôi nên ông đã lập đền Vạn Linh để hương khói cho những nạn nhân xấu số. Ông bảo ông chẳng mong được tuyên dương hay được người đời đền đáp. Ông chỉ hy vọng sau này mọi người hãy nghĩ về những điều tốt đẹp, hướng tới những điều hạnh phúc chứ đừng dại dột để rồi trầm mình xuống dòng nước nữa.

ong-lao-bien-ho-chieu-cuoi-nam
Mảnh đất này đã giúp ông sống sót, và giờ ông trả nghĩa cho đời bằng việc mình làm.

Ông sống hết mình, yêu hết mình với mảnh đất và con người nơi đã cưu mang ông và các đồng đội của ông. Cuộc sống của ông bây giờ thật đơn sơ nhưng ông rất giàu có “tình cảm”. Niềm vui lúc tuổi già, hạnh phúc mà ông có được chính là tình cảm, sự trân trọng mà mọi người dành cho. 4 người con ông giờ đều đã thành đạt, những người con nuôi, anh em kết nghĩa luôn bên cạnh mỗi ngày cùng ông làm nhiều việc thiện cho cộng đồng.

Cả cuộc đời ông gắn liền với chiến đấu vì lẽ phải và làm việc thiện cứu người, giúp đời nên tên ông được dân làng đặt cho một ngọn núi hùng vĩ ở Tây Nguyên - núi Chư Hoan. Tâm nguyện giờ đây của ông là mong muốn chính quyền thành lập một đội cứu hộ ở Biển Hồ, để những khi có chuyện sẽ có người can ngăn kịp thời, bớt đi những sự việc đau lòng đã xảy ra như trước đó.

Ở cái tuổi bát thập, “ông lão Biển Hồ” Quách Trọng Hoan chỉ mong mình được “thất nghiệp”. Cái nghiệp cứu người chết đuối ở Biển Hồ ông lão chẳng còn muốn làm nữa, dù rằng cái nghiệp ấy “vận” vào lão một cách tình cờ.

 

Người dân làng hoa Sài Gòn tất bật những ngày cuối năm

Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán nên người dân làng hoa thuộc phường Thới An, quận 12, TP HCM luôn tất bật hoàn thành những công đoạn cuối cùng để đưa hoa Tết ra thị trường.

 

Làng bánh chưng Tranh Khúc tất bật những ngày giáp Tết

Với gần 100 hộ gói bánh chưng, làng Tranh Khúc (Hà Nội) những ngày giáp Tết luôn ngập trong không khí hối hả, đi đâu cũng cảnh tất bật với những nỗi bánh chưng tỏa khói thân quen.