Quốc hội quyết định để Bộ Công an hay Bộ GTVT sát hạch cấp bằng lái xe

Thứ hai, 07/09/2020, 06:36 AM

Sau khi họp bàn, Chính phủ quyết định đề nghị Quốc hội cho ý kiến luật nào sẽ quy định vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp bằng lái xe.

Quốc hội quyết định để Bộ Công an hay Bộ GTVT sát hạch cấp bằng lái xe.

Quốc hội quyết định để Bộ Công an hay Bộ GTVT sát hạch cấp bằng lái xe.

Thời gian qua, câu chuyện được nhiều người dân quan tâm đó là để Bộ Công an hay Bộ Giao thông vận tải quản lý đào tạo, sát hạch cấp bằng lái xe.

Mới đây, Chính phủ vừa có tờ trình dự án Luật bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó đưa ra thông tin cho biết, Chính phủ đề nghị QH cho ý kiến về vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX theo 2 phương án.

Phương án 1: Vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX thuộc phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Phương án 2: Dự án Luật GTĐB (sửa đổi) tiếp tục điều chỉnh vấn đề đào tạo, sát hạch và cấp GPLX. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT xây dựng nội dung thuyết minh phù hợp cho từng phương án.

Báo Tuổi Trẻ TP HCM đưa tin: Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, cải cách hành chính và thực tiễn về trật tự, an toàn giao đường bộ hiện nay, Bộ Công an, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tư pháp thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội theo phương án 1.

Việc thống nhất phương án này được lý giải là để đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người.

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể và thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ký văn bản thể hiện sự đồng ý, thống nhất để Bộ Công an báo cáo Quốc hội phương án trên.

Do có ý kiến khác nên Chính phủ cũng đưa ra trong tờ trình phương án 2 để Quốc hội tham khảo. Tuy nhiên, phương án này không phù hợp với cấu trúc, mục tiêu và nội dung của Luật giao thông đường bộ (sửa đổi) là thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kết cấu hạ tầng hiện đại, hiệu quả, nâng cao chất lượng hệ thống mạng lưới đường bộ…

Trước đó trả lời tại buổi họp báo Chính phủ tối 4/9, Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết: Quá trình xây dựng Luật hiện nay rất chặt chẽ. Việc đề xuất nghiên cứu xây dựng lại Luật gồm 7 bước, còn để thông qua Luật thì gồm 10 bước, tổng cộng là 17 bước.

Công việc phân công theo chức năng nhiệm vụ, căn cứ theo thực tế hiện tại nhằm mục tiêu tạo thuận lợi cho việc quản lý, tạo thuận lợi cho người dân chứ không câu nệ gì cơ quan nào thực hiện.

Cơ quan nào cũng phải lắng nghe người dân, nhưng Luật xây dựng ra không thể thoả mãn được từng cá nhân, ngược lại tất cả công dân đều phải chấp hành luật. Khi dự thảo Luật được công bố thì vẫn điều chỉnh được nếu có thay đổi trong thực tế, không nên lo lắng về việc cơ quan nào thực hiện.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, việc xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) là việc do công tác quản lý trong thực tiễn.

Hiện nay tai nạn giao thông có giảm nhưng mức độ vi phạm luật gây ra tai nạn giao thông vẫn lớn. Do đó các cơ quan chức năng có đề xuất xây dựng Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Đây không phải vấn đề tranh giành giữa 2 Bộ mà trên nguyên tắc 1 việc chỉ giao cho 1 cơ quan làm, cơ quan nào làm tốt hơn thì giao cơ quan đó làm. Những gì liên quan đến an ninh trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ thuộc lĩnh vực của Bộ Công an, liên quan đến kết cấu hạ tầng các dự án giao thông thuộc lĩnh vực của Bộ GTVT.

Hiện nay công tác đào tạo lái xe đều xã hội hoá, nhưng việc sát hạch để cấp giấy phép lái xe phải được quản lý chặt chẽ, tránh việc bằng giả, rao bán bằng lái xe trên mạng…

Hiện nay 2 Bộ đang tiếp tục xây dựng 2 Luật nêu trên để báo cáo Chính phủ, Quốc hội. Trong quá trình làm, sẽ phân tích xem cơ quan nào làm tốt hơn để giao cơ quan đó, hiện nay chưa khẳng định giao cho Bộ Công an, hay giao Bộ GTVT.

Báo Pháp Luật TP HCM đưa tin: Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP Hà Nội, cho rằng việc đào tạo, sát hạch lái xe nên để Bộ GTVT quy định và quản lý về mặt nhà nước như Luật GTĐB hiện hành.

“Còn nếu Bộ Công an vẫn quyết tâm đưa nó về Luật Bảo đảm TTATGTĐB để quản lý thì tôi nghĩ nên để QH quyết định chứ mình góp ý nhiều quá rồi… QH đủ sáng suốt để nhìn ra vấn đề” - ông Liên nói. 

Trước đó, vào đầu tháng 8, Văn phòng Chính phủ phát phiếu thăm dò ý kiến các thành viên Chính phủ về công tác đào tạo, sát hạch và cấp GPLX.

Trong đó, 11/19 thành viên Chính phủ đồng ý giao Bộ GTVT thực hiện công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và quy định này được quy định ở Luật GTĐB.

Ngược lại, 8/19 thành viên Chính phủ muốn giao công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cho Bộ Công an, đồng thời quy định này được đưa vào Luật Bảo đảm TTATGTĐB.

Bài liên quan