Quốc hội thông qua mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 khoảng 6,5%

Thứ sáu, 11/11/2022, 06:52 AM

Đại đa số đại biểu Quốc hội đã tán thành thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023. Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6,5% cho năm 2023.

Các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết

Các ĐBQH bấm nút thông qua Nghị quyết

Chiều 10/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 465 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 93,37% tổng số ĐBQH.

Theo đó, Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 nêu rõ các chỉ tiêu chủ yếu gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 đô la Mỹ (USD); tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4 - 25,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5,0 - 6,0%; tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,2%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 68%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 27,5%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm khoảng 1 - 1,5%...

Tại Nghị quyết, Quốc hội nêu rõ các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan thực hiện tốt như: Theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế, giá cả, lạm phát, thị trường thế giới, khu vực, trong nước, kịp thời nhận biết rủi ro để có đối sách phù hợp, điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định nền tảng vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế hợp lý, hiệu quả.

Tăng cường năng lực thích ứng, chống chịu, bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính, ngân hàng trong mọi tình huống; kiểm soát chặt chẽ lạm phát, điều hành chủ động, linh hoạt công cụ lãi suất, tỷ giá, phù hợp và sát thực với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội của đất nước. Thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm hiệu quả, tăng cường kỷ luật tài chính, chống thất thu, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí; rà soát để sớm đưa các nguồn lực chưa khai thác hiệu quả vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ tiếp khác được nêu tại nghị quyết là đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào hoạt động sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Triển khai quyết liệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025 và phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình chậm tiến độ, đầu tư kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài. Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đối với các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch, khắc phục triệt để hiệu quả tình trạng “sở hữu chéo”, cho vay không tài sản bảo đảm không đúng quy định hoặc tài sản bảo đảm được định giá không đúng giá trị, cho vay các doanh nghiệp “nội bộ”, “sân sau”, Quốc hội nêu yêu cầu tiếp theo.

Ngoài ra, Chính phủ cần kịp thời tháo gỡ những khó khăn, hạn chế, bất cập để phát triển đồng bộ, an toàn, lành mạnh, bền vững và hội nhập, bảo đảm hoạt động thông suốt, lành mạnh, chất lượng các thị trường tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; mở rộng, nâng cao chất lượng thị trường lao động, thị trường khoa học công nghệ.

Quốc hội cũng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế; đẩy mạnh sản xuất trang thiết bị y tế trong nước.

"Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách đãi ngộ, cải thiện môi trường làm việc, bảo đảm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới", Nghị quyết nêu.