Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia sẽ báo cáo Chính phủ trước ngày 10/11

Thứ sáu, 29/07/2022, 13:46 PM

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung, khẩn trương lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030 và báo cáo trước ngày 10/11/2022.

Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1 trong 8 nhiệm vụ 'nóng' trên cần phải thực hiện trong năm 2022.

Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1 trong 8 nhiệm vụ "nóng" trên cần phải thực hiện trong năm 2022.

Tại Công văn số 4739/VPCP-NN ngày 28/7/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung, khẩn trương lập và trình Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đúng tiến độ đề ra. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/11/2022.

Cụ thể, Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện 8 nhiệm vụ "nóng" trong năm 2022 gồm:

2 quy hoạch quốc gia: Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030.

6 quy hoạch ngành quốc gia thời kỳ 2021-2030: Quy hoạch tài nguyên nước; quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn; quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch bảo vệ môi trường; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học.

Lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là 1 trong 8 nhiệm vụ "nóng" trên cần phải thực hiện trong năm 2022. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện lập quy hoạch còn chậm.

Được biết, với mục tiêu bảo vệ môi trường, phục vụ phát triển bền vững, quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia sẽ sắp xếp, định hướng phân bố không gian, sử dụng các thành phần môi trường và các yếu tố tài nguyên phù hợp với chức năng môi trường và điều kiện thiên nhiên, kinh tế - xã hội của vùng lãnh thổ theo định hướng phát triển bền vững, bao gồm việc phân vùng quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải, quan trắc và cảnh báo môi trường.

Trong đó, với lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học sẽ quy hoạch khu vực đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên và cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.

Trong quản lý chất thải, sẽ quy hoạch các khu xử lý chất thải tập trung cấp quốc gia, cấp vùng, cấp tỉnh.

Đối với quan trắc và cảnh báo môi trường, sẽ đưa vào quy hoạch mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường đất, nước, không khí quốc gia, liên tỉnh và tỉnh.

Trước đó, tại Hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học cho Dự thảo Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhấn mạnh, Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Đây là quy hoạch môi trường mang tính tổng thể đầu tiên, được xây dựng dựa trên cơ sở pháp lý và xuất phát từ thực tiễn, thống nhất với các quy hoạch khác và định hướng phát triển của địa phương.

Ngoài ra, đây là quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia lần đầu tiên được xây dựng nên còn nhiều vấn đề cần bàn thảo kỹ lưỡng. Trong đó, phải làm rõ phương pháp tiếp cận theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

Thực tế, Thiên tai và biến đổi khí hậu cũng đã trở thành tình trạng khẩn cấp của nhiều quốc gia trên phạm vi toàn cầu. Trong bối cảnh đó ngành Tài nguyên và Môi trường đã sáng tạo, hiệu quả, linh hoạt với quyết tâm cao nhất để thực hiện 3 mục tiêu: phòng chống dịch hiệu quả; phát huy được các tiềm lực về tài nguyên đóng góp cho tăng trưởng, phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, hỗ trợ nhân dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn; đồng thời xây dựng nền tảng cho một thập kỷ phát triển bền vững dựa trên các hệ sinh thái.

Trên cơ sở đó, nhiều chủ trương lớn được tổng kết, đánh giá để hoàn thiện như: Nghị quyết số 19 về đất đai, Nghị quyết số 02 về khoáng sản, Tổng kết thi hành và sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Luật Tài nguyên nước với tiêu chí cao nhất về tính minh bạch trong tiếp cận thông tin, chia sẻ lợi ích từ nguồn lợi tài nguyên, giải quyết tốt hơn quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, trong đó việc tiết kiệm, hiệu quả, bền vững phải được ưu tiên cao nhất trong các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên.

Trong bối cảnh hiện nay, xu thế của thế giới hậu Covid-19 sẽ là tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, giảm khai thác tài nguyên thiên nhiên, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên.

Trước xu thế đó, Việt Nam cần đặt môi trường, khí hậu ở vị trí ưu tiên cao nhất trong chương trình nghị sự, kế hoạch phát triển và thu hút đầu tư. Triển khai hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường, chặn đà và từng bước đảo ngược xu thế suy thoái về môi trường, các hệ sinh thái; phát triển kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh dựa vào sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ sinh thái. Thu hút nguồn lực xã hội trong xử lý chất thải, rác thải theo mô hình đốt rác, phát điện, tái chế thay cho chôn lấp.

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Phục hồi xanh sau đại dịch Covid-19, mục tiêu trung hòa carbon, chuyển đổi năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo cùng với bảo vệ, khôi phục hệ sinh thái tự nhiên đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại.

Thực tế đó đòi hỏi phải tạo ra những thay đổi cơ bản trong tư duy và hành động, nắm bắt xu thế của thời đại, phải trở thành những người tiên phong đổi mới đột phá về thể chế, thực hiện các cam kết quốc tế về môi trường và khí hậu.