Quy mô TP Huế đã quá chật chội cho nhiệm vụ bảo tồn di tích

Thứ năm, 31/10/2019, 12:52 PM

Song song với nỗ lực đầu tư chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính TP Huế và các vùng phụ cận.

quy-mo-tp-hue-da-qua-chat-choi-cho-nhiem-vu-bao-ton-di-tich
Quy mô TP Huế chật chội.

Ngày 31/10, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trong phiên thảo luận tại hội trường, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã tham gia phát biểu về thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 của Chính phủ và có một số kiến nghị, đề xuất liên quan đến việc mở rộng quy mô TP Huế của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo ông Phan Ngọc Thọ, song song với nỗ lực đầu tư chỉnh trang đô thị, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính TP Huế và các vùng phụ cận.

Quá trình phát triển, TP Huế với vai trò là đô thị trung tâm, đô thị di sản, thành phố môi trường, thành phố xanh nhưng với quy mô diện tích 70 km2 (Chỉ bằng 42% diện tích theo chuẩn thành phố thuộc tỉnh), dân số 345.000 người, mật độ dân cư trên 5.000 người/km2 (so với chuẩn 2.000 – 3.000 người/km2), mật độ xây dựng đã đạt 80% diện tích xây dựng.

Ông Thọ chia sẻ: “TP Huế đang đứng trước áp lực gia tăng dân số, hạ tầng xã hội quá tải, hạ tầng kỹ thuật không đảm bảo kết nối, đồng bộ; vùng ven TP Huế đã đô thị hóa từ lâu, nhưng lại quản lý bằng bộ máy chính quyền nông thôn. Quy mô TP Huế đã quá chật chội cho nhiệm vụ bảo tồn di tích và quá nhỏ so với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội”.

quy-mo-tp-hue-da-qua-chat-choi-cho-nhiem-vu-bao-ton-di-tich
Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng đề án điều chỉnh địa giới hành chính TP Huế.

Do đó, việc mở rộng địa giới hành chính TP Huế là nhu cầu khách quan, là điều kiện để Huế phát triển với vai trò là đô thị trung tâm của tỉnh Thừa Thiên Huế, là một trong những đô thị lớn của Quốc gia, là cơ hội để người dân hưởng thụ những điều kiện sống và làm việc tốt nhất, và quan trọng là thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát huy di sản Cố đô Huế, là cơ sở và điều kiện để xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo hướng đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh địa giới TP Huế sẽ ảnh hưởng đến một số tiêu chuẩn phân loại đơn vị hành chính đối với một số địa phương cấp huyện lân cận.

Ông Thọ nói: “Cử tri Thừa Thiên Huế mong muốn được sự hỗ trợ, chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thành và thực hiện đề án mở rộng địa giới hành chính TP Huế đáp ứng nhu cầu phát triển của TP Huế cũng như ổn định mô hình các đơn vị hành chính cấp huyện hiện nay của địa phương”.

Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng đề án phát triển TP Huế tầm nhìn 2020 - 2030 với 2 giai đoạn.

Cụ thể, giai đoạn 1 (2020 - 2025), xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế hướng biển, theo trục cảnh quan hai bờ sông Hương. Phạm vi nghiên cứu bao gồm khu vực TP Huế hiện hữu; thị xã Hương Thủy (các xã: Thủy Vân, Thủy Bằng); thị xã Hương Trà (các phường, xã: Hương Hồ, Hương An, Hương Thọ, Hương Vinh, Hải Dương, Hương Phong) và huyện Phú Vang (các xã, thị trấn: Thuận An, Phú Thượng, Phú Mậu, Phú Dương, Phú Thanh), với quy mô khoảng 267km2.

Trong khi đó, giai đoạn 2 (2025 - 2030), trên cơ sở định hướng phát triển của giai đoạn 1, tiếp tục xây dựng, phát triển không gian đô thị Huế theo định hướng của đồ án qui hoạch xây dựng vùng tỉnh Thừa Thiên - Huế và qui hoạch chung TP Huế đã được Thủ tướng chính phủ phê duyệt với vùng lõi đô thị có qui mô khoảng 348 km2, bao gồm TP Huế mở rộng có quy mô 267km2 (theo mô hình thành phố trong thành phố trực thuộc Trung ương theo Điều 5 của Nghị quyết 1211/2016/UBTVQH13) và các thị xã Hương Thủy, Hương Trà.