Rác thải nhựa ở Việt Nam gia tăng đột biến theo thời gian

Chủ nhật, 21/08/2022, 07:29 AM

Tăng trưởng kinh tế cũng như thay đổi lối sống ở Việt Nam đã dẫn đến cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Theo đó, lượng tiêu thụ nhựa trung bình của 1 người Việt đã tăng 11 lần và tiếp tục tăng do nhu cầu về đồ nhựa trong thời gian cách ly dịch bệnh.

Lượng tiêu thụ nhựa trung bình của người Việt tăng 11 lần

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), ước tính, trung bình mỗi năm, thế giới thải ra khoảng 400 triệu chất thải nhựa và có từ 75-199 triệu tấn nhựa hiện đang ở trong các đại dương của chúng ta. Và nếu không hành động để giải quyết thực trạng trên, số rác thải nhiễm vào đại dương có thể sẽ tăng gấp ba thậm chí là nhiều hơn nữa trong vòng hai thập niên tới.

Tại Việt Nam, ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó, tỷ lệ rác thải nhựa chiếm từ 10-20% (khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn) và tăng đột biến sau đại dịch Covid-19. Rác thải nhựa có thể bị thải bỏ ra môi trường và xâm nhập vào chuỗi thức ăn do bị tan rã thành các mảnh và hạt nhỏ hơn theo thời gian.

Bên cạnh đó, việc sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần đã và đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe. Trước bối cảnh đó, FHI360 đã tiên phong thực hiện nghiên cứu Tổng quan về tác động sức khỏe của nhựa đối với sức khỏe con người ở Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2022.

30-1660881030-rac-thai-nhua

Theo đó, lượng tiêu thụ nhựa trung bình của một người Việt đã tăng 11 lần, từ 3,8kg/người năm 1990 lên 41,3 kg/người năm 2018 và tiếp tục tăng thời gian qua do nhu cầu về đồ nhựa trong thời gian cách ly phòng Covid-19.

Tại các đô thị Việt Nam, tổng lượng túi nilon được sử dụng là 10,48 - 52,4 tấn/ngày. Trong giai đoạn 2019 – 2022, xu hướng tăng trong chi tiêu hộ gia đình cho thực phẩm và đồ uống tạo ra động lực tăng trưởng chính cho phân khúc bao bì nhựa.

Bên cạnh đó, tăng trưởng xây dựng nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn tiếp tục làm tăng trưởng cho phân khúc nhựa xây dựng. Rác thải nhựa chiếm 8 - 12% trong tổng số rác thải sinh hoạt, với khoảng 2,8 triệu tấn rác thải nhựa được thải ra môi trường mỗi năm, tương đương xấp xỉ 7.800 tấn/ngày.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, có đến 80% túi nilon dùng một lần nhưng chỉ có 17% túi nhựa được tái sử dụng, chỉ khoảng 10% lượng rác thải nhựa được tái chế. “Một con số khác ở mức cao hơn là 94% lượng rác thải ở các vùng ven sông và ven biển là rác thải nhựa, trong đó phần lớn là nhựa dùng một lần. Trong khi đó, xử lý rác thải nhựa và rác thải nhựa y tế bằng cách đốt vẫn rất phổ biến”, báo cáo chỉ ra.

Đáng lưu ý, tại Việt Nam ước tính khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt phát sinh mỗi năm, trong đó tỉ lệ nhựa chiếm từ 10-20%, tương đương khoảng 2,5 đến 5 triệu tấn và tăng đột biến do đại dịch Covid-19 vừa qua.

Theo nghiên cứu của FHI360, lượng chất thải này đến từ thực phẩm được đóng gói trong hộp nhựa mua đồ ăn khi cách ly và khẩu trang y tế dùng một lần. Ngoài ra, lượng chất thải lây nhiễm cũng tăng lên tương ứng với số ca bệnh Covid-19 thời gian trước, nhất là ở những nơi có nhiều người đang cách ly, gồm băng gạc, khăn giấy, dụng cụ y tế hay mẫu bệnh phẩm, kit test Covid. Bởi sau 2 năm đại dịch Covid-19, nhu cầu sử dụng các loại vật tư, sinh phẩm y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch đã gia tăng rất lớn. Nếu trước đây, một số vật phẩm y tế như khẩu trang 3 lớp, bao bì sinh thiết, test kit nhựa… chỉ có tại các cơ sở thăm khám chữa bệnh, thì nay, mọi nơi mọi lúc đều thấy sự hiện diện rác thải các loại này.

Xây dựng các mô hình hướng đến giảm thiểu ô nhiễm nhựa

Từ thực trạng về rác thải nhựa, báo cáo của FHI360 chỉ ra những tác động tiêu cực mà người dân Việt Nam đang phải đối mặt. Theo đó, nhựa được thải ra môi trường sẽ dần biến thành vi nhựa có thể xâm nhập vào cơ thể người. Các khí ô nhiễm, các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi tăng nguy cơ các bệnh tim mạch và hô hấp, gây ra những ảnh hưởng về da, mắt và các cơ quan cảm giác, hệ tiêu hóa, hệ thần kinh, hệ thống miễn dịch và thận, hệ thống nội tiết, thậm chí có thể gây ung thư và đột biến gen.

Tác hại của nhựa còn ảnh hưởng trực tiếp đến con người ngay cả trong quá trình sử dụng nhựa. Nhựa có thể rò rỉ chất gây ung thư và gây đột biến. Các chất hóa dẻo, chất phụ gia hóa học, sản phẩm phụ của quá trình sản xuất nhựa là tác nhân gây ra độc tính sinh sản.

Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, trong đó có bổ sung quy định về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa; hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; khuyến khích sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế sản phẩm nhựa truyền thống. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa trong thời gian tới cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này.

Chia sẻ về sứ mệnh của PHA, ThS Nguyễn Đức Vinh - Tổng thư ký PHA nhấn mạnh: “PHA sẽ cùng với các đối tác và các mạng lưới liên quan tạo ra một tiếng nói thống nhất về vấn đề nhựa và sức khỏe và cùng nhau thực hiện các hoạt động như nghiên cứu, xây dựng và truyền thông các mô hình thực hành tốt; đối thoại và vận động chính sách để hướng đến giảm thiểu tác động của ô nhiễm rác thải nhựa đến sức khỏe con người và môi trường sống ở Việt Nam”.

Được biết, Đối tác Hành động về Nhựa và Sức khỏe (PHA) có sự tham gia của trên 20 tổ chức tại Việt Nam đến từ các đối tác quốc tế, cơ quan chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, trường đại học. PHA đang xây dựng các cơ hội hợp tác cùng Bộ/ngành và các địa phương trong cả nước thực hiện các hoạt động về vận động chính sách liên quan đến rác thải nhựa và sức khỏe, xây dựng và vận hành cổng thông tin dữ liệu, thực hiện các hoạt động truyền thông, nâng cao nhận thức về mối liên hệ giữa nhựa và sức khỏe và triển khai các mô hình thí điểm nhằm giảm ô nhiễm nhựa tại một số địa phương trong cả nước.

Ước tính có khoảng 3,1 triệu tấn chất thải nhựa được thải ra trên đất liền hàng năm ở Việt Nam. Ít nhất 10% trong số chất thải chưa được quản lý tốt này bị rò rỉ vào đường thủy, khiến Việt Nam trở thành một trong năm nước gây ô nhiễm nhựa trên đại dương hàng đầu trên thế giới. Khối lượng rò rỉ có thể tăng gấp đôi vào năm 2030 theo kịch bản thông thường.

Trong Kế hoạch Hành động Quốc gia về Quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu cắt giảm 50% rác thải nhựa đại dương vào năm 2025 và 75% vào năm 2030. Một số biện pháp đã được đưa ra như lệnh cấm sắp được áp đặt đối với việc sản xuất và nhập khẩu túi nilon sử dụng trong nước vào năm 2026 và hầu hết các sản phẩm nhựa dùng một lần vào năm 2031.