Sau bão số 9, lũ ở miền Trung đang lên

Thứ tư, 28/10/2020, 20:25 PM

Sau khi cơn bão số 9 vừa đổ bộ vào đất liền nước ta, đến nay, miền Trung lại phải gồng mình chống lũ…

Nước lũ dâng cao tại nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Zing.

Nước lũ dâng cao tại nhiều khu vực ở tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Zing.

Theo Tạp chí điện tử Zing, nước sông Vu Gia đang lên rất nhanh. Chiều 28/10, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết lũ trên sông Vu Gia (Quảng Nam) đang lên rất nhanh, mực nước lúc 16h ngày 28/10 tại Ái Nghĩa là 7,55 m - dưới báo động 2 là 0,25 m.

Theo dự báo, lũ đặc biệt lớn trên sông Vu Gia sẽ lên trên báo động 3 đến 0,43 m. Cùng ngày, Công ty Cổ phần Thủy điện Đăk Mi thông báo vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 (tăng lưu lượng xả tràn lần 2). Theo đó, lưu lượng thủy điện Đăk Mi 4 đang xả xuống hạ du là 5.100 m3 nước/s. Ước tính lưu lượng xả tràn lúc 15h30 chiều 28/10 là 11.400 m3/s.

Trong khi đó, Đà Nẵng, Quảng Nam nguy cơ ngập sâu. Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trường hợp thủy điện Đăk Mi 4 xả xuống hạ lưu với mức dự kiến 11.400 m3/s, từ 6 đến 12 giờ tới, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa có khả năng tăng lên mức 11,2 m- trên báo động 3 là 2,2 m. Mức này vượt mức lũ lịch sử năm 2009 là 0,43 m.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ cao gây ngập lụt sâu trên nhiều vùng trũng thấp và sạt lở tại các huyện Nam Giang, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, TP Hội An và TP Đà Nẵng.

Lũ dâng sau bão, hàng loạt khu bị cô lập

Trao đổi với Zing tối 28/10, ông Trịnh Xuân Sâm, Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Hành (tỉnh Quảng Ngãi) cho biết hàng loạt khu dân cư ở địa phương bị cô lập hoàn toàn do lũ dâng cao sau bão số 9.

Hiện nhiều tuyến đường nối về trung tâm thị trấn Chợ Chùa và đường về các xã Hành Thuận, Hành Minh, Hành Dũng, Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Trung, Hành Đức của huyện Nghĩa Hành bị ngập sâu hơn 1m.

Nước lũ dâng cao trên sông Vệ chảy qua huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Zing.

Nước lũ dâng cao trên sông Vệ chảy qua huyện Tư Nghĩa và Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Zing.

Riêng vùng trũng xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành có nơi nước lũ tràn vào nhà dân từ 1,5 đến 2m. Hầu hết hộ dân vùng nguy cơ ngập lũ đã được sơ tán đến các trường học, nhà văn hóa thôn ở vùng cao trú tránh tạm. Thống kê sơ bộ, hơn 6.000 hộ dân ở huyện này bị ngập sâu trong lũ sau bão số 9.

Chỉ đạo công tác ứng phó sau bão số 9, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu phải sơ tán dân khỏi khu vực nguy hiểm, những nơi nước ngập sâu.

Cùng với đó, đảm bảo an toàn hồ đập, đặc biệt ở Quảng Nam - nơi có nhiều hồ đập, thủy điện. “Phải vận hành an toàn, không để các hồ chứa ảnh hưởng đến tình hình chung. Các lực lượng cần tập trung ứng phó với phương châm ‘bốn tại chỗ’, chủ động mọi phương án trong tình huống xấu nhất, giảm thiểu thiệt hại cho người dân”, Phó thủ tướng yêu cầu.

Sơ tán khẩn 12.000 người dân ở Quảng Ngãi

Kiểm tra công tác khắc phục bão số 9 và ứng phó với lũ lớn sau bão tại các huyện Tư Nghĩa, Mộ Đức và thị xã Đức Phổ, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân nhấn mạnh nhiệm vụ khẩn trương phòng chống lũ.

Sau bão số 9, mực nước lũ dâng cao vượt mức báo động 3 trên các sông Vệ và sông Trà Câu ở các địa bàn trên. Do vậy, nữ Bí thư yêu cầu khẩn trương sơ tán khoảng 12.000 người dân vùng trũng thấp ven sông, vùng nguy cơ sạt lở, lũ quét đến nơi tránh lũ an toàn.

Mực nước ở Hội An. Ảnh: Zing.

Mực nước ở Hội An. Ảnh: Zing.

Hàng chục ngôi nhà ở Kon Tum ngập trong nước

Tối 28/10, ông Phan Thanh Hòa, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đắk Glei (Kon Tum), cho biết chiều cùng ngày, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hơn 60 hộ dân ở thôn Đắk Đoak, xã Đắk Pet, ngập sâu hơn nửa mét.

Theo ông Hòa, người dân trong thôn đã được đưa đi sơ tán đến nơi an toàn. "Một số xã, thị trấn trên địa bàn cũng bị ngập. Tuy nhiên, chúng tôi chưa thống kê được cụ thể", ông Hoà nói.

Bài liên quan