Sau gian lận thi Sơn La, Hà Giang: TP HCM đề xuất tự tổ chức xét tốt nghiệp THPT

Thứ năm, 02/08/2018, 16:49 PM

Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa đưa ra kiến nghị cho địa phương này được tự tổ chức xét tốt nghiệp THPT.

sau-gian-lan-thi-son-la-ha-giang-tp-hcm-de-xuat-tu-to-chuc-xet-tot-nghiep-thpt
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM vừa đưa ra kiến nghị cho địa phương này được tự tổ chức xét tốt nghiệp THPT. Ảnh minh họa

Trong khuôn khổ Hội nghị tổng kết năm học 2017-2018, triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo hình thức trực tuyến với với sự tham gia của 63 địa phương cả nước, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có cơ chế đặc thù để ngành giáo dục thành phố thực hiện nhiệm vụ nhằm triển khai những giải pháp mang tính đột phá, trong đó có việc TP HCM tự tổ chức xét tốt nghiệp bậc THPT.

Cụ thể, trong báo cáo trực tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thành phố tự tổ chức xét tốt nghiệp THPT và chịu trách nhiệm trước UBND thành phố về công tác này.

Ngoài ra TP HCM đề nghị cho phép trường và giáo viên giảng dạy có trách nhiệm đánh giá định kỳ học sinh, sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xét hoàn thành chương trình học của các cấp. Các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh theo nguyện vọng của học sinh sau khi tốt nghiệp THPT.

 Trước đó tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phát hiện gian lận thi cử tại Sơn La và Hà Giang. 

Trước thực trạng này, phóng viên đã trao đổi với Thạc sĩ Trần Trung Hiếu - giáo viên Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An.

Thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, phương thức thi nào cũng đều có ưu điểm và nhược điểm. Không có phương thức, hình thức thi nào là hoàn hảo, tuyệt đối. Vấn đề là những Ban chỉ đạo thi các cấp, lãnh đạo hội đồng coi thi, cán bộ coi thi, thí sinh và phụ huynh…Tất cả có sòng phẳng hay không, có đàng hoàng không ? Đó mới là mấu chốt của vấn đề.

Là người luôn ủng hộ Nghị quyết 88 của Quốc hội và Nghị quyết 29 của TW Đảng về “đổi mới căn bản và toàn diện” ngành giáo dục đào tạo, nhưng Ths Trần Trung Hiếu không đồng thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo khi ghép 2 kỳ thi vào một, hay nói cách khác một kỳ thi nhưng giải quyết 2 mục đích: công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào cao đẳng, đại học.

Ths Trần Trung Hiếu nêu quan điểm: Ngay từ khi Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định phương án thi “2 trong 1” tôi đã hoài nghi tính hiệu quả với phương án này. Trải qua những kỳ thi gần đây, đặc biệt là qua những vụ gian lận gây chấn động dư luận ở Hà Giang, Sơn La... là một thực tiễn sinh động để tái khẳng định hình thức thi “2 trong 1” đã “phát lộ” nhiều sự bất ổn và đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại một cách nghiêm túc phương thức thi “2 trong 1” này.

Bộ Giáo dục và Đào tạo thì luôn cho rằng, đây là kỳ thi giảm tải (nội dung kiến thức thi), giảm áp lực (tư tưởng, tinh thần), giảm chi phí (kinh tế), nhanh gọn (thời gian thi), chính xác (khoa học)...Nói tóm lại, đó là phương thức thi ưu việt, nên làm, phải làm và quyết tâm làm bằng được.Tuy nhiên, đó là lý thuyết, còn thực chất và thực tiễn kỳ thi đã diễn ra không đúng với nhận định đó.

Trên thực tế thì thi “2 trong 1” như hiện nay nhiều áp lực. Thay vì thi 4 đến 6 môn bắt buộc cho thi tốt nghiệp trước đây, bây giờ thí sinh lại phải thi đến 9 môn với 2 “tổ hợp” môn thi tự chọn. Thầy Hiếu cho hay.

“Kỳ thi “2 trong 1” như hiện nay, thí sinh thi tốt nghiệp thường đạt tỉ lệ đỗ rất cao, xấp xỉ 100%. Không phải số lượng điểm cao của kỳ thi năm này cao hơn năm trước là do thực lực của thí sinh năm này giỏi hơn năm trước để các địa phương và Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đánh giá chất lượng dạy học là “ngày càng tốt hơn” được.

Qua 2 kỳ thi THPT quốc gia 2017, 2018, một nguyên nhân cơ bản làm cho điểm thí sinh đạt kết quả tốt nghiệp rất cao so với lực học của thí sinh chính là nhờ chiếc “phao” học bạ khi hầu hết học sinh lớp 12 các trường, các địa phương đều có được điểm tổng kết trung bình môn rất cao.

Rất nhiều học sinh suốt 3 năm chỉ với thực lực học trung bình, thậm chí là yếu kém nhưng điểm tổng kết trung bình trong học bạ lại rất cao. Thi thử ở trường thì điểm cao, thi thật lại có kết quả ngược lại.

“Với kết quả thi xấp xỉ 100 % như vậy thi làm gì, tốn tiền, gây áp lực và điều quan trọng hơn là chất lượng của học sinh, thí sinh liệu có hơn các thí sinh đã thi theo phương thức thi truyền thống trước đây không?

Theo quan điểm của cá nhân tôi là nên bỏ thi tốt nghiệp THPT trong kỳ thi THPT quốc gia để dồn lực, dồn tâm, dồn trí tuệ vào kỳ thi đại học một cách sòng phẳng như nhiều năm trước”, Ths Hiếu nêu quan điểm.

 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tiếp tục nhận trách nhiệm kỳ thi THPT quốc gia 2018

Sáng 2/8, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội nghị Tổng kết năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học mới theo hình thức trực tuyến tại 64 điểm. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp tục nhận trách nhiệm về kỳ thi THPT quốc gia 2018.

 

Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ: Nhận trách nhiệm trước những bất cập trong kỳ thi THPT quốc gia 2018

Sáng nay 1/8, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo Chính phủ về tình hình tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và việc xử lý tiêu cực trong khâu chấm thi ở một số địa phương.

 

20 ngày nhìn lại những diễn biến vụ điểm thi THPT cao 'bất thường' tại Hà Giang

Sau 20 ngày, một lần nữa vụ việc được nhìn nhận lại ở một góc cạnh hoàn toàn mới, qua chia sẻ của PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT.