Sau Huế đến lượt Ninh Bình cấm cán bộ, công chức ăn thịt động vật rừng và chim hoang dã

Thứ năm, 24/09/2020, 13:46 PM

Sau tỉnh Thừa Thiên-Huế đến lượt Ninh Bình có văn bản nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng và các loài chim hoang dã.

Nhiều địa phương nghiêm cấm cán bộ, công viên chức sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng và chim hoang dã. (Ảnh minh họa).

Nhiều địa phương nghiêm cấm cán bộ, công viên chức sử dụng thực phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng và chim hoang dã. (Ảnh minh họa).

Mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh Ninh Bình vừa có văn bản đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện nghiêm nhiều nội dung liên quan đến công tác tăng cường quản lý, bảo vệ các loài động vật hoang dã, chim hoang dã.

Theo đó, trong những năm qua, công tác bảo vệ các loài chim hoang dã, chim di cư đã được các cấp, tổ chức, ngành, đơn vị và UBND các địa phương quan tâm chỉ đạo tích cực trong việc bảo vệ các loài chim hoang dã, các đàn chim di cư, bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.

Hiện đã đến mùa chim di cư, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện nhiều khu vực bãi bồi, đầm nuôi trồng thủy sản, các cánh đồng lúa ven các khu rừng rừng (khu vực huyện Kim Sơn, Nho Quan, Hoa Lư…) xuất hiện nhiều hình thức bẫy, bắt chim hoang dã, chim di cư các loại, trong đó chủ yếu là giăng lưới, bẫy mồi bắt chim.

Để chủ động bảo vệ các loài chim di cư, bảo vệ môi trường sinh thái và tính đa dạng sinh học, Sở NN&PTNT yêu cầu UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, đơn vị chức năng phối hợp Hạt Kiểm lâm huyện, thành phố thực hiện ngay các biện pháp kiểm tra, tịch thu, phá dỡ, tiêu hủy và xử lý các bẫy lưới giăng và các dụng cụ để săn, bẫy, bắt chim tự nhiên di cư đang tồn tại;

Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo tồn các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã nhằm chủ động phòng ngừa dịch bệnh, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã; triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, tàng trữ, sử dụng, nuôi nhốt, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã;

Kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm các quy định của nhà nước về săn, bắn, bắt, bẫy, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài động vật hoang dã, các loài chim hoang dã; Chỉ đạo các đoàn thể, các xã, thôn tuyên truyền nâng cao ý thức trong việc bảo vệ các loài loài chim hoang dã.

“Nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn các huyện, thành phố sử dụng thực phẩm cũng như các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật rừng, các loài chim hoang dã”, văn bản của Sở NN&PTNT Ninh Bình nêu rõ.

Sở NN&PTNT Ninh Bình yêu cầu, Chi cục Kiểm lâm Chỉ đạo Hạt Kiểm lâm các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các phòng chức năng của huyện, thành phố và UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, các loài chim hoang dã; thường xuyên bám sát địa bàn xử lý, thu gom dụng cụ, lưới bắt chim và kiên quyết không để xảy ra tình trạng giăng lưới bẫy bắt chim trên các cánh đồng, bãi bồi ven biển, khu vực rừng ngập mặn hoặc mua bán, vận chuyển chim hoang dã trên các tuyến đường, tuyến phố;

Kiểm tra, kiểm soát hoạt động săn bắn, bẫy, bắt, buôn bán, tiêu thụ trái phép các loài chim hoang dã trong mùa di cư và xử lý nghiêm hành vi vận chuyển, buôn bán, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại.

Đối với các chủ rừng: Thực hiện nghiêm các quy định về bảo tồn đa dạng sinh học, thực vật rừng, động vật rừng trong đó có các loài chim hoang dã; Chủ động đấu tranh, tố giác các đối tượng vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cá nhân, du khách tích cực tham gia hoạt động bảo vệ các loài chim hoang dã.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng ký chị thị số 01/CT-UBND yêu cầu tăng cường công tác quản lý, bảo vệ các loài chim trời trên địa bàn tỉnh.  

Chỉ thị yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn chỉ đạo chính quyền các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắn, bẫy các loài chim, thú sống trong các khu dân cư, công viên, các ao, hồ, đầm phá.

Các cơ quan này cũng được giao thường xuyên tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát, bảo tồn các loài động vật hoang dã, các loài chim trời và các biện pháp nhằm phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài chim trời.

Bên cạnh đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố phải tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo các loài chim trời; kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời và nghiêm minh các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định của nhà nước về săn, bắn, bắt, mua, bán, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ, kinh doanh, tàng trữ các loài chim trời.

Bài liên quan