Sau những 'sóng gió triền miên', Eximbank liệu có vượt qua được giông bão với người chèo lái mới

Thứ sáu, 27/04/2018, 13:18 PM

Làm “bốc hơi” hàng trăm tỷ đồng của khách hàng khiến một lãnh đạo bị truy nã quốc tế, 5 nhân viên bị khởi tố là những “sóng gió” rất lớn mà Eximbank phải đối mặt với dư luận. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn “ì ạch” trong cách giải quyết khủng hoảng và hiện đang rất cần những nhân tố mới có thể “chèo lái” ngân hàng này đi lên.

sau-nhung-scandal-eximbank-rat-can-nguoi-cheo-lai-gioi
Nữ đại gia Chu Thanh Bình, người bị Eximbank làm “bốc hơi” 245 tỷ đồng.

Những vụ “bốc hơi” trăm tỷ và “bão tố” triền miên

Việc nữ đại gia Chu Thanh Bình bị “bốc hơi” 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm đã gây rúng động trong ngành ngân hàng tại Việt Nam. Trước khi đại hội cổ đông thường niên 2018 (27/4) diễn ra, vào ngày 26/4, bà Bình đã nêu ra nhiều lý do yêu cầu Eximbank phải trả tiền cho mình.

Bà Bình cho biết, bà là khách hàng lâu năm của Eximbank nhưng đã bị Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc chi nhánh TPHCM của nhà băng này lừa đảo lấy 245 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm rồi bỏ trốn. Lê Nguyễn Hưng đang bị truy nã quốc tế.

Cũng theo bà Bình, từ thực tế diễn biến quan hệ gửi, rút tiền tiết kiệm và thông tin từ kết quả điều tra vụ án, Eximbank phải thanh toán ngay số tiền 245 tỷ đồng mà không phải chờ phán quyết của tòa án.

Ngoài việc đòi lại tiền của mình, bà Bình cũng cho rằng, lãnh đạo Eximbank đã không tôn trọng khách hàng, nói và làm không đi đôi với nhau, tìm cách né tránh áp lực trước dư luận.

"Các cổ đông đòi hỏi xem xét trách nhiệm trực tiếp của các thành viên Hội đồng quản trị và Ban lãnh đạo Eximbank tại đại hội cổ đông hôm nay", bà Bình nói.

Trước đó, vào ngày 6/4, Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình. Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật đối với kiến nghị của bà Chu Thị Bình, yêu cầu Eximbank có trách nhiệm trả ngay số tiền tiết kiệm trên 245 tỷ đồng tiết kiệm.

Không chỉ 245 tỷ đồng của đại gia Chu Thị Bình, gần đây, Eximbank cũng để xảy ra nhiều vụ thất thoát hàng chục tỷ đồng của khách hàng. Đáng chú ý là vụ 6 khách hàng gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng Eximbank chi nhánh Vinh và Đô Lương (Nghệ An) đã bị “bốc hơi” 50 tỷ đồng.

Mới đây, vụ án đã được tòa tạm hoãn một thời gian vô hạn định để Eximbank tập trung lo cho đại hội cổ đông. Trong khi khách hàng không chấp nhận sự trì hoãn này.

Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhóm 6 khách hàng khẳng định, Eximbank không có tinh thần hợp tác và việc trì hoãn này hoàn toàn trái ngược với lời hứa của ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank rằng “Eximbank sẽ hợp tác với các cơ quan chức năng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng VIP một cách nhanh nhất” .

"Lý do xin hoãn phiên tòa mà phía Eximbank đưa ra là không chính đáng. Thực tế, đại hội cổ đông và phiên tòa xử vụ án ở Nghệ An thực ra không ảnh hưởng gì nhau vì vụ án ở Nghệ An, Eximbank đã ủy quyền cho giám đốc Eximbank chi nhánh Nghệ An đại diện tại phiên xử. Và vị giám đốc chi nhánh này không hề có chân trong hội đồng quản trị của Eximbank", luật sư Nguyễn Hữu Liêm nói.

Vai trò của các lãnh đạo Eximbank đang “mờ nhạt”?

Qua những vụ mất tiền “khủng” tại Eximbank, nhiều chuyên gia kinh tế, pháp lý nhận định, vai trò của thành viên HĐQT, ban kiểm soát của ngân hàng này đang khá mờ nhạt. Thậm chí, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank là người đại diện pháp lý của ngân hàng nhưng khi vụ việc xảy ra lại trả lời với truyền thông là "đợi ý kiến của HĐQT".

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, vai trò thành viên HĐQT độc lập ở các ngân hàng Việt Nam khá mờ nhạt, không có tiếng nói. HĐQT hoạt động chưa thực chất, dân chủ.

sau-nhung-scandal-eximbank-rat-can-nguoi-cheo-lai-gioi
Đại hội cổ đông thường niên 2018 của Ngân hàng Eximbank tại TPHCM.

Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế, tài chính tại TPHCM cho rằng, trước đây, Eximbank là một ngân hàng có chất lượng tốt. Tuy nhiên, những năm qua, dường như HĐQT các thành viên không tập trung cao độ vào công việc nên mới xảy ra các sự cố, gây mất niềm tin của hàng ngàn khách hàng

"Với Eximbank lúc này, sự thay đổi là cần thiết. Trước hết, phải tăng cường thành viên mới trong HĐQT. Nhân tố đó phải có kinh nghiệm trong nghề, tâm huyết, được sự tin tưởng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cổ đông lớn để gầy dựng lại uy tín cho Eximbank", tiến sĩ Tín nói.

“Sếp cũ” Nam Á Bank về với Eximbank

Sáng 27/4, đại hội cổ đông thường niên 2018 của Eximbank đã chính thức diễn ra. Bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank.

Trong tài liệu gửi tới cổ đông trước đó thì đại hội lần này sẽ bầu bổ sung hai thành viên vào HĐQT nhiệm kỳ hiện tại (2015 - 2020). Tuy nhiên có tới 4 ứng viên nộp hồ sơ và Ngân hàng Nhà nước chỉ chấp thuận 1 người trong số 4 ứng viên để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank là bà Lương Thị Cẩm Tú.

Trong ngày 26/4, ngân hàng Eximbank đã nhận được đơn đề nghị không tham gia ứng cử vào HĐQT của 3 ứng viên còn lại nên ngân hàng Eximbnak đề nghị cổ đông bầu một mình bà Tú vào HĐQT.

sau-nhung-scandal-eximbank-rat-can-nguoi-cheo-lai-gioi
Bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Nam A Bank được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận để bầu bổ sung vào HĐQT Eximbank.

Khi còn là Tổng giám đốc của Nam A Bank, bà Tú chính là vị tổng giám đốc trẻ tuổi nhất của ngành ngân hàng. Bà Tú có trình độ cử nhân chuyên ngành quản lý kinh doanh Đại học Văn Lang, thạc sĩ quản trị kinh doanh Đại học Griggs (Mỹ).

Quá trình công tác ghi nhận bà Tú từng đảm nhiệm các chức vụ như Phó phòng kinh doanh, Trợ lý Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) chi nhánh Khánh Hòa. Giám đốc khu vực kiêm trưởng văn phòng đại diện khu vực miền Trung Ngân hàng TMCP Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB). Phó Tổng giám đốc, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Nam Á. Thành viên HĐQT Công ty CP Đường Ninh Hòa. Thành viên HĐQT Công ty CP Du lịch Thắng Lợi.

Bà Tú cũng là Phó chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Khánh Hòa, từng được nhận giải thưởng Doanh nhân ASEAN tiêu biểu năm 2015.

Hồi tháng 3/2018, bà Tú đã thôi chức Tổng Giám đốc Nam A Bank vì lý do cá nhân.

Trong quá trình công tác, bà Tú đã ghi được nhiều dấu ấn, gần đây nhất là việc góp phần quan trọng vào công cuộc tái cấu trúc và nâng cao năng lực cạnh tranh cho thương hiệu Nam A Bank với cương vị Phó Tổng giám đốc thường trực rồi đến vị trí Tổng giám đốc của ngân hàng này.

Theo các chuyên gia kinh tế thì bà Lương Thị Cẩm Tú có thể sẽ là một trong những “thủ lĩnh” thực sự để “chèo lái” con tàu Eximbank trong tương lai. Các cổ đông cũng mong muốn Eximbank trở lại với Top 10 ngành ngân hàng (năm 2016 đứng thứ 16 và năm 2017 đứng thứ 13).

Tổng giám đốc Eximbank muốn “dừng chân”

Trong đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank cho biết, ông đã chính thức đề đạt với HĐQT tìm kiếm một “thủ lĩnh” mới trong tương lai.

Ở phần bầu bổ sung thành viên HĐQT thì có đến 93,68% tổng số phiếu đồng thuận bầu bổ sung thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2015 - 2020. Theo đó, bà Lương Thị Cẩm Tú, nguyên là CEO của Nam A Bank đã nhận được sự chào đón rất lớn của cổ đông để chính thức trở thành thành viên trong HĐQT Eximbank.

Tuy nhiên, ở phần thảo luận hoạt động của Eximbank thì cổ đông lại khá gay gắt. Các cổ đông cho rằng Eximbank đang hoạt động không hiệu quả và mất uy tín đối với khách hàng sau những vụ “bốc hơi” trăm tỷ.

Ông Lê Văn Quyết cho biết, muốn vực dậy ngân hàng lọt vào Top 10 các ngân hàng đứng đầu tại Việt Nam thì cần có chiến lược dài hơi.

“Cần có kế hoạch tái cấu trúc Eximbank đến năm 2020. Trong đó, chúng tôi tập trung xử lý các tồn đọng, đưa về chuẩn của một ngân hàng bình thường, chặn đà suy giảm và từng bước cải tổ quản trị nội bộ, minh bạch hoá hoạt động, cấu trúc khoản nợ. Từ đây đến năm 2020 mục tiêu này là khó nhưng có khả năng đạt được", ông Quyết nói.

Cũng theo ông Quyết, ông đã cố gắng trong việc ổn định tình hình tại Eximbank trong 2 năm đảm nhận nhiệm vụ tại ngân hàng này. Đúng như cam kết của ông với HĐQT và ông mong muốn có người thay thế ông trong tương lai sắp tới để “chèo lái” Eximbank tốt hơn.

 

Vụ mất 245 tỷ đồng ở Eximbank: Phó Thủ tướng chỉ đạo giải quyết

Liên quan đến vụ mất 245 tỷ đồng tiết kiệm của bà Chu Thị Bình gửi tại Eximbank, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình vừa yêu cầu ngân hàng xem xét, trả lời cho khách hàng.

 

Sau vụ mất 245 tỷ đồng Eximbank yêu cầu xác nhận vân tay

Eximbank bổ sung quy định khách hàng cá nhân khi ủy quyền sẽ đăng ký xác thực bằng vân tay bên cạnh các thủ tục ủy quyền theo quy định.