Sau vụ Asanzo, Bộ Công Thương ban hành dự thảo thông tư ‘Made in Vietnam’

Thứ sáu, 02/08/2019, 05:56 AM

Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam.

sau-vu-asanzo-bo-cong-thuong-ban-hanh-du-thao-thong-tu-made-in-vietnam
Bộ Công Thương vừa ban hành dự thảo thông tư quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam. Ảnh minh họa

Thông tư của Bộ Công Thương quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam, phục vụ cho việc ghi nhãn hàng hóa và tiếp thị hàng hóa lưu thông trên thị trường Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Thông tư này không áp dụng cho hàng xuất khẩu và không áp dụng cho hàng nhập khẩu đã có nhãn mác ghi nhãn thể hiện xuất xứ không phải xuất xứ Việt Nam.

Nội dung thông tư chỉ rõ, tùy thuộc vào quá trình sản xuất, gia công, chế biến, tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn và chỉ sử dụng một trong các cụm từ "Sản phẩm của Việt Nam" hoặc "Sản phẩm Việt Nam", "Hàng hóa của Việt Nam" hoặc "Hàng hóa Việt Nam" hoặc "Hàng Việt Nam", "Sản xuất tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam sản xuất", "Chế tạo tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tạo"; "Chế tác tại Việt Nam" hoặc "Việt Nam chế tác" để thể hiện hàng hóa là hàng hóa của Việt Nam trên nhãn hàng hóa và/hoặc trên tài liệu, vật phẩm chứa đựng thông tin liên quan đến hàng hóa đó.

Cụ thể, hàng hoá được coi là hàng hóa của Việt Nam trong các trường hợp sau: Hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam (cây trồng, vật nuôi tại Việt Nam, khoáng sản…); Hàng hóa có xuất xứ không thuần túy hoặc không được sản xuất toàn bộ tại Việt Nam nhưng trải qua công đoạn gia công, chế biến cuối cùng tại Việt Nam làm thay đổi cơ bản tính chất của hàng hóa.

Tại Điều 10, dự thảo Thông tư quy định rõ hàng hóa sẽ không được coi có xuất xứ của Việt Nam nếu chỉ trải qua một hoặc kết hợp nhiều công đoạn được xem là đơn giản như: thông gió, trải ra, sấy khô, làm lạnh, ngâm trong muối, xông lưu huỳnh hoặc thêm các phụ gia khác, loại bỏ các bộ phận bị hư hỏng và các công việc tương tự; Các công việc như lau bụi, sàng lọc, chọn lựa, phân loại (bao gồm cả việc xếp thành bộ) lau chùi, sơn, chia cắt ra từng phần;

Thay đổi bao bì đóng gói và tháo dỡ hay lắp ghép các lô hàng; đóng chai, lọ, đóng gói, bao, hộp và các công việc đóng gói bao bì đơn giản khác… 

Trước đó, theo Bộ Công Thương nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ngày 14 tháng 4 năm 2017 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43) về nhãn hàng hóa. Theo quy định của Nghị định, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam hoặc nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam đều phải ghi nhãn cho hàng hóa, trừ một số trường hợp quy định tại khoản 2, Điều 1 của Nghị định.

Điều 10 Nghị định 43 quy định nhãn hàng hóa phải thể hiện một số nội dung bắt buộc, bao gồm: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa và các nội dung khác tùy theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. Riêng về xuất xứ hàng hóa, Điều 15 Nghị định 43 yêu cầu tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và tự ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình trên nguyên tắc bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các hiệp định mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương thừa nhận cho tới nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương. Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Việc thiếu vắng các quy định về việc như thế nào thì một sản phẩm được coi là "sản phẩm của Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam" đã khiến nhiều tổ chức và cá nhân lúng túng khi muốn ghi chính xác nước xuất xứ trên nhãn sản phẩm theo quy định của Nghị định 43. Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng dù chỉ trải qua các công đoạn gia công, lắp ráp, chế biến đơn giản tại Việt Nam nhưng cũng gắn nhãn "sản xuất tại Việt Nam" khiến người tiêu dùng thắc mắc, thậm chí bức xúc nhưng các cơ quan chức năng lại không có căn cứ để phân xử.

Chính vì thế Bộ Công Thương xây dựng dự thảo thông tư quy định hàng “Made in Việt Nam”. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự thảo thông tư được xây dựng chủ yếu dựa trên các bộ quy tắc xuất xứ đang áp dụng cho hàng xuất khẩu từ Việt Nam, trong đó có Nghị định số 31/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa.

“Về nguyên tắc, thông tư sẽ không làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp bởi ghi nhãn hàng hóa và công bố nước xuất xứ trên nhãn hàng hóa đã từ lâu là yêu cầu bắt buộc theo quy định của Nghị định 43”, Cục Xuất nhập khẩu khẳng định.

 

Quá hạn báo cáo Thủ tướng, vụ Asanzo có khó khăn gì?

Đây là câu hỏi được cơ quan báo chí gửi đến đại diện Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 về việc vì sao vụ Asanzo không báo cáo Thủ tướng Chính phủ đúng hạn.

 

Giá xăng giảm từ 15h chiều nay

Từ 15h chiều nay 1/8, sau 3 lần tăng liên tiếp, giá xăng giảm nhẹ. Cụ thể, mỗi lít xăng E5 RON 92 giảm 377 đồng, trong khi đó xăng RON 95 giảm 316 đồng.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo vụ Asanzo

Tại cuộc họp của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN (ASW), Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899), Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ sớm làm rõ đúng sai vụ Asanzo.