Ngân hàng nhà nước siết việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm

Thứ tư, 11/09/2019, 14:02 PM

Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam siết việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.

siet-viec-cho-vay-cam-co-so-tiet-kiem
Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước vừa có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam siết việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm.

Qua công tác thanh tra, giám sát Thanh tra Ngân hàng Nhà nước nhận thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Có nghĩa cá nhân, tổ chức vay vốn đảm bảo bằng sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng tiền vốn giải ngân. Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

NHNN cho biết, sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.

Các TCTD phải rà soát, sửa đổi,bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

TCTD phải kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.

Thực tế, khi vào trang web tìm kiếm Google và gõ cụm từ “cho vay bằng sổ tiết kiệm” thì có khoảng 9.390.000 kết quả liên quan đến nội dung này xuất hiện chỉ sau 0,38 giây. Có rất nhiều ngân hàng cũng quảng cáo hình thức cho vay này. Đơn cử như DongAbank giới thiệu chương trình vay cầm cố sổ tiết kiệm, Techcombank cũng đưa ra chương trình vay cầm cố sổ tiết kiệm tại quầy, Top 15 ngân hàng cho vay thế chấp sổ tiết kiệm nhanh và dễ…

Bản thân khách hàng cũng rất chuộng hình thức cho vay thế chấp bằng sổ tiết kiệm. Bởi lẽ, khi có việc gấp cần dùng đến tiềnlớn nhưng sổ tiết kiệm lại chưa đến kỳ tất toán thì việc cầm cố sổ tiết kiệm với mức chênh lệch lãi suất chỉ trên dưới 2%có lợi hơn rất nhiều so với phải rút sổ tiết kiệm mà chịu lãi không kỳ hạn. Chưa kể là thủ tục vay bằng hình thức này rất nhanh chóng và thuận tiện.

Hạn mức vay thường được các ngân hàng giải ngân từ 90% giá trị tiền gửi của sổ tiết kiệm. Do ngân hàng nắm chắc được đằng "cán" là tài sản đảm bảo chính là sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình hoặc ở ngân hàng khác nên scho vay cầm cố sổ tiết kiệm được xem là có tính an toàn cao.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích tài chính, nếu có những khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ nhằm rút tiền ra trước hạn để gửi vào các ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao hơn để hưởng chênh lệch lãi suất thì rõ ràng đang gây ra một số vấn đề cho hệ thống, nhất là trong thời gian gần đây nhiều ngân hàng liên tiếp phát hành các giấy tờ có giá như: chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu... với lãi suất rất cao.

 

Ngân hàng Nhà nước cắt 'room' tín dụng nếu 'chạy đua' tăng lãi suất tiền gửi

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa phát đi văn bản cảnh báo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng về việc tăng lãi suất tiền gửi bằng VND.

 

Vì sao Ngân hàng Nhà nước 'siết' cho vay mua nhà trên 3 tỷ?

Ngân hàng Nhà nước sẽ hướng dòng tín dụng bất động sản, cho vay mua nhà vào phân khúc 1-3 tỷ đồng/căn, 'siết' cho vay mua nhà trên 3 tỷ đồng.

 

Chống lệnh Ngân hàng Nhà nước nhiều ngân hàng để máy ATM hết tiền, gặp sự cố

Ghi nhận trong buổi chiều làm việc cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, nhiều ngân hàng để máy ATM hết tiền khiến người dân xếp hàng dài chờ đợi.