Status hay ngày 24/4: Tiểu thuyết lịch sử tôn trọng lịch sử, có gì sai?

Thứ ba, 24/04/2018, 15:37 PM

Status hay ngày 24/4 xin gửi đến độc giả bình luận của Mai Dương về cuốn sách đang gây xôn xao mạng xã hội mấy hôm nay: Cuốn "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ.

Status hay ngày 24/4 xin giới thiệu tới độc giả một bình luận đáng chú ý của hot facebooker Mai Dương - người nổi tiếng và thường xuyên có những góc nhìn khá mới mẻ, bình tĩnh và công tâm về những vấn đề xã hội. Tài khoản facebook của anh với lượng người theo dõi khủng và thu hút tranh luận, trao đổi về những đề tài nóng.

Mới đây, anh đã đưa ra quan điểm của mình xung quanh cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ. Cuốn sách này hiện đang bị cộng đồng mạng 'ném đá' bởi họ cho rằng tác giả đã có cách hành văn khá ngô nghê và dung tục khi viết về lịch sử. Status hay ngày 24/4 xin gửi nguyên văn bình luận của Mai Dương để bạn đọc cùng tham khảo.

status-hay-ngay-244-chuyen-ve-cuon-sach-bi-nem-da
Cây gạo Chùa Mõ - ở Chùa Mõ, Kiến Thụy, Hải Phòng.

Người dân Hải Phòng nói chung, và Kiến Thụy nói riêng, hẳn không ít người biết đến một di sản của đất này – Cây gạo Chùa Mõ - ở Chùa Mõ, Kiến Thụy, Hải Phòng.

Năm 2011, cây gạo với chiều cao hơn 30m, đường kính gốc hơn 2m, tuổi cây hơn 700 năm, đã được công nhận là Cây di sản Việt Nam. Điều thú vị ở đây, chùa Mõ và cây gạo cổ thụ, đều được xây dựng, trồng và phát tích từ nhân vật cô công chúa trong bộ tiểu thuyết lịch sử đang bị lên án dữ dội mấy ngày qua, dù cuốn sách đã đoạt giải ở hạng mục “sách hay” trong lễ trao giải sách quốc gia 2018.

Đó là cuốn "Chim ưng và chàng đan sọt" của Bùi Việt Sỹ. Và nhân vật trong tiểu thuyết chính là cô Công chúa Thiên Thụy.

Sách bị lên án, bởi có đoạn mô tả cảnh quan hệ ân ái giữa nhân vật Trần Khánh Dư và công chúa, đoạn tả cảnh quan hệ tình dục này bị nhiều người phản ứng, cho rằng tác phẩm đã dùng nhiều từ ngữ dung tục, suồng sã, bất kính, và gây hiệu ứng không tốt.

***

Nhà Trần là một triều đại thú vị với nhiều câu chuyện “truyền đời”. Trong suốt quá trình gầy dựng và phát triển nhà Trần, bóng dáng và vai trò của phụ nữ luôn chiếm một vị trí cực lớn, thậm chí đôi khi lấn át cả nam giới.

Triều Trần là triều đại có chế độ hôn phối độc đáo nhất trong suốt chiều dài lịch sử của ta, khi quy định về chế độ hôn phối cho người trong hoàng tộc, chỉ có người họ Trần lấy người họ Trần, chỉ có người trong hoàng tộc lấy người trong hoàng tộc. Điều này dẫn đến, hiện tượng loạn luân là hiện tượng phổ biến đến mức bình thường đối với nhà Trần.

Thiên Thụy, hay còn gọi là Quỳnh Trân, hay còn gọi là Quỳnh Nga công chúa, là con vua Thánh Tông, và là chị gái của Nhân Tông. Công chúa đương nhiên đẹp, lịch sử chứng minh chưa có con gái của bất cứ một đại gia nào là xấu cả. Dẫu có như cú thì vẫn đẹp, nói gì nói. Đằng này Người đẹp thật!

Thiên Thụy say đắm Trần Khánh Dư, một người trong họ tộc. Khánh Dư đẹp trai, sáu múi, cầm quân oánh trận, văn võ song toàn.

Nhưng, Trần Hưng Đạo (Trần Quốc Tuấn) lại muốn Thiên Thụy làm dâu của mình. Và tất nhiên với vai trò của Trần Hưng Đạo, thì từ cha tới con (Thánh Tông tới Nhân Tông) nào dám chối. Thiên Thụy lấy Trần Quốc Nghiễm, nhưng tất nhiên vẫn không thể nào dứt bỏ Khánh Dư.

Đấy là lịch sử, lịch sử ghi nhận có chuyện tình này, đó là một chuyện tình lén lút vụng trộm, đó là một câu chuyện ngoại tình, nói gì thì nói.

status-hay-ngay-244-chuyen-ve-cuon-sach-bi-nem-da
Biển hiệu gắn dưới gốc cây gạo Chùa Mõ.

***

Trần Nhân Tông (khi đó đã lên ngôi) lúc đó tước hết chức vụ của Khánh Dư, tha không giết, nhưng cũng không dùng nữa. Tuy nhiên, sử chép rằng, khi Nguyên Mông xâm lược lần 2, Nhân Tông lại phải cần đến Khánh Dư.

Được về kinh, được phục chức, chuyện xưa người cũ lại trỗi dậy, Khánh Dư lại tiếp tục dan díu với công chúa. Đúng là người cũ không rủ cũng tới.

Nhân Tông bất đắc dĩ hạ lệnh ép Thiên Thụy rời khỏi kinh thành, xuất gia an phận. Địa điểm được chọn để cắt đứt chuyện tình này, tránh cho Nhân Tông mất mặt với Trần Hưng Đạo, chính là Kiến Thụy huyện thuộc Hải Phòng bây giờ.

Và Thiên Thụy không nghe không được. (Rất nhiều bài báo viết rằng bà chán cảnh lầu son gác tía nên từ bỏ các cái để về với nhân dân)

***

Sử là sử, văn là văn. Đọc sử cần tư duy đúng-sai, đọc văn cần tư duy hợp lý hay không hợp lý. Văn viết dựa trên sử cần hài hòa cả hai yếu tố đó.

Việc ngoại tình là có thật. Lịch sử chứng minh rằng ngoại tình không phải là thành tựu vĩ đại của thời kỳ đổi mới, mà thực ra nó đã có từ tít tận thời xa lơ xa lắc, thời 500 anh lên rừng 500 anh xuống biển.

Nhân vật là có thật, chuyện tình là có thật, xét ở góc độ sử - thì cuốn tiểu thuyết chấp nhận được.

***

Xét về văn.

Chúng ta có một điều rất khốn nạn, là luôn đưa trẻ con ra ngụy biện. Khi không có vũ khí gì để phản biện, hoặc ngu dốt thiếu dữ liệu, hoặc phản biện những vấn đề tính dục trong văn chương sẽ sợ mang tiếng đạo đức giả, thì chúng ta lại đưa trẻ con ra để làm lá chắn, rằng lo sợ chúng đọc sẽ bị ảnh hưởng?!

Trẻ con nào đọc ở đây, ai đó thử làm khảo sát vứt cuốn tiểu thuyết đấy cho trẻ con xem chúng có đọc quá 3 trang đầu tiên không?

Trẻ con sẽ không bị tiêm nhiễm, nếu như thằng người lớn mất nết không cố ý nhấn nhá cho nó. Trẻ con có không gian và sở thích riêng của nó, cũng như người lớn có không gian riêng và sở thích của người lớn, khi duy trì đủ sự tôn trọng lẫn nhau (mà chủ yếu do người lớn chủ động tạo ra và quyết định), thì chẳng bao giờ có chuyện không gian này xâm nhập được vào không gian kia một cách tiêu cực cả.

Một bộ tiểu thuyết tôn trọng lịch sử đã là đáng ghi nhận, việc tiểu thuyết pha trộn các chi tiết đời thường của một cá thể để thu hút bạn đọc cũng là điều đương nhiên. Thánh nhân thì cũng là người mà thành, cũng ăn uống hít thở và đi vệ sinh, thi thoảng táo bón, yêu đương rực rỡ, có gì sai?!

 

Tiểu thuyết lịch sử đoạt giải C Quốc gia bị phản ứng vì mô tả cảnh 'người lớn' thô tục: Người chấm xin rút kinh nghiệm

Thừa nhận cuốn sách "Chim ưng và chàng đan sọt" của tác giả Bùi Việt Sỹ có chi tiết thô tục và bị dư luận phản ứng nhưng vẫn được trao giải C hạng mục sách hay tại lễ trao giải sách Quốc gia 2018, nhà văn Nguyễn Phan Hách đại diện Tiểu ban sách văn học thuộc Ban chấm giải xin được rút kinh nghiệm.

 

Status hay ngày 23/4: Các cấp độ quấy rối ở công sở là rất nghiêm trọng

Status hay ngày 23/4 xin giới thiệu tới bạn đọc một bài viết với tiêu đề "Metoo" của Facebooker Hoàng Anh Minh