Sự thật bẽ bàng về hàng nghìn lá đơn không nhận hỗ trợ dịch Covid-19 ở Thanh Hóa

Thứ sáu, 15/05/2020, 13:03 PM

Đã có hàng nghìn những lá đơn tự nguyện xin không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 ở Thanh Hóa, tuy nhiên sự thật phía sau chúng lại thật bẽ bàng.

Chị L. người dân ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết, nếu không ký đơn, Trưởng thôn sẽ gọi xã về rà soát lại. (Ảnh: Vietnamnet.vn).

Chị L. người dân ở Tĩnh Gia (Thanh Hóa) cho biết, nếu không ký đơn, Trưởng thôn sẽ gọi xã về rà soát lại. (Ảnh: Vietnamnet.vn).

Dư luận xã hội đang xôn xao trước việc hàng ngàn người dân ở Thanh Hóa ký vào những lá đơn soạn sẵn tự nguyện xin không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19.

Lòng tốt và sự thật bẽ bàng sau những lá đơn soạn sẵn

Thông tin nhiều huyện ở Thanh Hóa có hàng nghìn người dân ký đơn soạn sẵn tự nguyện xin không nhận tiền hỗ trợ dịch Covid-19 đang gây tranh cãi trong dư luận.

Cùng với đó, Tổng đài 111 của Bộ LĐ-TB-XH đã tiếp nhận được nhiều thông tin phản ánh về việc cán bộ xã ở Thanh Hóa vận động người dân từ chối không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ hoặc chuyển tiền vào quỹ của địa phương.

Trên báo Thanh Niên, ông Nguyễn Công Hiệu - Phó giám đốc Trung tâm tư vấn và Dịch vụ truyền thông (Cục trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) - đơn vị quản lý Tổng đài 111 giải đáp, tiếp nhận thông tin thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19, cho biết: Cách đây vài ngày, nhân viên tổng đài có nhận được điện thoại của của người dân ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) phản ánh, khi người dân đi làm tờ khai lập danh sách khai đối tượng để được hưởng hỗ trợ Covid-19, thì được gửi kèm luôn cả tờ xin thôi không hưởng hỗ trợ.

Ngoài ra, tổng đài còn nhận được thông tin, có người dân đã nhận được tiền thì ngày hôm sau có cán bộ đến vận động thu lại để nộp vào một vài quỹ của địa phương.

“Tổng đài chỉ tiếp nhận thông tin ban đầu, sau chúng tôi sàng lọc chuyển cho các đơn vị chức năng của Bộ LĐ-TB-XH. Đa phần thông tin phản ánh tiêu cực, chúng tôi đều chuyển trực tiếp cho Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH; đồng thời, báo cáo lãnh đạo Bộ làm việc với Sở LĐ-TB-XH Thanh Hóa kiểm tra thông tin trên. Đây mới chỉ là là thông tin người dân gọi điện đến phản ánh, còn sau đó cơ quan chức năng phải xác minh thêm...".

Một đại diện của Thanh tra Bộ LĐ-TB-XH cũng xác nhận, có nhận được thông tin phản ánh tại huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương,… khi người dân đến nhận hỗ trợ, được động viên không nhận tiền hỗ trợ.“Chính sách hỗ trợ của Chính phủ rất là tốt, nhưng triển khai một số nơi lại thực hiện sai. Chúng tôi đang làm việc với Thanh Hóa, ngày hôm qua, 13/5, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đã có văn bản và chấn chỉnh tình trạng nêu trên”, vị này nói.

Ở một diễn biến khác, báo Vietnamnet.vn còn phản ánh hiện tượng người dân có dấu hiệu bị ép buộc, đe nẹt phải ký vào đơn xin tự nguyện không nhận hỗ trợ xảy ra ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa).

Tiêu biểu là trường hợp người dân ở thôn Hạnh Phúc. Theo đó, mặc dù mới có chủ trương gói hỗ trợ 62.000 nghìn tỷ đồng, nhưng Trưởng thôn Hạnh Phúc là ông Lê Công Ngân đã khoe về thành tích đi vận động được hơn 20 hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ.

Ông bảo, cả thôn có 391 hộ, 1.219 nhân khẩu, trong đó có 17 hộ nghèo, 76 hộ cận nghèo. Những hộ cận nghèo ông đến vận động gần như hộ nào cũng ký vào đơn được đánh máy sẵn.

Chị Nguyễn Thị Luyện (xóm 2, thôn Hạnh Phúc) thuộc diện hộ cận nghèo. Thông qua báo, đài chị có nghe về gói hỗ trợ 62.000 tỷ. Ít hôm sau, chị thấy có đoàn của Trưởng thôn xuống nhà vận động gia đình ký đơn không nhận số tiền trên.

“Ông Ngân, Trưởng thôn còn nói nếu không đồng ý ký, xã sẽ về rà soát lại (đưa ra khỏi danh sách hộ cận nghèo - PV)”, chị Luyện nói.

Nghe vậy, nhà chị Luyện đành phải ký dù không biết số tiền sẽ được hỗ trợ là bao nhiêu. “Nghe nói số tiền được hưởng lên đến gần 4 triệu đồng. Đây là số tiền lớn với người làm nghề tự do, đang còn phải lo ăn từng bữa như nhà tôi”, chị Luyện nói.

Theo những người dân ở đây, sở dĩ họ phải ký vào đơn vì con cái họ đang đi học và còn vay vốn chính sách. Nếu bị cắt đi suất cận nghèo, cuộc sống sẽ rất khó khăn. Cũng theo người dân nơi đây, trưởng thôn chỉ ép được những hộ cận nghèo đang có con cái học hành, vay vốn. Những hộ cận nghèo khác không đồng ý ký đơn.

Một địa phương khác ở huyện Tĩnh Gia là thôn Đồng Minh, số hộ cận nghèo lên đến 78 hộ, trưởng thôn chỉ vận động được 6 trường hợp đồng ý.

“Trưởng thôn có đến nhà tôi vận động ký đơn ủng hộ lại số tiền nhà nước hỗ trợ trong đợt dịch Covid-19 nhưng nhà tôi không đồng ý. Nhà nước quan tâm hỗ trợ, chính quyền thôn, xã không chia sẻ với người dân lại đi vận động trả lại", một người dân thôn Đồng Minh cho biết.

Tỉnh chỉ đạo 1 đằng huyện làm 1 nẻo

Chia sẻ với báo chí, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh Lê Đình Phương cũng thừa nhận có việc vận động các hộ cận nghèo ký đơn không nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.

“Khi Chính phủ có chủ trương về gói 62.000 tỷ đồng cho người dân bị ảnh hưởng trong đợt Covid-19, huyện có công văn yêu cầu rà soát lại tất cả đối tượng. Nếu đối tượng nào (chủ yếu cận nghèo) không đủ điều kiện mà vẫn có trong danh sách thì đề nghị người ta làm đơn không nhận chế độ chính sách.

Xã rất khó xử lý. Vận động hộ cận nghèo không nhận tiền hỗ trợ là sai so với chủ trương, mà họ nhận tiền thì các hộ khó khăn khác sẽ thắc mắc”, ông Phương cho biết.

Theo Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện Tĩnh Gia Hoàng Khắc Đạo, việc rà soát đối tượng sai là do thôn, xã. Dù thế nào thì huyện vẫn chi trả chế độ chính sách theo đúng danh sách.

Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa có công điện khẩn về việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn. Công diện này yêu cầu xử lý nghiêm đối với những cán bộ nếu có việc vận động người dân từ chối nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng của Chính phủ.

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, sau khi nhận thông tin tại Thanh Hóa có hàng nghìn người dân tự nguyện không nhận hỗ trợ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam cũng đã họp và chỉ đạo MTTQ tỉnh Thanh Hóa tăng cường giám sát, làm rõ thông tin.

“Với một số người, mức tiền hỗ trợ không quá lớn và kinh tế không quá khó khăn thì họ hoàn toàn có thể nhường hỗ trợ đó cho người khó khăn hơn. Hành động đó rất đáng quý, nên được khuyến khích, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc đi vận động họ không nhận. Chính quyền địa phương tuyệt đối không được vận động, vì điều này sẽ làm sai lệch bản chất của hành động đẹp, nhân văn”, bà Ánh nhấn mạnh.

Bài liên quan