Sự thật vụ việc hàng loạt nữ sinh viên bỗng dưng ‘mất tích’

Thứ năm, 11/06/2020, 19:00 PM

Nhiều nữ sinh viên bỗng nhiên “mất tích” tại TP HCM đều tham gia sinh hoạt cùng “Team khởi nghiệp 360” và xin một khoản tiền lớn để đi du học.

Một buổi học của Team khởi nghiệp 360. (Ảnh: Thanh Niên).

Một buổi học của Team khởi nghiệp 360. (Ảnh: Thanh Niên).

 

Hàng loạt nữ sinh viên mất tích cùng những bộ hồ sơ du học dởm, bố mất không về chịu tang

Thời gian gần đây, trên địa bàn TP HCM xảy ra hiện tượng hàng loạt nữ sinh viên bỗng dưng mất tích khiến dư luận vô cùng bàng hoàng, nhiều gia đình có con em thậm chí đã cầu cứu Công an, mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.

Báo Thanh Niên đưa tin về một trường hợp phụ huynh cầu cứu qua đường dây nóng phản ánh con gái  19 tuổi là sinh viên năm nhất của một Trường ĐH trên địa bàn TP HCM đã bỏ đi khỏi phòng trọ và cắt đứt mọi liên lạc với gia đình.

Trường hợp trên là ông D. (ngụ ở Q.2, TP HCM) người thân của nữ sinh viên T.N.K.Tr (19 tuổi, quê Bình Định, thuê trọ ở Q.Thủ Đức, TP HCM).

Theo phản ánh, ngày 22/5, nữ sinh viên này mang hồ sơ học bổng của một Trường đại học ở Phần Lan về quê Bình Định xin bố mẹ 450 triệu đồng đi du học.

Vì thương con, vợ chồng ông H. (cha ruột của Tr.) vừa tìm cách xoay tiền, vừa nhờ ông D. trong xác minh hồ sơ du học của con vì số tiền quá lớn đối với gia đình. Tuy nhiên, bộ hồ sơ trên là giả nên ông H vào lại TP HCM đến nhà ông D. để khuyên nhủ nữ sinh viên.

Nữ sinh sau đó cạy cửa trốn lúc nửa đêm đi đâu không rõ, thậm chí tắt điện thoại, Zalo, Facebook khiến gia đình hốt hoảng chia nhau đi tìm khắp nơi vẫn không được.

“Từ khi Tr. mất tích, gia đình chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng cho cháu. Bố mẹ cháu mất ăn, mất ngủ mà chưa hiểu lý do vì sao cháu bỏ đi, đi với ai, đi để làm gì khi mới 19 tuổi đầu”, tờ báo dẫn lời ông D. chia sẻ.

Một trường hợp tương tự là nữ sinh viên T.T.L (19 tuổi, quê Quảng Nam; ở ký túc xá của trường ở Bình Dương), năm nhất của một Trường ĐH thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.

Quá lo lắng, cha nữ sinh đã vội vã lặn lội từ Quảng Nam đến Công an phường Đông Hòa (TX.Dĩ An, Bình Dương) trình báo con bị mất tích nhiều ngày.

Theo cha của nữ sinh viên, cuối tháng 3 vừa qua, em này cũng cầm hồ sơ học bổng ở Phần Lan về nhà xin 200 triệu đồng để đi du học.

Gia đình khó khăn nhưng vẫn cố gắng vay mượn 200 triệu, chuyển cho L. Cuối tháng 5/2020, gia đình bất ngờ không liên lạc được với L., kiểm tra thì không còn ở ký túc xá nữa nên huy động người đi tìm.

“Gia đình chúng tôi ở quê nghèo, có đứa con đi học đại học là niềm tự hào của cả nhà. Nghe con có học bổng du học nước ngoài, dù tôi đi biển làm thuê nhưng cố vay mượn anh em để con đi học. Ai ngờ, lấy tiền xong nó bỏ đi đâu mất, cắt liên lạc với gia đình. Mẹ cháu chết lên, chết xuống ở nhà”, ông L. buồn bã nói.

Tương tự, là trường hợp của nữ sinh Đ.Đ.T.Nh (19 tuổi, quê Bình Định, là sinh viên năm nhất của một Trường ĐH ở Q.4, TP HCM) cũng đến Công an trình báo về việc nữ sinh bỗng dưng mất tích cả tuần nay.

Đáng chú ý, trước khi “mất tích”, nữ sinh viên cũng mang hồ sơ học bổng tại Phần Lan về nhà xin tiền. Gia đình phát hiện ra hồ sơ giả thì em bỏ đi khỏi nơi cư trú, cắt mọi liên lạc với gia đình. Gia đình lo lắng, cùng người thân đi tìm kiếm khắp nơi nhưng chưa tìm ra được manh mối nào.

Một trường hợp khác được tờ báo phản ánh là bà V.T.T.T (45 tuổi, quê Bình Thuận) cũng đã trình báo Công an về việc con gái bà là T.D.D (22 tuổi, sinh viên Trường ĐH H.S ở TP HCM) bị mất tích.

Theo người mẹ này, tháng 8/2019, con gái bà cũng báo xin được việc làm thêm tại cơ sở kinh doanh V.P (Q.Bình Tân). Sau đó, nữ sinh cũng mang bộ hồ sơ học bổng ở nước ngoài về xin mẹ 400 triệu đồng đi du học.

Vì tương lai cho con, bà bán căn nhà ở Bình Tân, chuyển gần 400 triệu đồng. Dù vậy, do nghi ngờ, bà T. xác minh thì tá hỏa phát hiện hồ sơ du học của con là “đểu”. Bà T. gọi điện cho D. khuyên về nhà nhưng chị tắt điện thoại, cắt liên lạc với mẹ mình.

Thậm chí nữ sinh viên bỏ đi bố mất cũng không về chịu tang. “Sau khi con gái bị người khác dụ làm giả hồ sơ du học, lừa lấy gần 400 triệu đồng và bỏ đi thì chồng tôi quá lo lắng đổ bệnh, qua đời. Chồng mất, tôi nhắn tin cho con gái về chịu tang nhưng cháu D. không dám về. Con nhắn vì lỡ nói dối lấy tiền bố mẹ đi làm ăn nhưng chưa thành công nên không dám về”, bà T. buồn bã.

Điều đáng bàn, sau khi báo chí phối hợp với Công an tìm kiếm thì một số nữ sinh bỗng dưng gọi điện thoại về nhà trấn an.

Team khởi nghiệp 360 và những dấu hiệu nghi ngờ

Theo ông D. (cậu của chị Tr.), sau khi xem hồ sơ học bổng Trường ĐH Aalto (Phần Lan) mà cháu mình đưa thì phát hiện nhiều điểm nghi vấn. Ông gửi cho nhiều người bạn đang sinh sống tại nước ngoài xác minh. Một người bạn của ông D. từng học, làm việc tại Trường ĐH Aalto thông báo là hồ sơ giả mạo, chữ ký hiệu trưởng trong hồ sơ đã nghỉ hưu cách đây gần 3 năm.

Đáng chú ý, gia đình phát hiện trên Zalo, máy tính của nữ sinh có nhiều nội dung, hình ảnh liên quan đến hoạt động của “Team khởi nghiệp 360”.

Nữ sinh năm nhất được nhiều thành viên của nhóm này dạy về triết lý kinh doanh, làm giàu mà không cần phải học ĐH (!?).

Tối 6/6, PV Thanh Niên phối hợp với Công an P.Tăng Nhơn Phú A tìm chị Tr. tại địa điểm nói trên nhưng không phát hiện. Thế nhưng, chỉ 10 phút sau khi phát hiện Công an đang tìm mình thì chị Tr. mở điện thoại gọi về cho gia đình thông báo vẫn đang sống khỏe, và hứa sẽ ra gặp bố mẹ.

Chiều 8/6, chị Tr. đã chủ động gọi cho bố của mình để xin gặp và theo về nhà. Tương tự, sau thời gian tìm kiếm, gia đình chị T.T.L đến nơi hoạt động của nhóm “Team khởi nghiệp 360” trên đường Làng Tăng Phú (Q.9) làm lớn chuyện thì chị L. chủ động liên lạc và mới ra gặp theo bố mẹ đi về.

Trường hợp chị Đ.Đ.T.Nh thì được gia đình phát hiện tại “Team khởi nghiệp 360” trên đường Gò Ô Môi (Q.7). Sau nhiều lần làm căng tại địa điểm này, chị Nh. mới chịu liên lạc, về với gia đình. Riêng trường hợp con của bà V.T.T.T đến nay vẫn không chịu về. 

Có dấu hiệu kinh doanh đa cấp

Phản ánh về hoạt động của Team khởi nghiệp 360, Báo Thanh Niên cho hay: Sáng 9/6, UBND phường Tam Phú đã kiểm tra địa chỉ 42A Cây Keo thì phát hiện 60 người đang tập trung tại đây và không có hàng hóa để kinh doanh. Chủ hộ kinh doanh chưa xuất trình được hợp đồng lao động đối với nhân viên cơ sở này.

Theo UBND P.Tam Phú, địa điểm này là nơi được cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh Việt Phú vào ngày 9/8/2018 do Huỳnh Thanh Anh Tuấn (29 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) đứng tên. Ngành nghề bán thực phẩm chức năng, nước hoa, nước đóng chai, nước giải khát.

Ngày 16/3/2020, Anh Tuấn gửi thông báo đến Phòng Kinh tế Q.Thủ Đức về việc ngưng hoạt động. Nhưng đến ngày 29/5/2020, tại địa chỉ trên, Phòng Kinh tế Q.Thủ Đức cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh Thiên Phát do Đoàn Thị Thái Vi (21 tuổi, ngụ tỉnh Ninh Thuận), ngành nghề mua bán cà phê.

UBND phường Tam Phú đã từng nhiều lần kiểm tra, giám sát hoạt động của công ty này.

Ngoài ra, tối 6/6, nhận tin báo của người dân về việc sinh viên tập trung đông tại nhà 21A1 Làng Tăng Phú, Công an Tăng Nhơn Phú A xuống kiểm tra đột xuất.

Tại đây, có hàng chục sinh viên, tất cả không biết chủ cơ sở này là ai. Một cô gái mặc áo quần đen tự nhận mình quản lý ở đây nhưng không xuất trình bất cứ giấy tờ liên quan đến giấy đăng ký kinh doanh, hàng hóa, hợp đồng lao động. Cơ sở này mới được khai trương, đưa vào hoạt động 7 ngày; mỗi ngày thu hút hàng trăm sinh viên lui tới nơi này.

Chiều 10/6, cơ quan chức năng kiểm tra cơ sở số 49 đường số 12 (KP.5, P.Hiệp Bình Chánh). Các nhân viên xuất trình giấy đăng ký hộ gia đình Hoàng Kim.

Tại đây, có 54 người tuổi đời từ 19 - 22 tuổi nhưng chủ cơ sở không có mặt để làm việc với đoàn kiểm tra. Đoàn kiểm tra lập biên bản về các vi phạm hợp đồng lao động, sản phẩm không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Theo đoàn kiểm tra, cơ sở này có dấu hiệu kinh doanh đa cấp. Hiện UBND P.Hiệp Bình Chánh đang tiến hành lập hồ sơ vi phạm, báo cáo lên UBND Q.Thủ Đức xin ý kiến xử lý.