Sữa học đường chỉ được phép sử dụng sữa tươi

Thứ hai, 10/12/2018, 06:20 AM

Đây là nội dung được Bộ trưởng Y Nguyễn Thị Kim Tiến – Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về sữa học đường nêu rõ trong công văn gửi các tỉnh, thành.

sua-hoc-duong-chi-duoc-phep-su-dung-sua-tuoi
Sữa học đường chỉ được phép sử dụng sữa tươi. Ảnh minh họa

Theo đó, công văn số 7162/BYT-BM-TE của Bộ trưởng Y tế, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về sữa học đường ngày 26/11/2018 nêu rõ: "Sản phẩm dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm Sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế".

Trước đó quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế quy định sản phẩm sữa học đường là sữa tươi theo Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng hiện hành (QCVN 5-1:2010/BYT) có bổ sung các vi chất thiết yếu.

Nói tóm lại, sữa được sử dụng trong chương trình sữa học đường quốc gia phải là sữa tươi được sản xuất theo các quy chuẩn hiện hành.

Trước đó, Bộ Y tế từng khiến dư luận băn khoăn khi trong công văn số 5454/BYT-ATTP ngày 17/9/2018, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng” vào Chương trình.

Thay vì chỉ sản phẩm sữa tươi mới được tham gia sữa học đường, thì chuyển theo hướng cho cả các sản phẩm sữa dạng lỏng cũng được tham gia chương trình này. 

Bộ Y tế nêu lý do, sữa tươi trong nước không đủ đáp ứng cho nhu cầu của trẻ, nên phải mở rộng diện sản phẩm. Tức là, chấp nhận những sản phẩm dùng sữa bột (chủ yếu là nhập khẩu) đem hòa với nước cũng được đưa vào chương trình sữa học đường.

Trước vấn đề được Bộ Y tế nêu ra, ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết, trong Chiến lược phát triển chăn nuôi đến 2020 là hoàn toàn có thể đạt được nhờ năng lực sản xuất của các nông hộ, doanh nghiệp ngày càng cao do áp dụng những tiến bộ công nghệ về giống, thức ăn, chăm sóc, nuôi dưỡng và chuồng trại. Hiện nay, các nước có ngành chăn nuôi bò sữa phát triển mạnh như Mỹ, Úc, châu Âu, tiêu thụ 100% sữa lỏng được chế biến từ sữa tươi, trong khi Việt Nam mới đáp ứng được 40%.

Vì vậy, ưu tiên phát triển đàn bò sữa, đi kèm với các dịch vụ cho chăn nuôi nuôi bò sữa để hạn chế sự phụ thuộc nhập khẩu vẫn là ưu tiên hàng đầu, cũng là cách để trẻ em Việt Nam được tiếp cận với nguồn thức uống giàu dinh dưỡng của đất nước.

Cục Chăn nuôi đã ước tính về nhu cầu của Chương trình sữa học đường, cũng như khả năng cung ứng của ngành chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa trong nước. Theo đó, với nhu cầu mỗi học sinh sử dụng 180ml sữa/ngày nhân với 260 ngày đến lớp nhân với khoảng 11 triệu học sinh (mẫu giáo đến lớp 6) thì sản lượng sữa cần cho Chương trình khoảng 514.000 tấn.

Theo ông Chinh, sản phẩm sữa tươi tại Việt Nam được sản xuất, đóng hộp bởi các doanh nghiệp rất uy tín, như Vinamilk, TH trumilk, Mộc Châu milk, Công ty Cổ phần Sữa quốc tế IDP, Công ty Sữa Ba Vì... đều được sản xuất theo chuỗi khép kín từ chăn nuôi bò đến chế biến. Vì vậy, sản phẩm sữa tươi trong nước đảm bảo chất lượng dinh dưỡng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Về mặt khoa học, khi so sánh hai loại sữa tươi và sữa bột hoàn nguyên cũng có sự khác nhau nhất định. Theo đó, sữa lỏng từ 100% sữa tươi nguyên liệu vẫn còn giữ lại được những hoạt chất sinh học, enzym có lợi cho cơ thể.

Trong khi đó, với sữa bột hoàn nguyên, những chất này có thể mất đi do điều kiện trong quá trình chế biến thành sữa khô. Trong khi sữa nước do rất nhiều doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu sữa bột từ nước ngoài về, đem hòa với nước, rất khó kiểm soát về chất lượng, an toàn thực phẩm.

Theo ông Chinh, việc Bộ Y tế đề xuất đưa thêm các sản phẩm sữa khác là không cần thiết. Với năng lực chăn nuôi bò sữa và chế biến hiện nay, ngành sữa hoàn toàn có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng sữa lỏng của Chương trình sữa học đường mà chưa cần bổ sung thêm các loại sữa bột khác.

Theo các chuyên gia trong ngành sữa thì mùa đông là thời điểm, năng suất cho sữa của bò tăng đột biến dễ dẫn đến tình trạng dư thừa sữa tươi. Các doanh nghiệp sấy khô, làm sữa bột và bán phần lớn sang các nước nghèo, không có bò sữa, trong đó có Việt Nam. Điều này khiến cho việc kinh doanh sữa bột pha loãng trở thành siêu lợi nhuận.

Một tồn tại lớn nhất của ngành sữa trong những năm qua là việc sử dụng tên gọi không chính xác để chỉ sữa dạng lỏng làm từ sữa bột. Cụ thể, Tổ chức Tiêu chuẩn hóa thực phẩm thế giới (Codex Stand mà Việt Nam là thành viên cấp Chính phủ) gọi sữa dạng lỏng làm từ sữa bột bằng hai thuật ngữ “sữa pha lại” và “sữa hoàn nguyên”, nước ta lại gọi loại sữa này là “sữa tiệt trùng”. Điều này khiến cho, con trẻ và các bậc phụ huynh cầm trên tay hộp sữa nước cứ đinh ninh đó là sữa tươi. Mới đây, Bộ Y tế đã nêu rõ trong Quy chuẩn quốc gia về sữa dạng lỏng do Bộ Y tế ban hành năm 2017 (QCVN 5:1/2017). Tên gọi “sữa tiệt trùng” đã được gọi chính xác bằng sữa hoàn nguyên hoặc sữa hỗn hợp.

 

Ford Việt Nam 'quán quân' số lần triệu hồi ô tô năm 2018

Trong năm 2018, Ford Việt Nam có số lần triệu hồi xe nhiều nhất.

 

Ô tô đua nhau giảm giá đón 'sóng' tiêu dùng cuối năm

Trong tháng 12 này, nhiều hãng xe ô tô đua nhau đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, giảm giá nhằm đáp ứng nhu mua xe đi Tết Kỷ Hợi 2019 của người dân.

 

Facebook bị phạt 11 triệu USD vì lợi dụng dữ liệu cá nhân người dùng

Cơ quan Cạnh tranh Italy (ICA) thông báo đã phạt Facebook hai khoản trị giá tổng cộng 10 triệu euro (khoảng 11,3 triệu USD) do xử lý không đúng cách dữ liệu cá nhân của người dùng.