Tài xế Grabike tắt ứng dụng, tập trung phản ứng Grab luật sư mách nước đế không phạm luật

Thứ ba, 08/12/2020, 14:20 PM

Nhiều lái xe Grabike đã đồng loạt phản ứng bằng hành động tắt phần mềm đặt xe App, tụ tập và diễu hành trên đường phố Hà Nội trong 2 ngày qua.

Tài xế Grabike tắt ứng dụng, tập trung phản ứng Grab luật sư mách nước đế không phạm luật

Tài xế Grabike tắt ứng dụng, tập trung phản ứng Grab luật sư mách nước đế không phạm luật

Trước việc Grab tăng chiết khấu từ 25% lên 30% đối với mỗi cuốc xe, nhiều lái xe Grabike đã đồng loạt phản ứng bằng hành động tắt phần mềm đặt xe App, tụ tập và diễu hành trên đường phố Hà Nội trong 2 ngày qua. 

Cụ thể ngày 7/12, nhiều lái xe Grabike đã đồng loạt phản ứng bằng hành động tắt phần mềm đặt xe App tập trung tại ngõ 78 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) nhằm phản đối việc doanh nghiệp này tăng giá cước, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe từ ngày 5/12.

Hầu hết, các tài xế tập trung nhau ở đây là các tài xế GrabBike. Họ cho biết, hiện Grab trừ 20% của mỗi cuốc xe của tài xế. Tiếp đó là trừ tiếp 10% số tiền mà họ được hưởng.

“Ví dụ, một người chạy cuốc được 100 nghìn đồng, sẽ bị trừ mất 20 nghìn đồng tiền phí cho Công ty. Đối với số còn lại là 80 nghìn đồng, bị trừ tiếp 10% VAT (là 8.000 đồng) nữa. Thực tế còn lại chúng tôi được hưởng chỉ là 70 nghìn đồng. Việc tăng giá cước như vậy rất bất công”, một tài xế chia sẻ.

Lượng tài xế kéo về trụ sở Grab ở phố Duy Tân càng đông, tất cả đều tắt app và mong được làm việc với đại diện Công ty. Lực lượng Công an sở tại phải huy động lực lượng đến hiện trường để đảm bảo an ninh trật tự.

Bình luận việc hàng trăm lái xe Grabike tắt ứng dụng, tập trung phản ứng Grab luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong các loại hình vận tải thì xe “ôm” công nghệ, taxi công nghệ là loại hình mới mà hệ thống pháp luật đang dần dần từng bước hoàn chỉnh nên việc phát sinh những tranh chấp, khiếu kiện giữa các bên liên quan là có thể xảy ra. 

unnamed

Thời gian gần đây, các văn bản pháp luật liên quan đến việc quản lý, thu thuế của loại hình xe công nghệ này có những thay đổi đáng kể. Cụ thể, theo Nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế, từ ngày 5/12, mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu. 

Theo quy định này, nếu thuế GTGT với xe công nghệ tăng từ 3% lên 10% trên doanh thu và cước vận tải giữ nguyên, thu nhập của lái xe sẽ giảm 8%. Ví dụ, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, lái xe nhận về khoản doanh thu 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định tại Nghị định 126, lái xe sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng. Bản chất của thuế GTGT là thu của người tiêu dùng, doanh nghiệp vận tải tăng vào giá cước để thu của người tiêu dùng nộp cho Nhà nước chứ không phải là thuế mà doanh nghiệp phải nộp. 

“Với taxi công nghệ, lái xe phải nộp thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp. Còn thuế GTGT được tính vào giá thì khách hàng phải nộp. Tuy nhiên, việc xác định thuế GTGT sẽ làm tăng giá cước phí. Theo một số lái xe, họ phải thu nộp về công ty đến 20%, thậm chí đến 30 % thuế GTGT chứ không phải 10% như quy định. Chính vì vậy một số lái xe đã phản đối chính sách của hãng xe công nghệ này", luật sư Đặng Văn Cường nói.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, trường hợp các lái xe công nghệ không đồng ý với chính sách mới của doanh nghiệp thì có quyền thể hiện thái độ, nêu ý kiến của mình với doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phản đối, tụ tập đông người không được gây mất an ninh trật tự, gây rối trật tự công cộng. Trường hợp các lái xe quá khích tập trung đông người hò hét, đập phá, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội làm doanh nghiệp không thể hoạt động được hoặc gây ách tắc giao thông, đại diện Văn phòng luật sư Chính Pháp cho rằng: Sẽ bị xử lý về hành vi gây rối trật tự công cộng. Còn trường hợp những người lái xe phản đối một cách "có trật tự", có kỷ luật không ảnh hưởng đến an ninh trật tự an toàn xã hội thì vấn đề này pháp luật cho phép. 

Trao đổi với báo chí, ông Bùi Danh Liên - nguyên chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội - cho rằng những bất đồng giữa tài xế GrabBike và Công ty Grab thuộc về quan hệ dân sự. Đây là lần thứ 2 các tài xế Grab đi phản đối vì bất đồng tỉ lệ ăn chia.

Tuy nhiên, lỗ hổng lớn nhất là hiện nay Grab và tài xế chạy GrabBike không ký kết hợp đồng lao động nên nhiều quyền lợi của tài xế không được đảm bảo. Bên cạnh đó, các quy định pháp lý về vận tải hiện nay cũng không điều chỉnh hoạt động của loại hình GrabBike nên cơ quan chức năng không có cơ sở giải quyết vi phạm, tranh chấp.

Vì vậy, ông Liên cho rằng cơ quan chức năng, nhất là Bộ Giao thông vận tải, cần xem xét, đưa loại hình GrabBike vào quản lý, đảm bảo quyền lợi cho cả tài xế lẫn Grab trên cơ sở pháp luật, tránh những vụ tập trung khiếu nại gây bất ổn xã hội.