Tăng giá điện: Thanh tra Chính phủ vào cuộc ‘làm rõ đúng sai’

Thứ bảy, 04/05/2019, 06:43 AM

Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc phối hợp các cơ quan “làm rõ đúng sai” tăng giá điện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6.

Tăng giá điện Thanh tra Chính phủ vào cuộc
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ vào cuộc phối hợp các cơ quan “làm rõ đúng sai” tăng giá điện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6. Ảnh minh họa

Tiền điện “nhảy múa” sau khi EVN tăng giá điện

Khi nhận giấy báo tiền điện của tháng 4/2019, chị Tạ Thị Lý (Hà Nội) cho biết, tháng 3, nhà chị tiêu thụ 341 kWh với số tiền phải nộp là 752.912 đồng nhưng sang tháng 4/2019, hóa đơn tiền điện đã tăng lên 916.626 đồng với sản lượng điện tiêu thụ 374 kWh.

Qua báo, đài chị Lý biết giá điện tăng nên chắc chắn hóa đơn tiền điện sẽ tăng nhưng việc chỉ dùng hơn so với tháng 3 chưa đến 40 số điện mà số tiền chị phải trả thêm lên đến gần 200 nghìn đồng là quá lớn.

Theo chị Lý đây mới chỉ là thời điểm đầu hè, thời tiết có nóng bức nhưng chưa phải đỉnh điểm, với việc tăng giá điện này mỗi tháng gia đình chị phải thêm chi phí ít nhất 200 nghìn đồng. “Cùng với giá xăng, giá thực phẩm tăng thì rõ ràng người dân sẽ gặp nhiều khó khăn”, chị Lý chia sẻ.

Thực tế không ít người dân hốt hoảng sau khi cầm hóa đơn tiền điện tháng 4, bởi theo cách nghỉ của phần lớn người tiêu dùng giá điện tăng 8,36% lên mức lên 1.864,44 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT) tăng khoản hơn 100 đồng so với giá điện bình quan trước đó 1.720,65 đồng/kWh.

Tuy nhiên thực tế cách tính giá điện theo 6 bậc hiện nay thì mức tăng lớn hơn nhiều.

Giá điện bán lẻ theo từng hộ tiêu thụ (sinh hoạt, sản xuất...) cũng được Bộ Công Thương ban hành trên cơ sở khung giá Quyết định 24 của Thủ tướng. Cụ thể, giá bán lẻ điện sinh hoạt vẫn chia theo 6 bậc thang, thấp nhất 1.678 đồng một kWh và cao nhất 2.927 đồng một kWh. Các mức giá này chưa gồm thuế VAT.

Cùng với giá bán lẻ điện sinh hoạt, Bộ Công Thương cũng quy định giá bán buôn với hộ tiêu dùng này, thấp nhất 1.646 đồng một kWh cho số điện từ 0 đến 50 kWh và cao nhất 2.871 đồng cho hộ dùng trên 400 kWh.

tang-gia-dien-thanh-tra-chinh-phu-vao-cuoc-lam-ro-dung-sai
Thanh tra Chính phủ vào cuộc ‘làm rõ đúng sai’ trong việc tăng giá điện. 

Cụ thể, chỉ bậc 1 và bậc 2 mức tiêu thụ dưới 100 kWh là thấp hơn so với giá điện bán lẻ bình quân (1.864 đồng/kWh), còn lại từ bậc 3 đến bậc 6, giá điện bán lẻ lại cao hơn nhiều so với giá điện bình quân, dao động từ 2.014 – 2.927 kWh.

Trong khi đó, hầu hết các hộ gia đình đều phải sử dụng điện trong mức từ trên 100 kWh - 400 kWh trở lên, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng như hiện nay. Người dân dùng càng nhiều điện thì càng phải nộp nhiều tiền.

Thực tế ngoại trừ bậc 1 và bậc 2 được chia nhỏ nâng từng mức 50 kWh/ bậc (bậc 1 dưới 50 kWh, bậc 2 từ 51 – 100 kWh). Còn lại từ bậc 3 giá điện từ mức tiêu thụ 101 kWh cũng bằng 200 kWh là 2.014 kWh, tương tự bậc 4 mức tiêu thụ 201 kWh – 300 kWh cũng mức giá như nhau 2.536 đồng/kWh…

Cách tính biểu giá điện hiện nay có lợi cho EVN và khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Câu hỏi tại sao Bộ Công Thương không chia nhỏ biểu giá điện theo từng mức 50 kWh?

Khi chia nhỏ bậc giá điện sẽ hợp lý hơn cho người dân bởi nếu chia thêm bậc giá điện thì hộ gia đình tiêu thụ mức 150 kWh chi phí phải trả sẽ thấp hơn hộ tiêu thụ 200kWh, tương tự hộ tiêu thụ 250kWh chi phí thấp hơn 300 kWh…

EVN là doanh nghiệp Nhà nước, hiện đang độc quyền giá điện. Có thể nói, điện là trụ đỡ của nền kinh tế. Vai trò, trách nhiệm của EVN rất lớn và vinh dự. Cái mà EVN mang lại lợi nhuận lớn nhất cho quốc gia chính là tạo điều kiện để nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu chỉ vì lợi nhuận của riêng EVN để so đo, tính toán thì nền kinh tế sẽ thiệt hại rất lớn, lợi nhuận của EVN có cao đến mức nào cũng không thể bù đắp được.

Thủ tướng yêu cầu làm rõ đúng sai

Trước băn khoăn dư luận về việc giá điện tăng mạnh, tối muộn ngày 3/5 Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài Chính, Bộ Công Thương về các thông tin liên quan đến điều chỉnh giá bán điện.

Văn bản nêu rõ, thời gian qua một số phương tiện thông tin đại chúng đưa tin việc điều chỉnh mức giá bán điện và việc thu tiền điện gây bức xúc cho người dân.

“Về việc này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan kiểm tra việc điều chỉnh mức giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện thời gian qua; làm rõ đúng, sai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6/2019”, văn bản Văn phòng Chính phủ nêu rõ.

Trước đó, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo giá tại cuộc họp ban chỉ đạo cuối tháng 3, ông yêu cầu Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) theo dõi, đánh giá tác động gián tiếp của việc điều chỉnh giá điện.

Bộ này cũng được yêu cầu công khai, minh bạch chi phí đầu vào, kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định. Trước đó từ ngày 20/3, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 8,36%, lên mức giá 1.864,44 đồng một kWh.

Với giá xăng dầu, Phó thủ tướng yêu cầu liên Bộ Công Thương - Tài chính điều hành phù hợp với diễn biến giá thế giới kết hợp với trích, lập và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, đảm bảo có dư địa cho bình ổn thị trường. Liên bộ cũng cần chủ động có kịch bản ứng phó nếu giá mặt hàng này tăng cao, tránh ảnh hưởng tới kỳ vọng lạm phát.

Trong diễn biến liên quan, số liệu mới công bố của Tổng cục thống kê cho thấy, giá điện bán lẻ bình quân tăng 8,36% từ 20/3 và hai đợt tăng giá xăng dầu thêm gần 3.000 đồng trong tháng 4, đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 0,31%.

9 tháng cuối năm 2019, theo dự báo của Ban chỉ đạo giá, các mặt hàng thiết yéu trong đó có xăng dầu biến động khó lường. Cùng đó, một số mặt hàng do Nhà nước định giá đang trong quá trình rà soát, xem xét điều chỉnh theo lộ trình thị trường... nên công tác điều hành giá gặp nhiều thách thức.

 

Clip: Phản ứng người dân khi giá điện, giá xăng liên tục tăng

Cùng lắng nghe người dân chia sẻ về mức chi phí sinh hoạt của người dân tăng ra sao trong bối cảnh giá điện, giá xăng liên tục tăng thời gian qua.

 

Giá điện tăng, lương lãnh đạo EVN bao nhiêu?

Trong bối cảnh giá điện tăng dư luận đặt ra câu hỏi lương lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là bao nhiêu có tiết kiệm để chia sẻ khó khăn với người dân được không?

 

Cùng với giá xăng, giá điện giá dịch vụ y tế cũng tăng mạnh

Cùng với giá mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện từ đầu tháng 5/2019 Hà Nội bắt đầu thực hiện việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ Bảo hiểm y tế.