Tăng giá điện: Vì sao Bộ Công Thương muốn xử lý cá nhân cố tình xuyên tạc?

Thứ ba, 21/05/2019, 18:55 PM

Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí phản ánh chính xác, khách quan không đưa các thông tin trái chiều về giá điện.

tang-gia-dien-vi-sao-bo-cong-thuong-muon-xu-ly-ca-nhan-co-tinh-xuyen-tac
Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT-TT chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí phản ánh chính xác, khách quan không đưa các thông tin trái chiều về giá điện. Ảnh minh họa

Trong báo cáo trình Chính phủ mới đây về nguyên nhân tăng giá điện, Bộ Công Thương đã kiến nghị xử lý các cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ trong đợt điều chỉnh giá điện.

Cụ thể, Bộ Công Thương cho biết kết quả kiểm tra cho thấy công tác ghi chỉ số công-tơ, chốt chỉ số, tính tiền điện trong tháng thay đổi giá, áp giá bán lẻ điện và thanh toán tiền điện được các đơn vị thực hiện đúng quy trình kinh doanh của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cũng như tuân thủ theo quy định của Chính phủ về ghi chỉ số công tư, thanh toán tiền điện.

"Việc chốt chỉ số công-tơ, phát hành hóa đơn tiền điện tại một số khách hàng sử dụng điện sản xuất lớn cho thấy, các tổng công ty điện lực và công ty điện lực đã thực hiện đúng quy định", Bộ Công Thương khẳng định.

Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh ngành điện đã chuẩn bị kỹ càng, có kế hoạch đầy đủ cho việc giải đáp thắc mắc của khách hàng sử dụng điện. Cơ quan này cũng đã kiểm tra thực tế các cuộc gọi xử lý thông tin khách hàng, cho thấy khách hàng đều hài lòng, đồng ý với kết quả giải quyết.

Qua đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ TT-TT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí thực hiện thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện; phản ánh chính xác, khách quan không đưa các thông tin trái chiều về giá điện.

Có biện pháp chấn chỉnh và xử lý các cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội.

Trước kiến nghị của Bộ Công Thương, trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 21/5, các đại biểu Quốc hội cho rằng, kiến nghị trên là không hợp lý. Người dân có quyền nêu, phản ánh ý kiến những vấn đề xuất phát từ thực tế xã hội, tác động trực tiếp tới họ.

tang-gia-dien-vi-sao-bo-cong-thuong-muon-xu-ly-ca-nhan-co-tinh-xuyen-tac
Ông Phạm Văn Hoà - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, kiến nghị trên là "không hay, gây phản cảm".

Ông Phạm Văn Hoà - Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật, Phó đoàn đại biểu tỉnh Đồng Tháp cho rằng, kiến nghị trên là "không hay, gây phản cảm". "Lộ trình, quy định tăng giá được Chính phủ cho phép nhưng khi thấy tiền điện tăng gấp đôi, gấp ba thì người dân có quyền phản ánh", ông Hoà nói với VnEpress.

"Tôi cho rằng kiến nghị như vậy là không đúng. Nếu yêu cầu xử lý phản ánh của người dân về giá điện thì chứng tỏ Bộ Công Thương không cầu thị", ông Hoà nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Quang Tuấn, đại biểu TP Hà Nội cho rằng, bất kỳ ai cũng có quyền nói lên quan điểm của mình, nhất là khi chính sách đưa ra tác động trực tiếp tới số đông. "Nếu cho rằng người dân phản ánh vấn đề là xuyên tạc và muốn truy cứu thì không hợp lý", ông Tuấn nói.

Qua tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, ông Tuấn nhận được nhiều phản ánh về chuyện tăng giá điện. Điểm bất cập hiện nay, theo đại biểu TP Hà Nội, là giá điện chia 6 bậc thang và định mức tính bậc 1 (0-50 kWh) khá thấp, không còn phù hợp với mức sinh hoạt đang tăng của đa số người dân. Ông góp ý, nên nới định mức bậc 1 lên gấp đôi, 100 kWh, để phản ánh đúng nhu cầu tiêu dùng điện của người dân.

"Chính phủ, Bộ Công Thương cần có báo cáo chi tiết, phân tích tác động đầy đủ hơn với từng đối tượng. Điểm nào chưa hợp lý thì nên điều chỉnh lại", ông Tuấn nói.

Liên quan tới giá điện, cử tri tỉnh Tiền Giang kiến nghị Bộ Công Thương nâng định mức sử dụng điện sinh hoạt đối với hộ gia đình từ 50 kWh lên 100 kWh. Do hiện nay, nhu cầu sử dụng điện của các hộ dân đã tăng nhiều so với trước kia, nhất là điện phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt thiết yếu của cuộc sống.

Tuy nhiên, Bộ Công Thương cho hay, phần lớn lượng điện năng hiện nay đang được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu hóa thạch, không tái tạo được như than đá, dầu mỏ, khí đốt là các nguồn tài nguyên có hạn nên việc sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả được xem như là biện pháp quan trọng và cần thiết.

"Nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, nhiều nước trên thế giới áp dụng giá điện sinh hoạt theo các bậc tăng dần để phù hợp với các mức sử dụng điện khác nhau của các hộ dân; hộ sử dụng điện càng nhiều, không tiết kiệm điện, sử dụng các thiết bị tiêu hao nhiều năng lượng sẽ phải áp dụng giá điện cao hơn", Bộ Công Thương cho biết.

Bộ cũng dẫn ví dụ Nhật Bản áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 bậc; Hàn Quốc, Hồng Kông, Nam Phi áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 6 đến 7 bậc; khu vực ASEAN áp dụng giá điện sinh hoạt bậc thang từ 3 bậc đến 10 bậc.

 

'Người anh em' The Zei liệu có vướng lùm xùm giống Mon City?

Được giới thiệu là thành phố thẳng đứng trong tương lai, dự án vừa mới được mở bán The Zei của Hd Mon liệu có chiếm được lòng tin của khách hàng sau nhiều tai tiếng từ người anh em đi trước là Mon City.

 

Mỗi người dân đang 'gánh' bao nhiêu nợ công?

Với quy mô kinh tế năm 2018 khoảng 5,5 triệu tỉ đồng, nợ công ở ngưỡng 3,2 triệu tỉ thì bình quân mỗi người dân Việt Nam gánh hơn 32 triệu đồng nợ công năm 2018.

 

Đại biểu Quốc hội đề nghị minh bạch cách tính giá điện

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanhmột số đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, báo cáo minh bạch cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện.