Thứ năm, 28/12/2017, 13:54 PM
  • Click để copy

Tham vọng của quân đội Nga tại Bắc Cực

Trong khi Nam Cực là một lục địa được bao bọc bởi lớp băng phủ dày hàng km và nằm ở vị trí địa lý khá xa các cường quốc thì Bắc Cực lại có một vị thế hoàn toàn khác, nơi các nước lớn luôn tìm mọi cách đặt ảnh hưởng và kiểm soát, đặc biệt là Nga khi nước này có vùng lãnh thổ tiện lợi nhất để thực hiện những hành động này.

Về mặt tài nguyên, theo cơ quan nghiên cứu địa chất Hoa Kỳ dự báo, trữ lượng dầu tại Bắc Cực là 412 tỷ thùng, chiếm khoảng 22% tổng lượng dầu và khí chưa được phát hiện trên Trái Đất. Không chỉ thế, nơi đây còn giữ nhiều loại tài nguyên khoáng sản, sinh học khác cùng một con đường thông thương chiến lược khi lớp băng che phủ Bắc Cực ngày càng mỏng do hiện tượng Trái Đất nóng lên.

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Hiện đang có 6 nước chính đòi hỏi chủ quyền một phần lãnh hải Bắc Cực gồ Nga, Mỹ, Canada, Iceland, Na Uy và Đan Mạch. 

Dù hiện nay giá dầu thấp cùng các lệnh cấm vận của phương Tây có làm chậm những động thái chinh phục Bắc Cực của người Nga thì họ cũng đang là nước có nhiều hành động nhất trong việc khẳng định chủ quyền lợi ích của mình tại vùng nước băng giá này, vượt xa các quốc gia khác cũng đang đòi hỏi quyền lợi như Mỹ, Na Uy, Trung Quốc…

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Nga hạ thủy tầu phá băng Sibir, một trong ba con tầu phá băng nguyên tử lớn nhất thế giới của họ. 

Học thuyết kiểm soát Bắc Cực của Nga hiện nay cũng khác hoàn toàn với Liên Xô ngày trước. Nếu như Liên Xô chỉ coi Bắc Cực như một nơi dễ dàng triển khai vũ khí đáp trả trong chiến tranh hạt nhân và chỉ xây dựng tại đây những căn cứ tầu ngầm và máy bay ném bom chiến lược, đồng thời ẩn giấu hạm đội tầm ngầm nguyên tử của mình với khả năng triển khai chiến đấu xuyên băng hiệu quả thì Nga coi đây như một vùng khu vực phải nắm giữ, chiếm đóng và triển khai quân thường xuyên.

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Khu trục tuần tra Bắc Cực Ivan Papanin. Nó có sức mạnh vũ khí không kém các loại tầu tương tự ở các vùng biển nước ấm cùng khả năng phá băng dày tới 1,7 mét. 

Tuy kinh tế khó khăn, nhưng hiện nay, Nga đang là nước sở hữu hạm đội tầu phá băng lớn nhất thế giới với 40 chiếc, 6 trong số đó là tầu phá băng nguyên tử. Không chỉ vậy, họ còn đang đóng thêm 3 chiếc tầu phá băng nguyên tử khổng lồ khác lớp LK-60Ya lần lượt với tên Arktika (Bắc Cực), Sibir (Xi bê ri) và Ural (núi Ural). Những chiếc tầu phá băng này có giãn nước tới 33,5 nghìn tấn, thiết bị động lực là lò phản ứng hạt nhân RITM-200 công suất 175 MW, có khả năng hoạt động không giới hạn thời gian, chỉ cần tiếp tế nhu yếu phẩm cho thủy thủ và phá được lớp băng dày đến 2,8 mét, đủ để mở một con đường hàng hải cho các tầu hàng cũng như tầu chiến Nga đi xuyên Bắc Cực.

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Xe bọc thép và tên lửa phòng không tầm ngắn TOR-M2DT được thiết kế riêng để tác chiến tại Bắc Cực được trình diễn trong lần duyệt binh mừng chiến thắng phát xít năm vừa rồi tại Moskva. 

Không chỉ phụ thuộc vào tầu phá băng, Nga cũng dự định đóng những khu trục hạm đặc biệt để tác chiến tại các vùng biển đóng băng. Hiện Bộ Quốc phòng Nga đã đặt hàng nhà máy đóng tầu Admiralty đóng 2 chiếc khu trục tuần tra Bắc Cực đặc biệt có tên Ivan Papanin. Đây là loại tầu chiến đặc biệt có khả năng phá băng dày tới 1,7 mét, có khả năng tuần tra, cứu hộ và chiến đấu trong điều kiện Bắc Cực. Mỗi chiếc Ivan Papanin có giãn nước 8500 tấn,  được vũ trang bởi một pháo chính AK-176MA với tầm bắn 15 km, xạ tốc 131 phát/ phút; tên lửa hành trình, chống hạm hoặc chống ngầm Kalibr-NK với tầm bắn có thể tới 660 km. Ngoài ra tầu cũng được trang bị tên lửa phòng không và ngư lôi, cho thấy nó có sức mạnh không hề thua kém bất kỳ loại tầu chiến nước ấm nào.

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Binh sĩ Nga huấn luyện với xe chó kéo tại Bắc Cực. 

Không chỉ đầu tư vào hải quân vùng biển băng, Nga cũng tăng cường sự có mặt tại Bắc Cực bằng các căn cứ quân sự, binh lính và khí tài đóng quân thường xuyên. Điển hình từ năm 2007, Nga đã xây dựng xong căn cứ quân sự Arkticheskiy Trilistnik nằm trên quần đảo Franz-Josef chỉ cách Cực Bắc xấp xỉ 1000 km. Tại đây, họ đã xây một khu phức hợp kín rộng 14 000 mét vuông đủ để phục vụ 150 binh sĩ hoạt động trong 18 tháng liên tục với nhiệt độ ngoài trời thường xuyên ở mức dưới -40 độ C trở xuống. 

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Những người lính gốc Buryat hoặc Yakutia vốn có sức chịu lạnh hoàn hảo là ưu thế cực lớn của quân đội Nga khi phải tác chiến tại Bắc Cực. 

Lực lượng lục quân Nga đồng thời cũng được nhận các trang bị được sản xuất phục vụ riêng cho mục đích tác chiến tại Bắc Cực, với các tính năng đặc trưng như khả năng chịu lạnh, vượt địa hình băng giá phức tạp cùng màu sơn ngụy trang đặc trưng. Trong cuộc duyệt binh mừng chiến thắng phát xít năm 2017, Nga cũng không hề giấu diếm khi trình diễn những mẫu xe bọc thép và tên lửa phòng không tối tân Pantsir phiên bản dành riêng cho Bắc Cực.

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Hệ thống tên lửa phòng không Pantsir M2 dành riêng cho Bắc Cực. 

 Các binh sĩ hoạt động tại các đơn vị trên cũng được tuyển từ những người dân vùng đất Siberia hay Viễn Đông khắc nghiệt, vốn đã quá quen với nhiệt độ lạnh -50 tới -60 độ C và những mùa đông ảm đạm ngày ngắn đêm dài. Trang bị cá nhân của họ cũng được đặc biệt đầu tư không tiếc công. Các binh sĩ này được trang bị một bộ quần áo bảo vệ hiện đại tới 8 lớp, không thấm nước, có khả năng giúp người mặc tự nổi khi ngã xuống nước, các suất ăn dinh dưỡng khoa học và các phương tiện đặc trưng của cư dân vùng cực từ hiện đại như xe trượt tuyết máy cho đến xe chó kéo, tuần lộc.

tham-vong-va-hanh-dong-cua-nga-tai-bac-cuc
Nga cho thấy họ có đủ tham vọng, quyết tâm và thực lực để xác lập và bảo vệ quyền lợi quốc gia tại Bắc Cực.

Dù cho gặp nhiều khó khăn kinh tế, nhưng có thể thấy Nga đang rất nghiêm túc trong việc khẳng định ý chí bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình tại vùng cực bắc, và từ những gì họ thể hiện thì có vẻ họ đang làm được đúng như tham vọng của mình.

 

10 sự kiện quân sự nổi bật của Nga trong năm 2017

Sau đây là 10 sự kiện quân sự nổi bật của Nga trong năm 2017 do Hãng tin RIA Novosti bình chọn.