Tháo dỡ Công viên nước Thanh Hà: Bao giờ làm rõ trách nhiệm cán bộ?

Thứ bảy, 01/02/2020, 13:52 PM

Việc chính quyền Hà Đông quyết tâm phá dỡ công trình xây dựng sai phép là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên trong khi Công viên nước Thanh Hà đã bị tháo dỡ dù chủ đầu tư xin gia hạn thì câu hỏi trách nhiệm cán bộ địa bàn vẫn chưa được làm rõ.

Vụ việc Công viên nước Thanh Hà bị cưỡng chế tháo dỡ khiến dư luận bàng hoàng.

Vụ việc Công viên nước Thanh Hà bị cưỡng chế tháo dỡ khiến dư luận bàng hoàng.

Vụ việc cưỡng chế tháo dỡ tại Công viên nước Thanh Hà (Hà Đông, Hà Nội) vừa qua gây tranh cãi không ít trong dư luận.

Trong bối cảnh tình trạng ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường đang xảy ra đáng báo động thì việc công viên được mệnh danh là hiện đại và đẹp nhất Thủ đô bị cưỡng chế khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. 

Nhiều ý kiến bày tỏ rằng, trên địa bàn TP Hà Nội có không ít những công trình vi phạm trật tự xây dựng thế nhưng việc tháo dỡ một công viên là điều không nên bởi hiện nay các công trình phục vụ vui chơi giải trí là rất hiếm.

Có người cho rằng, thay vì tháo dỡ, chính quyền nên tạo điều kiện để những công trình mang lại lợi ích cho cộng đồng, lợi ích cho môi trường được phát triển, thay vì cứng nhắc phá dỡ bởi dẫu sao đây cũng là tiền bạc của doanh nghiệp phải bỏ công sức mà có. Hơn nữa, công trình cũng đem lại lợi ích cho môi trường.

Được biết mới đây, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đề nghị kiểm tra, xử lý khẩn cấp việc UBND quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế hành chính.

Trong đơn này, Cienco 5 cho rằng, quận Hà Đông đã thực hiện cưỡng chế không đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đối với doanh nghiệp.

Cảnh ngổn ngang bên trong công viên hiện đại nhất Thủ đô.

Cảnh ngổn ngang bên trong công viên hiện đại nhất Thủ đô.

Cienco 5 còn cho biết, do vi phạm nên công ty chấp hành việc quyết định tháo dỡ. Tuy nhiên, do khối lượng công việc nhiều và các hạng mục lắp đặt phức tạp, cần thực hiện theo quy trình kỹ thuật và do nhà thầu lắp đặt tháo dỡ để đảm bảo không hư hỏng, không mất giá trị sử dụng của tài sản nên Công ty này đã gửi báo cáo đến UBND quận Hà Đông đề nghị gia hạn và xem xét tạo điều kiện để xử lý các thiết bị kỹ thuật theo quy trình.

Mặc dù vậy, kiến nghị này đã không được chấp nhận. Sau hai ngày thực hiện cưỡng chế, UBND quận Hà Đông đã thực hiện đập phá toàn bộ các hạng mục xây dựng trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà.

"Toàn bộ tài sản mà Công ty đầu tư hơn 200 tỷ đồng đều bị hủy hoại và không còn giá trị sử dụng…”, Cienco 5 cho biết.

Trả lời trên tờ Dân Trí, ông Nguyễn Quang Ngọc - Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết: Việc thực hiện quyết định tháo dỡ đã thực hiện theo đúng quy trình, quy định của pháp luật.

Trước khi gửi đơn thư kêu cứu Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP Phát triển địa ốc Cienco 5 cũng đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông về việc đề nghị xử lý sai phạm trong quá trình cưỡng chế công trình công viên nước Thanh Hà.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Quang Ngọc cho biết do thời điểm doanh nghiệp gửi công văn gần Tết nên phía quận chưa kịp có văn bản phản hồi các ý kiến của doanh nghiệp (!).

Khó nhận ra vài tháng trước Công viên nước Thanh Hà từng là điểm đến thu hút nhiều trẻ em.

Khó nhận ra vài tháng trước Công viên nước Thanh Hà từng là điểm đến thu hút nhiều trẻ em.

Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông cho biết sẽ có văn bản trả lời trong tuần sau. “Hiện Phòng Tư pháp đang trong quá trình xử lý, chúng tôi sẽ căn cứ trên toàn bộ hồ sơ thực hiện để làm rõ các phản ánh của doanh nghiệp”, ông Ngọc cho hay.

Từ những diễn biến này, nhiều người cho rằng việc chính quyền Hà Đông quyết tâm phá dỡ công trình xây dựng sai phép là rất đáng hoan nghênh, tuy nhiên trong khi Công viên nước Thanh Hà đã bị tháo dỡ dù chủ đầu tư xin gia hạn thì câu hỏi trách nhiệm cán bộ địa bàn vẫn chưa được làm rõ.

Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) nhìn nhận rằng, Công viên nước Thanh Hà không phải là cái kim, xây dựng từ khá lâu và đã hoàn thành đi vào hoạt động được 6 tháng trước khi tháo dỡ.

"Vậy tại sao đến bây giờ chính quyền mới thực hiện tháo dỡ, tại sao không ngăn chặn việc xây dựng không đúng giấy phép ngay từ ban đầu?".

 

 

Trước khi bị tháo dỡ Công viên nước Thanh Hà được nhiều gia đình chọn làm điểm đến khi mùa hè về.

Trước khi bị tháo dỡ Công viên nước Thanh Hà được nhiều gia đình chọn làm điểm đến khi mùa hè về.

Câu hỏi này xin dành lại cho UBND quận Hà Đông, UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng. Nhưng có một thực tế rằng, để một công trình vi phạm xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng được 6 tháng mới xử lý, thì đó không chỉ là sự buông lỏng quản lý, mà cần phải xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ để xảy ra sự việc không mong muốn này.

Bên cạnh đó, người dân cũng hi vọng rằng, nhiều công trình sai phạm, không có giấy phép xây dựng trên địa bàn Hà Nội cũng cần phải được xử lý nghiêm minh, tránh sự bao che, buông lỏng quản lý…

Bài liên quan